Hà Nội có 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm

Tính đến cuối năm 2017, thành phố Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; text-align: justify; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p3 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; text-align: justify; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545; min-height: 14.0px}

Trong đó các chuỗi có nguồn gốc động vật đã thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi, khoảng 100 doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tham gia hợp tác xây dựng chuỗi.

Hà Nội cũng đã xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể, 13 nhãn hiệu hàng hóa, 1 nhãn hiệu được chứng nhận. Mỗi ngày cung cấp cho thị trường Hà Nội 57,4 tấn thịt lợn; 0,75 tấn thịt bò; 14,3 tấn gia cầm.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất rau an toàn cũng từng bước được kiểm soát, diện tích rau an toàn đạt 5.300 ha, trong đó có 224 ha rau VietGAP và gần 50 ha rau hữu cơ.

Trong thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, đồng thời tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố rà soát, quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung phát triển các vùng chuyên canh rau tập trung, tăng tỷ lệ vùng rau đạt theo tiêu chuẩn GAP; quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nhu cầu về lượng lương thực, thực phẩm của Thành phố là rất lớn. Tuy nhiên, với sản lượng hiện có, sản xuất nông nghiệp Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu, rất cần nguồn cung cấp nông sản an toàn, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch thông tin và truy xuất rõ nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố về phục vụ người tiêu dùng Thủ đô và du khách. Do vậy, việc hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp, trao đổi sản phẩm nông sản giữa Hà Nội với các địa phương là rất cần thiết.

Nhằm giải quyết nhu cầu ấy, các tỉnh, thành phố cũng đã xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm an toàn thực phẩm để cung cấp trên địa bàn cũng như thị trường cho Hà Nội.

Bên cạnh đó, hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản với các tỉnh, thành phố tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Đến nay đã kết nối được trên 50 dòng sản phẩm mới từ 5 tỉnh, thành phố như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Ninh Bình, Nam Định, Đắc Lắk. Từ đó tăng cường các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô. Hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ các cơ sở sản xuất của các địa phương liên kết với các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội để tìm đầu ra cho sản phẩm đều được triển khai, đạt kết quả tốt.

Đặc biệt, để bảo đảm trong việc quản lý, an toàn thực phẩm theo chuỗi cung ứng sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành thuộc Sở phối hợp với các đơn vị quản lý chuyên ngành 20 tỉnh, thành nhằm nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, trọng tâm là rau, thịt.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, thì công tác phối hợp, phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội và hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp vẫn còn những hạn chế. Một số Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố chưa xây dựng được kế hoạch chương trình hợp tác đối với từng lĩnh vực hàng năm. Chưa chủ động cung cấp thông tin nông sản, sản lượng để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp của Hà Nội xây dựng kế hoạch kinh doanh trong năm. Bên cạnh đó, việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các tỉnh, thành còn chậm, công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của một số địa phương chưa được chú trọng. Công tác phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản vẫn còn nhiều bất cập.

Vì vậy, trong năm 2018, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố sẽ cần nhân rộng những kết quả đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời triển khai Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề an toàn thực phẩm. Tập trung vào việc vừa phát huy các chuỗi sản xuất an toàn để phát triển vừa phát triển sản xuất tại các hộ nhỏ lẻ ở các địa phương. Trong đó tập trung quản lý chợ đầu mối, chợ truyền thống để người tiêu dùng yên tâm.

Ngoài ra cần tăng cường đầu mối kết nối, thăm quan, giao lưu và học tập các mô hình của các tỉnh, thành. Bên cạnh đó cần tổ chức lại các hộ sản xuất nhỏ lẻ thành vùng nguyên liệu để kết nối tới ác doanh nghiệp.

PV (TH)