Hiện nay, diện tích tre nứa toàn quốc là gần 1,4 triệu ha (chiếm 10,5% diện tích rừng toàn quốc). Về tài nguyên song mây, ước tính nước ta có khoảng 30 loài song mây (trong đó có 10 loại có giá trị kinh tế cao) thuộc sáu chi, phần lớn diện tích được phân bố và khai thác ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đác Lắc, Đồng Nai, Quảng Nam... Điều đáng nói là tre nứa, song mây có biên độ sinh thái rộng, có khả năng gây trồng tập trung ở các vùng đồi núi, đồng thời có thể gây trồng phân tán. Không những vậy, việc trồng, khai thác, chế biến tre nứa, song mây đang góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho một bộ phận gia đình sinh sống dựa vào rừng. Qua khảo sát ở những địa phương có điều kiện gây trồng, chế biến tre nứa, song mây đã mang lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt. Điển hình như trồng luồng ở tỉnh Thanh Hóa đã tạo thu nhập cho 30% số gia đình, với thu nhập gần 100 nghìn đồng/ngày/lao động. Hay trồng thâm canh mây nếp ở tỉnh Thái Bình, sau năm năm trồng có thể thu lãi ổn định từ 60 đến 90 triệu đồng/ha/năm... Ngoài ra, hiện nay cả nước có 723/2.017 làng nghề chế biến mây, tre đan và hơn một nghìn doanh nghiệp quan tâm đến sản xuất và xuất khẩu thủ công mỹ nghệ, trong đó có mặt hàng mây, tre đan, thu hút 342 nghìn lao động. Theo đánh giá, hằng năm nước ta tiêu thụ từ 400 đến 500 triệu cây tre nứa và từ 600 đến 800 tấn song, mây nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để trồng và phát triển tre nứa, song mây nhưng nước ta vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu song mây cho sản xuất chế biến từ một số nước trong khu vực với nhu cầu khoảng 33 nghìn tấn/năm. Trong khi đó thị phần xuất khẩu của ngành mây tre Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 3% thị trường thế giới. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, nguyên nhân là do thiếu các vùng trồng tập trung quy mô từ 30 đến 50 nghìn ha; địa hình các vùng có phân bố tre nứa khó khăn; giải pháp lâm sinh ứng dụng cho rừng tre nứa còn nhiều hạn chế; tình trạng khai thác quá mức dẫn đến thoái hóa các bụi tre, luồng; năng suất, giá trị tre gây trồng thấp; chưa có kế hoạch khai thác theo hướng bền vững. Đối với tài nguyên song mây thì do khai thác và xuất khẩu nguyên liệu thô ồ ạt, thiếu quy hoạch, quản lý cho nên đã cạn kiệt... Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng thì chính sách phát triển tre ở nước ta chủ yếu để làm vật liệu cho ngành xây dựng cho nên hiệu quả thấp, người dân không hào hứng. Chẳng hạn, ở miền bắc, giá chỉ 50-70 nghìn đồng/cây tre, còn ở miền nam cao hơn, khoảng 100-140 nghìn đồng/cây, nhưng ở các nước khác thì giá cao gấp từ năm đến bảy lần. Còn theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay giống tre của Việt Nam có tỷ lệ sử dụng rất thấp khoảng 35-40%. Loại tre có tỷ lệ sử dụng cao ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% diện tích. Còn cây song, gần như phải nhập khẩu hoàn toàn, trong khi diện tích cây mây còn hạn chế.
Theo dự báo thị phần sản phẩm mây, tre đan của Việt Nam trên thế giới trong giai đoạn 2010-2015 là khoảng 12%. Để đáp ứng việc tăng trưởng như vậy thì nhu cầu nguyên liệu tre nứa đến năm 2020 cần ít nhất một tỷ cây tre, nứa/năm. Vì vậy bên cạnh việc bảo tồn và phát triển tre, nứa trong rừng tự nhiên (khoảng 1,3 triệu ha) và rừng trồng (khoảng 88.000 ha) hiện có, từ nay đến năm 2020, nước ta cần gây trồng mới thêm khoảng hơn 60 nghìn ha tre, luồng, nâng tổng số lên hơn 1,5 triệu ha. Cũng theo xu hướng phát triển, thì đến năm 2020, dự kiến nhu cầu mây nguyên liệu để sản xuất, chế biến cần khoảng 100 nghìn tấn. Hiện nay, chúng ta phải nhập khoảng 33 nghìn tấn mây mỗi năm từ các nước khác. Tuy nhiên theo các chuyên gia việc nhập khẩu sẽ ngày một khó khăn do chính sách thắt chặt xuất khẩu của một số nước. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong nước bên cạnh việc bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu hiện có thì chúng ta cần gây trồng mới khoảng 15 nghìn ha.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Tuấn Phú cho rằng, Chính phủ xác định cây tre là cây công nghiệp đặc biệt và định hướng chính sách phát triển ngành mây, tre nhằm khai thác mạnh mẽ những thuộc tính giá trị của loại cây này để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Để khắc phục những khó khăn trên, ngành lâm nghiệp cần xây dựng chiến lược quy hoạch để bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu mây, tre. Bên cạnh nguồn nguyên liệu mây, tre phân bố sẵn trong rừng tự nhiên, cần nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo phát triển các loài mây, tre có giá trị kinh tế cao, quy hoạch phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn. Còn theo Tổng cục Lâm nghiệp, cần thiết xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư để khuyến khích phát triển mây, tre; hoàn thành giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, hộ gia đình để bảo đảm quyền sở hữu thực sự nhằm bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu... Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các hiệp hội chuyên ngành, hỗ trợ mạng lưới mây tre đan Việt Nam nhằm tăng cường khả năng cung cấp thông tin về thị trường, tăng tính liên kết để giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động, thị trường... Để phát triển ngành sản xuất mây, tre bền vững trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất nhiều chính sách phát triển như quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, quy hoạch xác định vùng nguyên liệu tự nhiên, cung cấp cho các vùng làng nghề thủ công truyền thống. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành mây, tre cũng cần được chú ý, mở thêm các cơ sở dạy nghề về mây, tre, giang đan...
Giải pháp phát triển ngành mây, tre Việt Nam
TCCT
Ở nước ta, ngành mây, tre gắn liền với cuộc sống của người dân nhiều vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó hơn một triệu người sống ở các gia đình có thu nhập từ mây, tre. Tuy nhiên, việ