Sẽ thay đổi chiến lược kinh doanh, Tập đoàn FPT đặt kỳ vọng vào thị trường nước ngoài

Tập đoàn FPT (mã cổ phiếu FPT) cho biết mảng công nghệ thông tin nước ngoài dự kiến sẽ có mức tăng trưởng kép hàng năm lên tới 27% trong 5 năm tới.

Theo cập nhật mới đây từ Chứng khoán SSI, Tập đoàn FPT (mã cổ phiếu FPT - sàn HoSE) có quan điểm “khá tích cực” về triển vọng mảng công nghệ thông tin nước ngoài với dự báo mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của mảng này có thể đạt khoảng 27% trong giai đoạn 2025 - 2030. Trong đó, Nhật Bản sẽ là thị trường có mức tăng trưởng rõ rệt nhất.

Tập đoàn FPT đánh giá nhu cầu về kỹ sư công nghệ thông tin trong vòng 5 năm tới sẽ tăng trưởng 18 - 20%/năm. Đồng thời, doanh thu trên mỗi nhân viên sẽ được cải thiện nhờ việc triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc và kỳ vọng tập đoàn sẽ ký được các hợp đồng quy mô lớn hơn.

Ngoài ra, trước đây tập đoàn chủ yếu cung cấp dịch vụ dựa trên yêu cầu của khách hàng nhưng giờ tập đoàn đang dần chủ động hơn trong việc xác định các vấn đề của khách hàng để đưa ra giải pháp, Tập đoàn FPT cho biết.

Tập đoàn FPT
 Tập đoàn FPT nhận định nhu cầu về kỹ sư công nghệ thông tin sẽ tăng trưởng 18 - 20%/năm trong giai đoạn 5 năm tới.

Về chiến lược dài hạn, tập đoàn này lên kế hoạch cải thiện năng lực công nghệ và cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn thay vì duy trì việc cạnh tranh về giá so với các đối thủ đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Tập đoàn FPT chia sẻ: “Lợi thế cạnh tranh về giá không phải là chiến lược bền vững  và có thể dần thu hẹp trong thời gian tới”.

Đáng chú ý, tại thị trường trọng điểm - Nhật Bản, nhu cầu đầu tư vào công nghệ thông tin của các doanh nghiệp ở đây đang tăng trưởng mạnh mẽ nhưng các công ty công nghệ thông tin Ấn Độ xuất hiện khá hạn chế. Đồng thời, khách hàng Nhật Bản có xu hướng đa dạng hoá đối tác, thay vì tập trung vào các nhà cung cấp Trung Quốc như trước đây.

Trong khi đó, thị phần của Tập đoàn FPT tại Nhật Bản vẫn còn tương đối thấp (khoảng 1%, theo Chứng khoán SSI), giúp mở ra cơ hội tăng trưởng lớn. Đặc biệt, với đặc thù văn hoá kinh doanh, đơn hàng mới sẽ được giao dựa trên sự hài lòng và chất lượng của đối tác trong quá khứ.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC, trừ Nhật Bản), Tập đoàn FPT đánh giá mức độ chi tiêu cho hoạt động công nghệ thông tin cũng ở mức “mạnh mẽ” nhờ dân số trẻ, như trong các lĩnh vực về tài chính, logistics, và bán lẻ.

Giá cổ phiếu FPT Tập đoàn FPT
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tập đoàn FPT bắt tay đối tác Ireland thúc đẩy đào tạo nhân lực AI" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đối với khu vực châu Âu, theo chia sẻ của Tập đoàn FPT, mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng 54% trong nửa đầu năm nay chủ yếu do mức độ thâm nhập của tập đoàn tại thị trường này tương đối thấp so với các thị trường khác, cũng như hưởng lợi từ thương vụ mua lại công ty tư vấn công nghệ thông tin AOSIS (Pháp) vào năm ngoái.

Đáng chú ý, Tập đoàn FPT tiết lộ đang tái cấu trúc đội ngũ bán hàng tại thị trường châu Âu để đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn, cùng với việc mở thêm văn phòng đại diện mới để hỗ trợ đội ngũ này.

Đối với thị trường nước, Tập đoàn FPT hiện duy trì quan điểm “thận trọng” dựa trên kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm nay trong bối cảnh biên lợi nhuận giảm.

Hiện Tập đoàn FPT đặt mục tiêu mức tăng trưởng kép hàng năm doanh thu tại Nhật Bản là 30% trong giai đoạn 2026 - 2030; tại khu vực APAC là 25% trong giai đoạn 2026 - 2030; tại châu Âu là 20 - 25% và tại châu Mỹ là 27% trong giai đoạn 2025 - 202.

Duy Quang