Trong phiên giao dịch đêm 16/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay giao dịch quanh mốc 1.971 USD/ounce; giá vàng giao tháng 12/2020 trên sàn giao dịch Comex (New York, Hoa Kỳ) đạt ngưỡng 1.981 USD/ounce. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 450 USD/ounce tương ứng 29,6%.
Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD niêm yết hiện nay tương đương mức 55,8 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và phí), thấp hơn khoảng 850 nghìn đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều 16/9.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng khá nhanh trước diễn biến mới trên thị trường tiền tệ quốc tế và nhiều dự báo không mấy lạc quan về nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, đồng USD đã sụt giảm mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) công bố quyết định giữ nguyên mức lãi suất ở mức 0% đến 0,25% sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày (15 và 16/9, theo giờ Hoa Kỳ).
FED cho biết mặc dù hoạt động kinh tế và việc làm tại Hoa Kỳ đã được cải thiện trong những tháng gần đây nhưng vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với đầu năm. Bên cạnh đó, nhu cầu yếu hơn và giá dầu thấp hơn đáng kể đang kìm hãm lạm phát giá tiêu dùng. FED đặt mục tiêu lạm phát trên 2% và sẽ tung ra các công cụ cần thiết để tăng kỳ vọng lạm phát.
Đà tăng của giá vàng cũng được củng cố khi các dữ liệu mới nhất của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 8/2020 tại nước này chỉ tăng 0,6%, thấp hơn mức tăng 0,9% trong tháng 7 trước đó và kém xa mức dự báo tăng 1,1% của giới phân tích.
Ông Mike McGlone, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại Bloomberg Intelligence nhận định, mặc dù đà tăng của giá vàng bị gián đoạn trong vài tuần gần đây sau khi giá vàng bật tăng mạnh, nhưng giá vàng vẫn còn nhiều dư địa để tăng trở lại và xu hướng tăng ổn định trong vài ngày gần đây chỉ là bước đầu của đợt tăng giá lần này.
Ông Lukman Otunuga, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại FXTM, cũng nhận định giá vàng sẽ rất khó để giảm giá do các nguyên tắc cơ bản của giá vàng đang mạnh lên, điều này có thể đẩy giá vàng lên cao hơn nữa. Theo ông Lukman Otunuga, các bất ổn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, bất ổn địa chính trị và các rủi ro ngày càng lớn hơn trên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục hỗ trợ nhu cầu tìm đến vàng như là kênh đầu tư trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, áp lực gia tăng lạm phát hiện nay cũng là động lực mạnh để hỗ trợ đà tăng của giá vàng.
“Việc FED đặt mục tiêu giữ lạm phát trung bình ở mức 2%, đồng nghĩa là lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài. Đây là một tin tốt lành đối với giá vàng, giá vàng có thể tăng lên trong môi trường lãi suất thấp. Bên cạnh đó, đồng USD đang suy yếu. FED hiện là ngân hàng trung ương bơm lượng tiền nhiều nhất vào thị trường để cải thiện tính thanh khoản và điều này đang khiến đồng USD suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt khác. Đồng USD khó có thể tăng mạnh trở lại khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm và Hoa Kỳ chưa kiểm soát tốt đại dịch Covid-19”, ông Lukman Otunuga khẳng định.
Ông Michael Matousek, chuyên gia phụ trách giao dịch tại Global Investors (Hoa Kỳ), giới đầu tư trên thị trường vàng hiện đang lạc quan trong bối cảnh mức lãi suất thấp có thể duy trì trong 3 năm tới và đây có thể là nhân tố giúp giá vàng bật tăng trong thời gian tới.
Báo cáo của hãng dịch vụ giao dịch kim loại quý MJS PAMP Group (Hà Lan) cho biết giá vàng đang tích luỹ để phá ngưỡng 1.992 USD/ounce - 2.000 USD/ounce. Mốc 2.000 USD/ounce được nhận định không quá khó bởi giá vàng có xu hướng đi lên, nhưng mốc cao hơn 2.015 USD/ounce thì sẽ cần thêm nhiều thời gian để đạt được.