Ở không xa khu chợ người Việt tại thủ đô Thái Lan, đây là một địa chỉ ẩm thực đáng tin cậy với nhiều người Việt xa xứ.
Trong tên quán, moo yor là sự kết hợp hai từ moo và yor. Theo tiếng Thái moo là thịt heo, còn yorlà cách đọc từ “giò” của người bản xứ. Giò lụa và chả quế được bán ở khu chợ người Việt tại Baan Yuan, trong hẻm (soi) Samsen 13 ở Bangkok.
Hai loại thực phẩm này được nhiều người Thái ưa thích, ăn cùng với nhiều món bản địa như pad thai (mì xào kiểu Thái), bánh canh, đĩa salad hằng ngày và cả với món canh chua tom yum nổi tiếng.
Người Thái còn thích ăn bánh cuốn với nước phở, thay vì với bánh phở và cũng ăn với giò lụa, chả quế. Trong thực đơn của Moo Yor Jampathonga, món bánh cuốn “nhúng” trong nước phở được gọi là pak mor luy naam.
Thật ra cách ăn bánh cuốn với nước dùng (nước lèo) khá phổ biến ở nhiều tỉnh vùng cao phía bắc của Việt Nam như ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang…
Chủ quán Moo Yor Jampathonga là một người Việt đã có tuổi: bà Vinh. Bà được sinh ra và trưởng thường ở Thái Lan nhưng gốc gác ở Hà Tĩnh.
Thân phụ của bà đã sống với nghề làm giò chả tại Bangkok từ 40 năm trước, nay đến thế hệ thứ ba là con dâu bà, cô Suyamanee, cũng tiếp nối nghề này.
Được gọi với tên thân mật là Naam, tiếng Thái có nghĩa là “nước”, Suyamanee hiện điều hành hoạt động của quán trong khi bà Vinh quán xuyến hầu như mọi công việc chế biến món ăn.
Theo tiết lộ của bà Vinh và con dâu người Thái, ở Bangkok hiện nay chỉ có ba hoặc bốn địa chỉ bán giò chả được làm với công thức truyền thống của người Việt.
Cô con dâu Naam và đứa cháu nội của bà Vinh là cậu bé Ice đã “sáng tác” những hình ảnh sinh động thể hiện các món ăn có trong thực đơn của quán – một sự kết hợp hai nền văn hóa ẩm thực của hai nước Việt – Thái.
Bà Vinh rất tự hào với cô con dâu và đứa cháu nội – cũng là một sự kết hợp Việt – Thái về mặt chủng tộc. Chính món bánh cuốn và giò chả gia truyền đã giúp đem đến gia đình bà những sự kết hợp như thế.