Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường

Cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, vấn đề về môi trường đang ngày càng được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Nhận thức tầm quan trọng của mối liên hệ giữa bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Đảng ta luôn đề cao bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, mối quan hệ “Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội” được bổ sung thêm thành tố: “bảo vệ môi trường”; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2026 tiếp tục khẳng định: “Phát triển nhanh và bền vững…; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Ở Việt Nam, quá trình phát triển kinh tế công nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, lên các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Trong tình hình này, ngành công nghiệp môi trường trở thành lĩnh vực được quan tâm và chú trọng hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế quốc gia đi kèm với bảo vệ môi trường.

Trước thực tế đó, Đảng, Chính phủ đã đưa ra các quy định chi tiết về phát triển ngành công nghiệp môi trường để hiện thực hóa ngành công nghiệp môi trường trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Các văn bản quy định về bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, thay thế. Luật bảo vệ môi trường 2020 đã được ban hành để thay thế Luật bảo vệ môi trường 2014.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường 2020, trong đó Bộ Công Thương được giao chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể về công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường và xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Một số kết quả đáng ghi nhận

Kể từ khi có  Luật Bảo vệ môi trường (2014), ngành công nghiệp môi trường được nhìn nhận như một ngành kinh tế gồm sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực chính là công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường; dịch vụ công nghiệp môi trường (thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải; quan trắc, phân tích…); sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường. Thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai và đạt một số kết quả sau:

Thứ nhất, về công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường: Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong tăng cường nghiên cứu sản xuất thiết bị quan trắc môi trường, thiết bị xử lý nước thải, lò đốt chất thải, lò hơi phát điện đồng xử lý chất thải, phương tiện thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý chất thải rắn, thiết bị xử lý khí thải v.v... Các địa phương hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường thông qua chương trình khuyến công.

Thứ hai, về dịch vụ công nghiệp môi trường:

Các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải: Giai đoạn vừa qua, dịch vụ môi trường mới chú trọng phát triển các hợp đồng dịch vụ thuê, mướn xử lý chất thải mà chưa chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng (các nhà máy tái chế, nhà máy chế biến, xử lý chất thải) để thực hiện các hợp đồng dịch vụ đó.

Các hoạt động dịch vụ như: Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; Cải tạo, phục hồi môi trường, hệ sinh thái các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; Tư vấn, chuyển giao công nghệ (công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, công nghệ môi trường; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo); Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin (về môi trường; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng); Giám định về môi trường (đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ); Giám định thiệt hại về môi trường, đa dạng sinh học; giám định các chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người đã dần định hình và có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Thứ ba, về sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường: Bộ Công Thương đã đôn đốc, chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện than, hóa chất và phân bón đẩy nhanh tiến độ xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao phát sinh trong quá trình sản xuất. Bộ đã ban hành Quyết định 2056/QĐ-BCT ngày 14 tháng 6 năm 2018 quy định mẫu Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón; Quyết định số 1818/QĐ-BCT ngày 20 tháng 7 năm 2021 về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng làm cơ sở triển khai thống nhất, đồng bộ các giải pháp giúp các nhà máy tháo gỡ vướng mắc, tăng cường tiêu thụ tro, xỉ.

Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường

Để phát triển ngành công nghiệp môi trường đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường làm cơ sở đề Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý các vấn đề môi trường quan trọng, lâu dài, quy mô cấp vùng, quốc gia, quốc tế ảnh hưởng đến phát triển bền vững của đất nước; ngăn ngừa ứng phó sự cố môi trường, thảm họa môi trường.

Bộ Công Thương  chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường nhằm tạo cơ sở, cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực ngân sách hỗ trợ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung các chỉ tiêu thống kê về ngành công nghiệp môi trường vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; tổ chức chỉ đạo định kỳ thực hiện công bố xã hội các thông tin thống kê về ngành công nghiệp môi trường.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai một số nhiệm vụ sau:

Một là, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường; Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền về công nghiệp môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về công nghiệp môi trường.

Ba là, huy động và tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp môi trường; đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả các công nghệ mới, sản phẩm mới để phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Với quyết tâm chính trị cao Bộ Công Thương sẽ chú trọng việc xây dựng và phát triển thị trường cho ngành công nghiệp môi trường để thúc đẩy thị trường sản phẩm hàng hóa cho ngành này phát triển, từng bước phát triển ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế không chỉ đáp ứng các yêu cầu về xử lý các vấn đề môi trường mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

 

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương