Thứ nhất, vấn đề thay đổi hình thái thương mại, ông Ousmane Dione khẳng định thương mại đang chậm lại. Điều này tạo ra cạnh tranh lớn hơn cho các nước như Việt Nam. “Việt Nam đã được hưởng lợi từ một khu vực FDI mạnh - là một động lực mạnh mẽ cho dòng chảy thương mại. Đồng thời trực tiếp sử dụng 2.4 triệu người lao động. Tuy nhiên, các nước láng giềng như Campuchia và Myanmar đang nổi lên là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút việc làm sản xuất tay nghề thấp. Trong một số trường hợp, sự thay đổi công nghệ nhanh chóng thậm chí còn dẫn đến việc công ăn việc làm quay trở về nước sở tại của FDI”, ông Ousmane Dione nhìn nhận.
Thứ hai, sự trỗi dậy của nền kinh tế tri thức. Ông Ousmane Dione khẳng định: “Không có gì ngạc nhiên khi người lao động thế kỷ 21 đòi hỏi phải có một nhóm kỹ năng phức tạp hơn trước đây. Tự động hóa cũng góp phần thúc đẩy điều này, do máy móc đang đảm nhận các công việc thủ công và lặp lại. Cùng với đó là nhu cầu ngày càng lớn của một lớp người tiêu dùng đối với các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao”.
Thứ ba, xu hướng biến đổi khí hậu, ông Ousmane Dione cho rằng, xu hướng này tạo ra một rủi ro lớn cho Việt Nam. Đó là tốc độ tăng nhiệt độ mỗi thập kỷ ở Việt Nam từ kể từ những năm 1960, gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Mực nước biển dâng cao có thể làm cho một phần ba dân số Việt Nam có nguy cơ ngập lụt, con số này là hơn 80% ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng. Thay đổi độ mặn đe dọa 2/3 lượng cá nuôi trồng ở Việt Nam. Sụt lún đất kết hợp với tăng độ mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, gây nguy cơ cho sinh kế của 13,6 triệu nông dân trồng lúa. Đây là những con số thống kê nghiêm trọng.
Thứ tư, xu thế già hóa dân số của Việt Nam, theo quan điểm của ông Ousmane Dione, chúng ta không phóng đại khi nói rằng Việt Nam sắp trải qua tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong lịch sử loài người.
“Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã lên tới đỉnh điểm và đang giảm vào năm nay. Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050. Có nghĩa, cứ năm người thì có một người cao tuổi. Điều này có nhiều tác động tiêu cực đến nguồn cung lao động của Việt Nam, đến tăng trưởng năng suất dài hạn. Đặc biệt tác động tiêu cực đến lao động nữ do họ có thể chịu nhiều gánh nặng nhất trong việc phải chăm sóc người cao tuổi. Mặt khác, ngành công nghiệp chăm sóc có thể sẽ mở rộng để phục vụ cho người cao tuổi, như đang diễn ra ở các nước châu Á phát triển, châu Âu và Mỹ”, ông Ousmane Dione nhìn nhận.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Giám đốc WB tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam cần vận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn vốn như: thể chế, con người, sản xuất hoặc vật chất và vốn tự nhiên... Cùng với đó là nắm bắt các xu hướng lớn sẽ đảm bảo cho nền kinh tế của Việt Nam vận hành hiệu quả, đạt mức tăng trưởng cao.