Hà Nội đưa khu xử lý chất thải Nam Sơn vào hoạt động

Hà Nội có hơn 5000 nhà máy, xí nghiệp, tổ hợp sản xuất, 50 bệnh viện, mỗi ngày có khoảng 250 tấn chất thải công nghiệp (mà phần lớn chưa qua xử lý) thải ra môi trường. Riêng chất thải công nghiệp có t

Công ty Môi trường Hà Nội là người thấu hiểu hơn ai hết nỗi bức xúc của các doanh nghiệp có chất thải công nghiệp mà chưa biết đưa đi đâu để xử lý. Hà Nội có hơn 5000 nhà máy, xí nghiệp, tổ hợp sản xuất, 50 bệnh viện, mỗi ngày có khoảng 250 tấn chất thải công nghiệp (mà phần lớn chưa qua xử lý) thải ra môi trường. Riêng chất thải công nghiệp có tính nguy hại, mỗi năm Hà Nội có khoảng 12.098 tấn (Số liệu của Trung tâm Kỹ thuật môi trường Đại học Xây dựng Hà Nội), dự kiến năm 2005 là 13.750 tấn, đến năm 2010 sẽ tăng lên thành 15.812 tấn.

Đặc điểm của chất thải công nghiệp là thể rắn, bùn, khí hoặc lỏng, được phát sinh từ sản xuất công nghiệp và dịch vụ từ các nhà máy, xí nghiệp. Chất thải công nghiệp dễ cháy nổ, dễ gây ngộ độc, dễ ăn mòn, phát tán, lây nhiễm gây nên tác hại xấu đến môi trường và sức khoẻ. Trước thực trạng bức xúc đó, được UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, Công ty Môi trường Hà Nội là đơn vị đi tiên phong thực hiện dự án đầu tư xây dựng “Khu xử lý chất thải công nghiệp tại xã Nam Sơn huyện Sóc Sơn” có tổng kinh phí 150 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tiên trong cả nước chuyên xử lý chất thải công nghiệp. Dự án triển khai từ giữa năm 2003 và bước vào quý IV năm 2004 đã đưa vào sử dụng (giai đoạn I) được một dây chuyền có công xuất xử lý 50 - 100 tấn /ngày. Hoàn thành giai đoạn I này, mức kinh phí đầu tư là 50 tỷ đồng. Công ty Môi trường Hà Nội đang tích cực triển khai giai đoạn II, dự kiến vào cuối năm 2005 sẽ hoàn thành, đưa công xuất xử lý từ 100 – 300 tấn /ngày, đáp ứng nhu cầu bức xúc của hàng ngàn doanh nghiệp từ năm 2005-2010 ở Hà Nội và các tỉnh phụ cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Theo ông Phạm Văn Đức- Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Môi trường, tính ở thời điểm hiện nay, khu xử lý chất thải công nghiệp Nam Sơn với công nghệ lò đốt đảm bảo được các tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật và an toàn sau khi xử lý. Điều đáng ghi nhận là các thiết bị và công nghệ của lò đốt chất thải công nghiệp CEETEA-CN150 do nhóm các giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư và CN kỹ thuật cao của Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội tự thiết kế, chế tạo. Nhiệt độ buồng đốt đạt trên 1.150o C, khói thải được xử lý qua thiết bị “tách bụi bằng phun nước ngược dòng; rửa khí có đệm và hấp khí độc bằng than hoạt tính; đảm bảo khói thoát ra có màu trắng, rất ít khí độc hại”. Đảm bảo các tiêu chuẩn khí thải của Việt Nam.

Đối với chất thải công nghiệp dạng lỏng, bùn, ông Phạm Văn Đức cho biết thêm: “Dây chuyền xử lý chất thải lỏng bằng vật lý, hoá học nhằm đóng rắn bùn thải. Ngoài  ra, một loạt dây chuyền khác đã đưa vào hoạt động như: Dây chuyền xử lý tận thu kim loại trong dung dịch thải; dây chuyền xử lý đèn neon và các thiết bị điện tử. Mục tiêu đề ra là xử lý triệt để chất thải công nghiệp tại Hà Nội và các vùng lân cận, làm giảm tác động xấu của chất thải công nghiệp đến môi trường, nhằm giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp - phát triển bền vững của Thủ đô.

Từ thành công bước đầu của dự án, Công ty Môi trường Hà Nội đủ năng lực tư vấn và hợp tác với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để nghiên cứu triển khai và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực xử lý chất thải công nghiệp. Đây là mô hình thành công cần được nhân rộng ra các thành phố lớn trong cả nước.

  • Tags: