Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,32 triệu tấn, trị giá gần 2,1 tỷ USD, giảm 6,2% về lượng nhưng tăng 11,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước nhờ giá tăng cao.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm cao hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 1.592 USD/tấn.
Tính riêng trong tháng 9/2024, giá cao su xuất khẩu tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 32,8% (1.329 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân đạt 1.730 USD/tấn. Đây cũng là mức giá cao nhất đạt được kể từ tháng 5/2022 đến nay.
Mặc dù nhu cầu từ Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, suy giảm đáng kể, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam nói riêng và giá thế giới nói chung vẫn tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng thiếu hụt nguồn cung dưới tác động của điều kiện thời tiết bất lợi ở loạt quốc gia sản xuất cao su lớn, đặc biệt là Thái Lan, cùng với đó là dịch bệnh trên cây cao su.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) vừa điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu lên mức 15,74 triệu tấn; đồng thời, điều chỉnh giảm dự báo nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu cho cả năm nay xuống còn 14,50 triệu tấn.
Điều này khiến thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay. ANRPC cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt rơi vào khoảng 600 - 800.000 tấn/năm.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán MB, bên cạnh yếu tố thời tiết và dịch bệnh, giá cao su còn đang được hỗ trợ bởi việc các quốc gia có nguồn cung cao su lớn đã có chính sách hạn chế sản lượng; hợp tác quản lý nguồn cung giữa các quốc gia để cân đối với thị trường.
Cụ thể, Thái Lan - vốn chiếm 33% tổng sản lượng cao su toàn cầu - đã có kế hoạch cắt giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới. Indonesia, quốc gia đứng thứ 2 về xuất khẩu cao su trên thế giới, cũng có xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang trồng dầu cọ và các loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cao su lớn cũng đang có xu hướng chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp. Điển hình như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đã được phê duyện chuyển đổi hơn 23.000 ha trên 300.000 ha đất cao su (trong nước) sang đất khu công nghiệp. Công ty Cổ phần Cao su Phước Hoà (PHR) cũng có định hướng chuyển đổi gần 11.000 ha đất cao su… bởi cho thuê đất khu công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cao su.
ANRPC cũng cho biết, diện tích cao su của các hộ tiểu điền ở khu vực Đông Nam Á đang giảm đáng kể khi nông dân dần chuyển sang cây trồng khác có thời gian chăm sóc nhanh hơn, lợi nhuận cao hơn như dầu cọ, sầu riêng…; cùng với đó là tình trạng thiếu hụt lao động cho khai thác mủ. Điều này khiến nhiều vườn cây đang trong độ tuổi khai thác bị bỏ trống. Các hộ tiểu điền chiếm khoảng 85% tổng nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu.