Tuy nhiên, từ đầu năm 2006 đến tháng 6 năm 2007, ngành Than đã để xảy ra 48 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 65 người. Đặc biệt có vụ nổ khí mê tan xảy ra ngày 06 tháng 3 năm 2006 tại Cty Than Thống Nhất làm chết 8 người, vụ bục nước sập lò tại Công ty Than Mông Dương làm chết 04 người. Số vụ TNLĐ xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2007 tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2006, nhưng diễn biến tai nạn mang tính lặp đi lặp lại. Phần lớn các vụ tai nạn trong năm 2007, đều do nguyên nhân bục nước, sập đổ lò chợ cột chống thuỷ lực đơn, sập đổ lò dọc vỉa trong khi thu hồi vì chống sắt. Đặc biệt lại xuất hiện TNLĐ chết người trong công nghệ khai thác buồng mà nhiều năm đã không xảy ra. Phân tích các vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra ở ngành Than từ đầu năm 2006 đến nay, có thể thấy tập trung chủ yéu vào các nguyên nhân sau:
Nguyên nhân nổ khí mê tan: Xảy ra ở Công ty Than Thống Nhất, do nhóm công nhân chủ quan, vi phạm quy trình sửa chữa điện trong mỏ hầm lò, dẫn đến làm phát sinh tia lửa điện, gây cháy nổ khí mê tan. Về phía cán bộ quản lý chỉ huy cấp phân xưởng, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về thông gió, kiểm soát khí mỏ, chưa kiểm tra điều kiện đảm bảo thông gió.
Nguyên nhân bục nước: Đã xảy ra ở Cty Than Mông Dương và Quang Hanh. Các khoáng sàng ở 2 mỏ này có điều kiện địa chất phức tạp, nhưng công tác thăm dò tiến trước chưa được chuẩn bị sẵn sàng, do thiếu phương tiện, trình độ của cán bộ quản lý và người thực hiện còn hạn chế trong việc dự báo nguy cơ bục nước.
Nguyên nhân sập lò: Phần lớn của các vụ sập lò đều do người lao động vi phạm nội quy, quy trình và các giải pháp an toàn. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát KTAT chưa được thực hiện nghiêm túc, thiếu kiên quyết để người lao động làm bừa, làm ẩu mà không được ngăn chặn. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNLĐ nghiêm trọng chết người ở ngành Than trong năm vừa qua.
Qua phân tích các nguyên nhân dẫn đến TNLĐ ở ngành Than, có thể thấy phần lớn các vụ TNLĐ nghiêm trọng chết người đều xảy ra trong các mỏ than hầm lò. Công nghệ khai thác than trong các mỏ hầm lò chủ yếu là khoan nổ mìn, chống giữ lò chợ bằng cột thuỷ lực đơn, giá thuỷ lực di động, thay thế dần cột chống bằng gỗ. Một số đơn vị đã sử dụng máy combai để đào lò. Vận tải than chủ yếu bằng máng trượt, máng cào, băng tải, tàu điện, goòng. Việc chống lò bằng cột thuỷ lực đơn, giá thuỷ lực di động hay đào lò bằng máy combai đã nâng cao mức độ an toàn và nâng cao sản lượng khai thác than hầm lò. Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cũng đã ban hành hướng dẫn cụ thể việc vận hành cột chống thủy lực đơn, giàn chống thuỷ lực di động hay vận hành máy combai đào lò. Trên cơ sở đó, tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế, các đơn vị vận dụng quy trình cho phù hợp. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cho thấy, việc sử dụng cột chống thuỷ lực đơn và giá thuỷ lực di động tại các lò chợ còn nhiều tồn tại như, chống giữ chưa đảm bảo theo đúng thiết kế, cột chống xô lệch, không đảm bảo khoảng cách, thiếu văng hoặc văng không đảm bảo chất lượng. Nhiều đơn vị chưa tuân thủ đo áp lực đầu cột theo quy định về thời gian đo, vị trí đo cũng như xử lý tình huống khi cột bị mất áp lực.
Việc đo, theo dõi ghi chép áp lực đầu cột còn mang nặng hình thức, không phản ánh đúng thực tế. Mặt khác, đồng hồ đo áp thiếu chính xác, không được cơ quan chức năng kiểm định theo quy định, chưa thực hiện kiểm định chất lượng cột chống thuỷ lực trong quá trình sử dụng. Trong những năm gần đây, sản lượng than của các đơn vị khai thác than hầm lò của Tập đoàn hàng năm đều có mức tăng từ 30% đến 50% so với công suất thiết kế được lập. Theo quy định, công suất mỏ hầm lò phải được xác định ngay từ giai đoạn thiết kế ban đầu trên cơ sở điều kiện địa chất mỏ, mặt bằng mỏ, đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế và phải được phê duyệt trước khi đưa mỏ vào hoạt động. Khi tăng sản lượng khai thác, để đảm bảo an toàn, đơn vị phải có những giải pháp bổ sung đồng bộ từ khâu đầu tư thăm dò địa chất, thiết bị công nghệ, giám sát chặt chẽ hàm lượng khí mỏ, áp dụng các biện pháp an toàn chống bục nước… đến khâu đầu tư về nhân lực và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Qua kiểm tra, chỉ có Cty Than Mạo Khê là triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên. Các mỏ hầm lò còn lại hoặc chưa triển khai, hoặc mới bắt đầu triển khai sau khi những sự cố nổ khí và bục nước nghiêm trọng xảy ra ở Cty Than Thống Nhất và Cty Than Mông Dương. Vì vây, việc giao kế hoạch sản lượng khai thác than cao hơn so với công suất thiết kế đã dẫn đến sự huy động vượt khả năng của thiết bị, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, tổ chức quản lý, các biện pháp an toàn khác đều quá tải, và là nguy cơ dẫn đến việc cắt xén quy trình, quy phạm để đạt năng suất cao và hậu quả là xảy ra TNLĐ. Trong khi đó, mỏ càng khai thác xuống sâu thì nguy cơ mất an toàn về khí, nước, áp lực mỏ, chi phí lao động càng tăng, công tác quản lý càng phức tạp.
Về công tác quả lý an toàn, các đơn vị đã xây dựng được hệ thống chuyên trách an toàn từ mỏ đến các phân xưởng. Cán bộ làm công tác an toàn bao gồm phó giám đốc chuyên trách về an toàn, cán bộ phòng An toàn, lực lượng giám sát viên an toàn, an toàn vệ sinh viên. Các đơn vị đã xây dựng được hệ thống sổ sách: Nhật lệnh sản xuất, bàn giao ca, phiếu công tác, nhận xét của cán bộ giám sát, đoàn kiểm tra… là tương đối rõ ràng.
Công tác kiểm soát khí mỏ: Các mỏ hầm lò trong Tập đoàn đều có phòng thông gió, kiểm soát khí mỏ trong lò. Nhiều đơn vị đã đầu tư hàng tỷ đồng để trang bị đo kiểm và thực hiện công tác đo kiểm khí mỏ chặt chẽ hơn. Một số đơn vị đang tiến hành xây dựng trung tâm tự động kiểm soát khí mỏ… Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng công tác kiểm soát khí mỏ vẫn còn nhiều bất cập cần sớm được khắc phục. Sơ đồ đo gió, lấy mẫu khí chưa chuẩn xác nên chưa phản ánh đúng thực trạng khí mỏ, thiết bị đo khí chưa được kiểm định, hiệu chỉnh. Lưu lượng gió đo thực tế chỉ đạt khoảng 70% so với yêu cầu thiết kế. Chưa thực hiện thông gió đầy đủ theo quy định tại vị trí lò cụt, chưa tự đo khí CO ở cấp xí nghiệp mà vẫn phải thuê Trung tâm Cấp cứu Mỏ định kỳ đo hàng tháng.
Công tác phòng chống bục nước: Phần lớn các mỏ hầm lò chưa làm tốt công tác phòng chống bục nước do còn chủ quan, chưa có phương án thiết kế bổ sung, nhất là tại các khu vực trước đây đã xảy ra tình trạng khai thác than trái phép (thổ phỉ), hoặc khai trường chạy qua các khu mỏ cũ khai thác từ thời Pháp thuộc. Việc đầu tư trang bị máy khoan thăm dò khả năng bục nước tuy đã làm, nhưng thiếu đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.
Về công tác chống sập đổ lò: Hầu hết các mỏ hầm lò đã đầu tư công nghệ chống giữ lò chắc chắn trong lò chợ và lò chuẩn bị, thay thế dần cột chống gỗ bằng cột chống thuỷ lực, nóc lò được trải lưới thép B40… Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều bất cập trong chỉ đạo, kiểm tra chống giữ lò. Có nhiều vi phạm quy trình, quy phạm mà cán bộ quản lý, giám sát không phát hiện được, hoặc không phát hiện kịp thời các vi phạm, và sự biến động áp lực, để từ đó có các biện pháp khắc phục.
Để chấn chỉnh công tác an toàn trong khai thác than nói chung, khai thác than hầm lò nói riêng, ngày 25 tháng 6 năm 2007, Bộ Công nghiệp đã ban hành Công văn số 2904/BCN-KTAT về việc chấn chính công tác an toàn trong khai thác than, trong đó Bộ yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các đơn vị thành viên tăng cường công tác khảo sát, thăm dò địa chất mỏ, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, thiết kế công nghệ, thiết kế công trình phù hợp với sản lượng được giao. Xây dựng kế hoạch sản xuất phải đồng bộ với các biện pháp bảo đảm an toàn, kiểm soát khí nổ, phòng chống bục nước, sập lò… Chỉ thị còn đặc biệt nhấn mạnh đến công tác đầu tư thăm dò tiến trước để xác định khu vực có nguy cơ bục nước, chấm dứt việc sử dụng cột chống thuỷ lực, giá thuỷ lực không theo thiết kế, nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện kỹ thuật an toàn, rà soát lại quy trình, nội quy an toàn và các biện pháp kỹ thuật an toàn, tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Bộ cũng giao cho Cục Kỹ thuật an toàn Công nghiệp hướng dẫn, theo dõi kiểm tra, đôn đốc TKV thực hiện nghiêm túc chỉ thị này và định kỳ báo cáo Bộ.
Với các giải pháp đồng bộ trên, cùng với sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, hy vọng bức tranh toàn cảnh về an toàn lao động trong ngành Than sẽ sáng hơn.