Giá xăng dầu hôm nay 21/3 tại thị trường thế giới
Trong sáng nay ngày 21/3, giá xăng dầu thế giới tăng trở lại sau khi chịu áp lực điều chỉnh giảm trong phiên hôm qua.
Cụ thể, vào lúc 7h30 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 85,95 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 81,68 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI đã lần lượt giảm 1,64% và 2,14%.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong khoảng 5,25 - 5,5% tại cuộc họp chính sách tháng 3/2024. Đây là lần thứ 5 liên tiếp, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây.
Phát biểu trước giới truyền thông, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết “Chúng tôi muốn thận trọng”.
Chủ tịch Fed khẳng định các số liệu lạm phát cao gần đây không thay đổi được xu hướng giảm sức ép giá tại Mỹ. Dù vậy, ông Jerome Powell nhấn mạnh Fed chưa thể tự tin là đã thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. Do đó, cơ quan này sẽ không vội vã hạ lãi suất khi nền kinh tế và thị trường việc làm tại Mỹ vẫn tiếp tục sôi động.
Hiện giới chức Fed vẫn tiếp tục phát tín hiệu cho thấy có thể thực hiện 03 lần giảm lãi suất trong năm nay với mỗi lần giảm 25 điểm cơ bản.
Tuy nhiên, cho đến phiên họp tiếp theo của Fed vào tháng 6/2024, Mỹ sẽ nhận thêm một số báo cáo lạm phát và việc làm, đồng nghĩa tình hình có thể thay đổi rất nhiều. Lạm phát hạ nhiệt sẽ củng cố kỳ vọng Fed bắt đầu giảm lãi từ tháng 6. Ngược lại, lạm phát tăng tốc sẽ đẩy lùi dự báo này.
Hiện Fed dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tại Mỹ sẽ giảm về mức 2,4% vào cuối năm nay nhưng chỉ số PCE lõi (đã loại trừ giá thực phẩm và giá năng lượng) có thể chỉ giảm về mức 2,6%. Các con số này đều cao hơn đáng kể so với mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% của Fed.
Giới phân tích hiện đánh giá các quyết định của Fed lên thị trường dầu mỏ là “không đáng kể” do đây đều là những kịch bản đã được giới đầu tư chờ đợi. Xét về mặt kỹ thuật, giá dầu thô đã bước vào vùng “quá mua” trong 2 phiên giao dịch gần đây khi lên mức cao nhất 4 tháng. Do đó thị trường cần sự điều chỉnh để đạt lại điểm cân bằng trước khi có các xu hướng vận động giá mới.
Đáng chú ý, bên cạnh việc giữ nguyên lãi suất, Fed tiếp tục tin tưởng kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm” với lạm phát được kiểm soát mà không gây ra suy thoái. Fed hiện dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm nay ở mức 2,1% và đạt 2% trong năm sau. Các con số này đều cao hơn so với dự báo được đưa ra hồi tháng 12/2023.
Một số nhà phân tích đánh giá, triển vọng kinh tế Mỹ tích cực sẽ là “cú hích” cho thị trường dầu mỏ trong thời gian tới. Vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu năm nay, chủ yếu do dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tốt hơn kỳ vọng.
Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Giá xăng dầu hôm nay 21/3 tại thị trường trong nước
Vào ngày 14/3, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh theo diễn biến của thị trường thế giới. Trong kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg, không trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa.
Không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Theo đó, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 22.490 đồng/lít (giảm 22 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.053 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 23.543 đồng/lít (giảm 14 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành);
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 20.549 đồng/lít (tăng 78 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành);
- Dầu hỏa: không cao hơn 20.706 đồng/lít (tăng 97 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành);
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 16.432 đồng/kg (tăng 299 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành).