Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 464.269,82 tỷ đồng, đạt 97,1% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (478.020,733 tỷ đồng). Số vốn NSNN năm 2020 còn lại chưa giao chi tiết là 13.750,88 tỷ đồng.
“Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ cuối tháng 7 đến nay đã có chuyển biến tích cực”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Theo đó, ước giải ngân đến 31/10/2020 là 321.529 tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (470.600 tỷ đồng). Trong đó, giải ngân vốn ODA đến thời điểm này mới chỉ đạt được 30%.
Có 13 Bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến 31/10/2020 đạt trên 70%; có 18 Bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%, trong đó, có 8 Bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương (tỉnh Đồng Nai) có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.
Bộ KH&ĐT cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cắt giảm 441,857 tỷ đồng (trong đó có 392,9 tỷ đồng chưa phân bổ) để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác.
Cụ thể, Văn phòng Trung ương Đảng 52 tỷ đồng, Văn phòng Chính phủ 10 tỷ đồng, Bộ KH&ĐT 328 tỷ đồng, Ủy ban Dân tộc 1,3 tỷ đồng và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp 1,6 tỷ đồng.
Thông tin về tiến độ một số dự án đầu tư công trọng điểm, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cơ bản thực hiện đáp ứng tiến độ.
Theo đó, số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần dự án đường cao tốc Bắc Nam đạt 77,85%.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đến ngày 26/10/2020 đã giải ngân được 393 tỷ/932 tỷ đồng, số vốn còn lại dự kiến sẽ được giải ngân hết trong tháng 11-12/2020 (cho hai nội dung giải phóng mặt bằng và tạm ứng xây lắp).
Đối với Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân nhưng lũy kế giải ngân đến nay đạt 20,4% kế hoạch giao (3.711/18.195 tỷ đồng).
“Tỷ lệ giải ngân vốn đã giao cho Dự án hiện ở mức rất thấp, khả năng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án còn rất khó khăn”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Như vậy, chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm kế hoạch 2020, nhưng giải ngân đầu tư công mới chỉ đi được 2/3 quãng đường. Nhiệm vụ giải ngân 100% vốn đầu tư công sẽ là rất nặng nề.
Trong bối cảnh đầu tư công là át chủ bài cho tăng trưởng kinh tế, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có thể sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng.
Liên quan đến giải ngân vốn ODA chậm, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, việc chậm trễ giải ngân sẽ gây ra những hệ quả như việc các dự án chậm hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Với một số nhà tài trợ (WB, ADB,...) Việt Nam sẽ phải trả phí cam kết đối với phần vốn vay chưa giải ngân.
Bên cạnh đó, việc chậm giải ngân trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ gây sức ép lên ngân sách nhà nước trong giai đoạn trung hạn tới, phần nào ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ về khả năng hấp thụ nguồn vốn này.