Trong Kinh Ưu Bà Tắc Giới, Đức Phật có dạy: Trời nắng, người đi đường vào bóng cây núp mát, khi ra đi không được bẻ cành cây.
Phật chế giới cấm không được bẻ cây, vì cây có cái ơn che mát cho chúng ta trên con đường dài nóng bức. Lòng biết ơn là một nội dung trọng hiếu trong đạo Phật. Nhà buôn nhờ trí sáng suốt, năng động mà có của cải giàu sang, cũng cần biết ơn những người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo nuôi sống con người. Nhà điền chủ, ruộng thẳng cánh cò bay, lúa chất đầy kho cũng cần biết ơn những thợ thủ công quanh năm dệt vải trang sức cho mọi người.
Lòng biết ơn - giá trị đạo đức tôn giáo của Phật giáo và của các tôn giáo nói chung qua hàng nghìn năm đã hoà chung vào dòng chảy văn hoá của mỗi dân tộc.
Trong cuộc sống, mọi thứ sinh ra đều có nguồn gốc. Để có của cải vật chất mỗi người cần đánh đổi rất nhiều thứ, nào là sức khỏe, thời gian,…. Vì vậy chúng ta cần “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những người đã sinh và nuôi ta thành người, biết ơn những người nông dân, người thợ thủ công, nhà buôn đã đánh đổi nhiều thứ để tạo ra miếng ăn, giấc ngủ, đồ dùng sinh hoạt cho cộng đồng.
Trong dân gian, ca dao tục ngữ về lòng biết ơn của người Việt Nam hết sức phong phú: Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; Uống nước nhớ kẻ đào giếng; Uống nước chớ quên người đào mạch; Chim có tổ người có tông; Nước có nguồn, cây có gốc…
Trong dòng chảy truyền thống tốt đẹp đó, các cán bộ khuyến công ở tỉnh miền núi đã thể hiện rõ nét tinh thần uống nước nhớ nguồn. Nói đến Sơn La nhiều người nghĩ ngay đến nhà máy thuỷ điện Sơn La, công trình có công suất lớn nhất Đông Nam Á. Nhưng điều mà Sơn La phải quan tâm là sau khi bà con nhường đất cho thủy điện thì đất canh tác thu hẹp. Cứ hình dung trước khi làm thuỷ điện, bình quân 1 người 1ha, bây giờ 4 người 1 ha.
Nhưng để chuyển đổi được lực lượng lao động này một lúc sang phi nông nghiệp rất khó khăn bởi vì tập quán và trình độ sản xuất. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã ra quyết định phải hỗ trợ cho bà con đã vì nghĩa lớn, vì sự phát triển điện năng của đất nước mà nhường đất, chấp nhận đến tái định cư ở nơi ở mới còn rất nhiều khó khăn. Nghị quyết của Tỉnh uỷ Sơn La khuyến khích hỗ trợ nhà đầu tư chế biến nông sản với mục tiêu chính giải quyết việc làm, nhất là lao động vùng dân tộc thiểu số ở vùng thủy điện, vùng tái định cư.
Nghị quyết hướng đến tăng giá trị sản xuất công nghiệp cho địa bàn tỉnh. Nhưng mục tiêu chính là giải quyết được nhiều việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh Sơn La và đặc biệt chú trọng lao động ở vùng thủy điện, vùng tái định cư. Trong đó khuyến công cũng được giao nhiệm vụ tuyên truyền chính sách để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là chính, ngành nghề làm nền tảng để phát triển làng nghề.
Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh lần thứ 12 cũng đã xác định lợi thế của Sơn La là đất rộng, khí hậu tốt, ngành nông nghiệp đã có, vì vậy cần sản xuất để nâng cao giá trị. Ngành tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp phải đi vào chế biến nâng cao giá trị sản phẩm, tăng giá trị xuất khẩu.
Chương trình có 2 nhiệm vụ chính. Một là tập trung giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập để giảm bớt khó khăn, áp lực của hậu thủy điện, đi vào giai đoạn ổn định kinh tế vùng lòng hồ và ổn định dân cư. Tránh tình trạng di cư tự do, thấy nơi khác tốt hơn lại chạy đến. Dân cư thì liên quan đến rất nhiều vấn đề như ổn định về đời sống, ổn định về văn hóa. Giải quyết chính là vấn đề kinh tế trước. Hai là cơ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản phải tăng giá trị sản xuất và kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu. Ở những sản phẩm nào thì ta phải đi từ tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp. Theo kinh nghiệm những năm trước đó, đã hỗ trợ cho chương trình khuyến công thì nhận thấy người dân vùng hồ thủy điện đất không còn, do đó phải tạo điều kiện tốt nhất để người ta sống trên hồ được, vừa canh tác trên nương vừa kết hợp canh tác nguồn thủy hải sản.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Khuyến Công và tư vấn phát triển Công Nghiệp Sơn La điều tra khảo sát và nhận thấy nghề có thể phát triển được là nghề đóng tàu thuyền sắt gắn máy. Trung tâm mở 4 lớp đào tạo nghề gò hàn, vừa đóng mới vừa sửa chữa tàu sắt ở xã Triển Bằng, huyện Quỳnh Nha cho 140 lao động. Thành công của chương trình này là lúc đầu có 4 lớp, 140 người đăng ký, nhưng sau kiểm danh sách, nhiều bà con xin học ké, và con số lên gần 160 người. Mặc dù vượt chỉ tiêu nhưng khi sát hạch Trung tâm vẫn phải đảm bảo, lựa chọn. Có người khó khăn quá thì người ta bỏ. Tuy nhiên lúc kết thúc lớp vẫn còn 156 người
Trong quá trình đào tạo Trung tâm phối hợp với trường cao đẳng nghề Hải Dương, mời các thày chuyên về cơ khí lên giảng dạy trong 3 tháng. Sau đó dạy luôn cho bà con cách có thể độc lập mở xưởng hoặc đi làm thuê.
Nhìn chung hơn 150 lao động đào tạo ra hầu như 100% có việc làm và có thu nhập ổn định. Sau này có 14 cơ sở phụ cho việc đóng tàu thuyền và sửa chữa tàu thuyển được mở ra, trong đó có 1 HTX, 6 cơ sở phát triển mạnh. Số lao động tới 60 – 70 người, có những đơn đặt hàng tới 270 thuyền, mỗi thuyền khoảng 3- 4 triệu.
Bản thân bà con có nhiều sáng tạo. Lớp học dạy cách kết cấu chịu lực để có thể tỷ lệ đóng thuyền theo từng loại trọng lượng, loại 1 - 1,5 tấn, nhưng nay họ đã đóng những co thuyền chở tới 70 tấn. (tuy cấp phép 70 tấn nhưng nếu ra thực tế những con thuyền đó có thể trở được 300 tấn trở lên). Thuyền dài 72m, rộng 5,5 – 6m (đó là thuyền của HTX Xuân Hải). Các hộ tư nhân cũng phát triển mạnh vì họ quen nghề rồi, họ ra mở riêng, còn đóng thuyền cho cả Lai Châu.
Theo cam kết giữa Thành ủy Hà Nội và Thường vụ Tỉnh Sơn La, 2 tỉnh phối hợp giao lưu văn hóa, trao đổi mua bán sản phẩm, phát triển kinh tế và hỗ trợ phát triển ngành nghề và đào tạo nâng cao năng lực trong đó có khuyến công. Sở công thương HN và tỉnh Sơn La giao nhiệm vụ phát triển ngành nghề cho 2 trung tâm. Xoay quanh việc sử dụng cá trên hồ, Trung tâm nhận thấy việc đặc điểm nuôi cá ở vùng hồ thủy điện có 2 nguồn thức ăn: 1 nguồn thức ăn do nơi khác mang đến, 1 nguồn là đánh bắt ngay tại chỗ. Để có cá con làm nguồn thức ăn cho một số loại cá như cá nheo, cá lăng, bà còn thường dùng những cái vó, te ngày xưa rất đơn sơ. Nếu họ mua ở xuôi về, nếu bị rách cũng không biết vá. Mua thì đắt mà không biết cách sử dụng, cách vá.
Trung tâm đã liên kết với khuyến công Hà Nội, chúng tôi đưa ra nhu cầu là đảm bảo cho bà con, đặc biệt là các HTX họ vừa làm nhà bè, họ sống trên đấy thử. Trung tâm dạy họ nghề đan lưới và sản xuất các dụng cụ đánh bắt thủy sản và cách nuôi trồng thủy sản. Trung tâm dạy cho khoảng 70 người, chủ yếu cho phụ nữ để họ biết sửa lưới, sửa chì, vào chì, bắt phao, đan đụp... Từ 70 người này bà con lại dạy tiếp cho những người khác nữa. Có 2 HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm. Những người Trung tâm mời đến giảng dạy cho bà con sau này lại chính là những người cung cấp nguyên liệu cho bà con làm nghề.
Một nghề khác được Trung tâm mở lớp là sản xuất hàng thổ cẩm. Các túi xách, áo, quần, váy của người dân tộc, người Mông, khăn Piêu của người Thái… Trung tâm đã hỗ trợ đào tạo, sản xuất và hỗ trợ cả máy móc, thiết bị để bà con có những phần không cần thiết phải có nhân công truyền thống. Sản phẩm thổ cẩm không thể chạy theo công nghiệp mà kết tinh từ bàn tay của nghệ nhân mới đem lại giá trị. Nhưng có những phần cần cơ giới hóa như se tơ, cắt vải, vắt sổ, vào mex… thì có thể dùng máy được.
Được hỗ trợ về dạy nghề, máy móc và tư vấn phát triển sản phẩm, cuộc sống của đồng bào nhường đất cho thuỷ điện, đến tái định cư trên địa bàn Sơn La có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Một ví dụ điển hình là huyện Mai Sơn - nơi tiếp nhận đồng bào huyện Quỳnh Nhai về định cư để nhường đất cho công trình thủy điện Sơn La. Năm 2022 các chỉ tiêu của huyện Mai Sơn đều đạt, vượt kế hoạch đề ra; 100% xã có đường ô tô từ huyện đến trung tâm xã được cứng hóa; 74% bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 100% số xã, thị trấn có trạm y tế, 98,7% số hộ dân được sử dụng điện lưới an toàn; 100% các trường học (nơi có học sinh bán trú) ở xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh đáp ứng cơ bản nhu cầu ăn, ở cho học sinh ở các cấp học; 98% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình được xem Truyền hình và nghe Đài Tiếng nói Việt Nam; toàn huyện có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao; 89,2% người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ hộ nghèo của huyện mỗi năm giảm trên 2%.
Những hoạt động của khuyến công Sơn La cho thấy, lòng biết ơn, nghĩa tình uống nước nhớ nguồn - những giá trị tốt đẹp của nhiều tôn giáo đã lan toả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương trên đất nước ta.