Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, nhu cầu nhập khẩu quả xoài các loại của Hoa Kỳ ngày càng có xu hướng tăng trong giai đoạn năm 2019 - 2023, với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1% về trị giá.
Trong năm 2023, nhập khẩu quả xoài các loại của Hoa Kỳ đạt 746,4 nghìn tấn, trị giá 1,11 tỷ USD, giảm 4,6% về lượng và giảm 0,8% về trị giá so với năm 2022. Giá quả xoài các loại nhập khẩu bình quân đạt 1.486,9 USD/tấn, tăng 4% so với năm 2022.
Hoa Kỳ nhập khẩu quả xoài các loại chủ yếu từ thị trường Mexico trong năm 2023, chiếm 61,3% tổng lượng xoài nhập khẩu, đạt 457,9 nghìn tấn, trị giá 583,6 triệu USD, tăng 1,2% về lượng và tăng 2,3% về trị giá so với năm 2022. Tiếp theo là nhập khẩu từ thị trường Peru, Brazil, Ecuador…
Nhập khẩu quả xoài của Hoa Kỳ qua các năm 2019 - 2023
Nguồn: USDA
Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 13 cho Hoa Kỳ, lượng xoài nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp, tuy nhiên Hoa Kỳ nhập khẩu xoài từ Việt Nam tăng mạnh cả về lượng và trị giá trong năm 2023. Giá xoài nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt 3.189,9 USD/ tấn, tăng 26% so với năm 2022.
Quả xoài tươi là chủng loại chính Hoa Kỳ nhập khẩu trong năm 2023, nhập khẩu quả xoài tươi chiếm 74,2% tổng lượng xoài các loại, đạt 554,2 nghìn tấn, trị giá 571,4 triệu USD, giảm 3,6% về lượng và giảm 2,9% về trị giá so với năm 2022. Hoa Kỳ nhập khẩu xoài tươi chủ yếu từ thị trường Mexico và Peru.
Tiếp theo là chủng loại xoài chế biến, đạt 105,8 nghìn tấn, trị giá 199,1 triệu USD, giảm 10,5% về lượng và giảm 0,5% về trị giá so với năm 2022; xoài đông lạnh đạt 65,3 nghìn tấn, trị giá 137,1 triệu USD, giảm 5,9% về lượng và giảm 9,7% về trị giá; Xoài sấy khô đạt 18,8 nghìn tấn, trị giá 180,2 triệu USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 19,7% về trị giá…
Thị trường cung cấp quả xoài các loại cho Hoa Kỳ trong năm 2023
Nguồn: USDA
Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu chủng loại xoài đông lạnh và xoài tươi trong năm 2023. Trong đó, nhập khẩu xoài đông lạnh đạt 643 tấn, trị giá 988 nghìn USD, tăng 84,7% về lượng và tăng 82,9% về trị giá so với năm 2022; nhập khẩu xoài tươi đạt 500 tấn, trị giá 1,4 triệu USD, tăng 16,7% về lượng và tăng 38,2% về trị giá. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu cả 2 chủng loại xoài này đều chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Về lý do giá xoài Việt Nam xuất Mỹ tăng nhưng sản lượng chưa cao, Đại diện Công ty Vina T&T, cho biết, để tăng số lượng thì xoài phải được vận chuyển theo đường biển, thời gian vận chuyển và bảo quản khoảng 30 - 35 ngày nên không còn nhiều thời gian để bán hàng. Đây là lý do các doanh nghiệp Việt Nam khó tăng lượng xuất khẩu xoài sang Mỹ.
Bên cạnh đó, xoài Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh rất lớn từ Mexico, Peru cả về giá cả, chất lượng, thời gian vận chuyển.
Để gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu xoài vào Mỹ, Việt Nam cần có công nghệ bảo quản xoài dài ngày hơn. Các doanh nghiệp cần liên kết với nông dân, nhà vườn để xây dựng được những vùng trồng quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ để xuất khẩu được xoài với giá cao.
Xoài là một trong những loại trái cây nhiệt đới chính được trồng tại Việt Nam. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay diện tích trồng xoài cả nước là hơn 115.000ha với sản lượng gần 969.000 tấn/năm.
Các tỉnh có diện tích và sản lượng xoài lớn là: Sơn La, Ðồng Tháp, An Giang, Ðồng Nai; trong đó, xoài được trồng nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long với 49.900ha. Tại Ðồng Tháp, đến nay diện tích trồng xoài là hơn 14.000ha với sản lượng gần 140.000 tấn/năm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD.
Xoài được đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu đến những thị trường khó tính, góp phần phát triển ngành nông sản của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu xoài lớn thứ 13 trên thế giới. Xoài Việt Nam đã được xuất khẩu đến 40 nước, trong đó, thị trường chủ yếu là Trung Quốc chiếm gần 84,6%; kế đến là thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản…