Trực tiếp tới vùng úng ngập nhất, nghe thông tin từ người dân và lãnh đạo các xã: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ báo cáo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của huyện Chương Mỹ trong công tác phòng, chống thiên tai những ngày vừa qua.
Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức, sau hoàn lưu của cơn bão số 2, trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa to đến rất to, kết hợp lũ rừng ngang đổ về, mực nước sông Bùi dâng nhanh gây ngập úng, sạt lở một số điểm trên địa bàn. Lượng mưa quá lớn và lũ lên nhanh đã làm 5.924m đê bao đi qua 13 xã bị tràn; 20m đê bao bị sạt lở; 59,1km đường giao thông nông thôn tại 37 thôn, xóm bị ngập, ảnh hưởng chỗ ở của 1.117 hộ dân…
Địa bàn huyện Chương Mỹ có trên 1.800 ha lúa bị ngập lụt, trên 360ha hoa màu bị hư hại, trên 250ha cây ăn quả bị úng nước, trên 1.700ha nuôi trồng thủy sản bị thất thu, trên 52.000m2 chuồng trại với 1.800 gia súc và trên 200.000 gia cầm bị cuốn trôi.
Ứng phó các tình huống thiên tai, huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương; tổ chức nhiều đoàn xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai… Huyện cũng đã gia cố các đoạn đê, tuyến đường xung yếu; tổ chức cấp phát nước uống, cung cấp nước sạch bằng xe bồn; bố trí trạm y tế lưu động trên địa bàn xã Nam Phương Tiến, nhằm ứng cứu kịp thời các tình huống khẩn cấp.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cũng cho rằng, với tình hình hiện tại, huyện Chương Mỹ vẫn đủ sức để ứng phó với lũ lụt do cơn bão số 2 gây ra, nhưng muốn giảm thiểu thiệt hại do thiên tai lũ lụt sẽ xảy ta trong tương lại, huyện rất cần sự trợ giúp từ UBND TP Hà Nội và các bộ ngành, để có các giải pháp đồng bộ. Trước mắt, để ứng phó với tình hình lũ lụt năm 2024, huyện sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, diễn biến thời tiết – thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân, nhằm chủ động phòng, tránh các loại hình thiên tai như mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có thể xảy ra trong những ngày tới.
Kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương. Chủ động bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Tổ chức kiểm tra, rà soát nhà ở an toàn; sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.