Theo quy hoạch này, vào năm 2020, chất thải rắn (CTR) sinh hoạt có tỷ lệ thu gom tại khu vực đô thị khoảng 85 - 100%, nông thôn khoảng 70 - 80%. Năm 2030: tỷ lệ thu gom khu vực đô thị khoảng 90 - 100%; nông thôn đạt khoảng 80 - 95%. Riêng CTR y tế tỷ lệ thu gom là 100% (tương đương 8.075 tấn/năm), trong đó CTR nguy hại khoảng 20% (1.275 tấn/năm), CTR thông thường khoảng 80% (6.800 tấn/năm).
Quy hoạch phân vùng xử lý chất thải rắn được chia làm 3 vùng: Vùng I - Khu vực phía Bắc bao gồm khu vực nội đô lịch sử, các quận (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên và một phần huyện Thanh Trì), các huyện (Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn), diện tích khoảng 1.150 km2. Vùng II - Khu vực phía Nam gồm một phần huyện Thanh Trì, một phần quận Hà Đông, các huyện (Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức), diện tích khoảng 990 km2. Vùng III - Khu vực phía Tây bao gồm một phần quận Hà Đông, các huyện (Đan phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ), nội và ngoại thị xã Sơn Tây, diện tích khoảng 1.204,6 km2.
Ngoài ra, theo quy hoạch chung và quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội còn có khu xử lý CTR Tiến Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình quy mô khoảng 200 ha sẽ hỗ trợ xử lý CTR công nghiệp (thông thường và nguy hại) cho Thủ đô Hà Nội.
Quy hoạch xử lý CTR Hà Nội nhằm giảm thiểu phát sinh CTR tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng CTR phải chôn lấp; đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý CTR của thành phố theo từng giai đoạn. CTR phải được phân loại tại nguồn.
Việc thu gom, xử lý phải được ưu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp. Hạn chế việc chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. CTR nguy hại được thu gom vận chuyển xử lý theo quy định đảm bảo không phát tán ra môi trường.