Theo cập nhật mới đây từ Chứng khoán Dầu khí (PSI), giá cho thuê giàn khoan dầu khí trên thế giới đang tiếp neo ở mức cao, dao động khoảng từ 140.000 - 150.000 USD/ngày. Tỷ lệ hoạt động của các giàn cũng được tăng lên, ở khoảng từ 90 - 97% ở cả khu vực Trung Đông và Đông Nam Á. Đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, những chiến dịch khoan mới đang được triển khai ở cả Malaysia và Indonesia.
Dự kiến giá cho thuê giàn khoan sẽ duy trì ở mức khi hoạt động đầu tư thượng nguồn tiếp tục gia tăng. Tập đoàn tài chính J.P Morgan ước tính, chi tiêu cho các dự án dầu khí thượng nguồn toàn cầu đạt 555 tỷ USD trong năm nay.
Hiện nhiều tổ chức quốc tế uy tín dự báo nhu cầu dầu thô trên toàn cầu trong năm 2025 sẽ chưa thể tăng trưởng nhanh trở lại do tình hình kinh tế tại các nước phục hồi chậm. Trong khi đó, nguồn cung dầu từ các quốc gia ngoài liên minh OPEC+ như Mỹ, Brazil.. đang có xu hướng tăng lên. Đặc biệt, liên minh OPEC+ cũng có thể tăng sản lượng trở lại nhằm duy trì thị phần. Ngoài ra, việc thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển xe điện cũng là thách thức đối với nhu cầu sử dụng dầu thô.
Chứng khoán Dầu khí hiện dự báo, trong kịch bản cơ sở với giả định căng thẳng tại Trung Đông không leo thang, giá dầu thô sẽ dao động quanh ngưỡng 70 - 80 USD/thùng.
Mức giá này vẫn mang lại mức lợi nhuận ổn đối với doanh nghiệp khai thác dầu, qua đó, tạo ra trợ lực cho giá thuê giàn khoan trong thời gian tới.
Bên cạnh sự sôi động của thị trường khoan quốc tế, hoạt động khoan trong nước đang dần “tăng nhiệt” sau 10 năm trầm lắng. Hiện đang có ít nhất 10 dự án nội địa đang đi đến giai đoạn khoan hoặc chuẩn bị đấu thấu khoan trong giai đoạn 2024 - 2025.
Điển hình, tại dự án Lạc Đà Vàng, Tập đoàn Murphy Oil đã đưa ra Quyết định Đầu tư Cuối cùng (FID) trị giá 693 triệu USD hồi tháng 11/2023 và Giàn xử lý trung tâm của mỏ này vừa được Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) khởi công xây dựng.
Tại dự án Nam Du - U Minh, Tập đoàn Jadestone Energy đã ký thoả thuận khung với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) liên quan đến việc mua bán khí.
Tại chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn, giữa tháng 9/2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thông báo chính thức khởi công xây dựng dự án này và các gói thầu EPCI#1 & 2 thuộc khâu Thượng nguồn được triển khai.
Chứng khoán Dầu khí kỳ vọng với tính chất quan trọng của dự án để bù đắp cho các mỏ khí nội địa đang dần cạn kiệt, chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn sẽ sớm được phê duyệt FID.
Những yếu tố thuận lợi hiện nay được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã cổ phiếu PVD) quay lại “thời hoàng kim” như giai đoạn 2011 - 2015.
Đáng chú ý, PV Drilling hiện sở hữu giàn khoan có độ tuổi khai thác trẻ nhất so với các đối thủ trong khu vực. Cụ thể, độ tuổi khai thác trung bình của các giàn khoan PV Drilling hiện chỉ khoảng 11 năm, so với tuổi thọ trung bình các giàn khoan là 35 - 40 năm, giúp công ty này có lợi thế trong việc thực hiện các chiến dịch khoan phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao.
Ngoài mảng cho thuê giàn khoan, các chiến dịch khoan sôi động còn tạo cơ hội cho PV Drilling cung cấp dịch vụ kỹ thuật giếng khoan vốn có biên lợi nhuận gộp cao.
Các giàn khoan tự nâng của PV Drilling hiện đã có việc làm xuyên suốt năm 2025 với quyền chọn gia hạn thêm hợp đồng hấp dẫn.
Theo Chứng khoán Dầu khí, PV Drilling có thể sẽ thuê thêm 02 giàn khoan nhằm đáp ứng nhu cầu khoan trong thời gian tới và nhiều khả năng sẽ giành được hợp đồng dịch vụ giếng khoan cho dự án Lô B với tổng giá trị hợp đồng ước tính là 2 tỷ USD.