Giường, chõng tre Bùi Xá - làm mới một nghề cũ

Giường, chõng, tràng kỷ, chạn bát… được làm từ tre là đồ dùng phổ biến và thân thuộc của mỗi gia đình Việt Nam, đặc biệt là ở nông thôn. Và thật thú vị khi bỗng nhiên nhận thấy rằng, những đồ vật này

Đóng giường, chõng, giá, bàn ghế… bằng tre thì làng quê nào trên đất nước Việt Nam cũng có thợ, nhưng đóng đúng kiểu truyền thống và đẹp như một mặt hàng mỹ nghệ thì không nhiều, thường tập chung ở một số làng, trong đó có Bùi Xá, một trong bốn làng của xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, Hải Dương. Nghề đóng giường, chõng tre của Bùi Xá có từ bao giờ không ai biết, ngay cả những nghệ nhân cao tuổi nhất cũng chỉ biết rằng, khi họ lớn lên đã thấy cả làng làm thợ. Thợ ở đây không có phường hội, không có khoán ước, không giữ bí quyết, mà ngược lại, mọi người học tập lẫn nhau, con nối nghiệp cha, đời này qua đời khác thành nghề cổ truyền, luôn tồn tại song song với nghề nông. Ngày xưa, nghề này không được chú trọng, nhưng lại vô cùng thiết thực với nông thôn. Thiếu nó, làng xóm như mất đi một nét đẹp dân dã, mất đi những đồ vật có dáng dấp của những đồ trang trí mỹ thuật. Thiếu nó, làng xóm còn như mất đi một làn điệu dân ca bay bổng đã đi vào tiềm thức, tâm hồn của dân tộc, một yếu tố xây dựng nên bản sắc văn hoá Việt Nam.

Xưa, những người thợ Bùi Xá có cách làm rất linh hoạt, có vốn thì mua tre về đóng các mặt hàng, mang ra chợ bán, không có vốn thì nhận đóng theo yêu cầu của khách hàng. Vào những tháng nông nhàn, họ gồng gánh đồ nghề đến các làng xã lân cận nhận đóng tại chỗ. Tre thì làng nào cũng sẵn, giường chõng tràng kỷ nhà nào cũng cần. Nhà có thợ tới đóng đồ, hàng xóm xúm vào xem, có khi vừa ý quá lại đón thợ về nhà làm cho mình. Nếu vậy, họ chỉ mất tiền công, còn nguyên vật liệu chỉ có mây, tre thôi, những thứ này thì hầu như nhà nào cũng có, thợ ra vườn ưng cây nào chặt cây ấy. Tre ngâm rồi mới đem ra đóng đồ hoặc đóng rồi đem ngâm cũng không sao. Cần nhất là tre phải già và đặc, vừa tầm cỡ, còn thẳng hay vẹo thì không quan trọng, thợ cao tay là những người có mẹo sử dụng toàn bộ cây tre từ gốc đến ngọn, kể cả những cây tre lớn, vào sản phẩm của mình một cách hợp lý và đẹp mắt mà chỉ bằng một bộ đồ nghề đơn giản và gọn nhẹ hơn nhiều so với thợ mộc.

Sau ngày miền Bắc được giải phóng, nghề đóng giường, chõng tre ở Bùi Xá phát triển cực thịnh, khả năng sản xuất không đủ nhu cầu của thị trường. Giường, chõng tre nếu chọn tre đạt yêu cầu, ngâm đủ chín, đóng đạt yêu cầu kỹ thuật, sử dụng hợp lý, tuổi thọ của chúng có thể lên tới 50 – 60 năm. Nhưng dần dần, khi nền kinh tế nông thôn phát triển, cũng là lúc những trào lưu đô thị hoá tràn vào làng quê, làm đổi thay cả những thói quen sinh hoạt cũ, trong đó có thói quen dùng đồ tre. Sự sính dùng đồ bằng kim loại, vừa cồng kềnh, tốn kém mà phần mỹ thuật và tính thực dụng không hẳn đã hơn tre đã hầu như thay thế thói quen dùng đồ tre. Trong bộn bề của sự đổi dời cũ - mới, hiện đại - cổ truyền, nghề làm giường, chõng tre của Bùi Xá dường như cũng im hơi lặng tiếng dần dần…

Trong khi giường, chõng tre đang mất dần vị trí trong cuộc sống làng quê, thì ở một số nhà hàng, khách sạn, nhà riêng của một số văn nghệ sĩ người thành thị, những đồ dùng bằng tre lại được phục hồi và nâng cao như một bảo tàng dân tộc học của thời kỳ hiện đại, một nét đẹp văn hoá truyền thống được nhiều người trân trọng. Ai đã từng tới Biệt phủ Thành Chương sẽ ngạc nhiên vì hình như chưa bao giờ đồ dùng bằng tre lại đẹp và ấn tượng đến thế. Với thẩm mỹ của một hoạ sỹ, anh đã có cách bài trí, sắp xếp rất hợp lý, do đã đưa những gì được coi là “hồn Việt” vào trong những ngôi nhà Việt. Theo triết lý phương Đông, nếu xi măng được coi là chất liệu “chết” thì gỗ và tre tượng trưng cho sự sống, cho sự sinh tồn và tính thiện trong con người. Có lẽ chính vì vậy mà mỗi khi tiếp xúc với đồ gỗ, đồ dùng bằng tre, chúng ta đều cảm thấy rất dễ chịu. Không chỉ muốn hướng về nguồn cội, giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc, đồ dùng bằng tre còn đem lại cho người sử dụng cảm giác an toàn và bình yên. Nhờ đó, làng nghề như Bùi Xá cũng bắt đầu nhịp thở mới.

Theo thị hiếu tiêu dùng, đồ dùng bằng tre ngày nay cũng có những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn. Người thợ Bùi Xá cũng tỏ ra khá thức thời, họ chuyển hẳn cách làm ăn manh mún xưa kia sang cách làm chuyên nghiệp hơn, cách trang trí, thiết kế cũng được hiện đại hoá để theo kịp thị hiếu. Phương thức sản xuất, kinh doanh cũng chuyển sang chuyên môn hoá cao. Họ không sản xuất hàng “chợ” nữa mà chủ yếu theo đơn đặt hàng, do đó, số lượng không phải là mục tiêu để họ theo đuổi. Nghe danh tiếng thợ làng Bùi Xá đã lâu, những người tiêu dùng sành sỏi đều tìm đến đặt hàng theo mẫu có sẵn hoặc do thợ làng tự thiết kế. Chưa lấy lại được “phong độ” của thời hoàng kim, song, trên những con đường vào làng Bùi Xá cũng bắt đầu tập nập kẻ qua người lại đêm ngày. Hy vọng, với sự phát triển của kinh tế đất nước, tốc độ xây dựng của các nhà hàng, khách sạn, biệt thự, nhà riêng, bên cạnh đó là xu hướng “trở về nguồn cội” của thị hiếu người tiêu dùng, nghề cũ của một vùng quê sẽ được làm mới.

 

  • Tags: