Từ 2025, Hà Nội sẽ thí điểm triển khai các vùng phát thải thấp, hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm ở một số khu vực đông đúc, điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí.
Một số khu vực đông đúc và điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí sẽ bị hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Các vùng này được thiết kế để giảm ách tắc giao thông, giảm mức độ ô nhiễm không khí.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam kỳ vọng: Việc phát triển các tuyến đường dành riêng cho xe buýt điện và các loại xe có phát thải thấp, kết hợp với hệ thống giao thông công cộng là yếu tố chính giúp điều tiết lưu lượng phương tiện và giảm khí thải. Cùng với đó, việc cải tiến hạ tầng giao thông, phát triển hệ thống giao thông thông minh giúp giảm tải ách tắc và tối ưu hóa dòng phương tiện.
Trước đó, vào đầu tháng 7, tại kỳ họp thứ 17 của HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, thành phố đã thông qua đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện và các phương tiện sử dụng năng lượng xanh. Đây là một phần trong Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Theo đề án, từ năm 2026 - 2030, Hà Nội đặt mục tiêu đạt 50% xe buýt điện và 50% xe buýt chạy bằng khí dầu mỏ hóa lỏng (LNG) hoặc khí thiên nhiên nén (CNG) - hai loại năng lượng được coi là sạch. Tổng nguồn lực tài chính cho đề án này ước tính khoảng 43.000 tỷ đồng.
Theo định hướng, tất cả các xe buýt hoạt động trong khu vực đô thị trung tâm (trong Vành đai 4) sẽ được chuyển sang chạy điện. Các tuyến buýt mới cũng sẽ ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng xanh và xe buýt điện.
Đồng thời, Hà Nội cũng sẽ thay thế toàn bộ xe buýt chạy dầu diesel đã hết khấu hao và hết hạn thầu. Những xe buýt còn khấu hao dưới 10 năm sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi chuyển sang xe buýt xanh. Giai đoạn 2024-2030, mục tiêu là chuyển đổi từ 70-90% số xe buýt diesel sang xe buýt xanh. Đến giai đoạn 2031-2035, toàn bộ xe buýt tại Hà Nội sẽ là xe buýt điện.
Ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thành phố đã đưa ra kế hoạch và lộ trình chi tiết để chuyển đổi sang xe buýt điện và năng lượng xanh, phù hợp với Quyết định 876 của Chính phủ. Hà Nội cũng đã đề xuất các giải pháp đồng bộ và cơ chế chính sách để thực hiện lộ trình này, hướng tới mục tiêu 100% xe buýt điện vào năm 2035.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi xe buýt điện, thành phố đề ra 3 kịch bản như sau:
Kịch bản 1: 100% xe buýt điện. Số phương tiện sau chuyển đổi: 2.433 xe.
Kịch bản 2: 70% buýt điện, 30% buýt LNG/CNG. Số phương tiện sau chuyển đổi: 2.212 xe (1.592 xe điện và 620 xe LNG/CNG).
Kịch bản 3: 50% buýt điện, 50% buýt LNG/CNG. Số phương tiện sau chuyển đổi: 2.076 xe (1.100 xe điện và 976 xe LNG/CNG).
Theo ông Phương, dựa trên tình hình thực tiễn, trước mắt thành phố đề xuất thực hiện theo kịch bản 3. Khi điều kiện cho phép sẽ phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2 hoặc thậm chí thực hiện luôn kịch bản 1.