Tóm tắt:
Thành phố Hà Nội đang triển khai thí điểm 9 tuyến buýt điện, xu hướng phát triển buýt sử dụng nhiên liệu sạch, trong đó có buýt điện đang dần thay thế buýt sử dụng dầu diesel. Tuy nhiên, một số rào cản đối với phát triển buýt điện, như: chi phí đầu tư ban đầu của phương tiện cao, sử dụng và quản lý pin, trạm sạc, chưa có các cơ chế chính sách cụ thể,... Do đó, việc nghiên cứu phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện phù hợp với đặc điểm công nghệ, loại hình và cơ chế chính sách trên địa bàn thành phố Hà Nội hết sức cần thiết trong giai đoạn tới.
Từ khóa: vận tải hành khách công cộng, buýt điện, phát triển buýt điện.
1. Đặt vấn đề
Dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt điện đã và đang phát triển tại các đô thị trên thế giới trong những năm qua. Tại Việt Nam, từ các đề xuất của thành phố Hà Nội, theo Văn bản số 1714/VPCP-CN ngày 17/3/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt điện trên địa bàn thành phố Hà Nội và theo Quyết định số 2749/QĐ-SGTVT ngày 2/8/2021 của Sở Giao thông vận tải Hà Nội về việc phê duyệt thí điểm chỉ tiêu vận hành đối với 9 tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện.
Tuy nhiên, xe buýt điện lần đầu được đưa vào thí điểm tại Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng còn nhiều bất cập và trở ngại, như: hệ thống pin, trạm sạc đang nghiên cứu và triển khai tại Việt Nam, chưa có hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá cho loại hình buýt điện, chưa có cơ chế chính sách phát triển xe buýt điện trong vận tải hành khách công cộng, chưa được đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả và sự phù hợp điều kiện khai thác của xe buýt điện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
2. Các nội dung chính
2.1. Kinh nghiệm phát triển xe buýt điện tại một số đô thị trên thế giới
Xe ô tô điện, hay xe ô tô có sử dụng năng lượng vận hành bằng điện nói chung, có thể được hiểu là ô tô sử dụng một hoặc nhiều động cơ điện hoặc động cơ kéo để đẩy (traction motors for propulsion). Xe ô tô điện là một giải pháp mới góp phần giảm hiệu ứng nhà kính vì không phát thải khí CO2 độc hại ra môi trường.
Xe buýt điện có nhiều loại như: loại lai điện hybrid (HEB - Hybrid Electric Bus, PHEB - Plug-in Hybrid Electric Bus), loại điện lai pin-nhiên liệu (BFCEB Battery-Fuel Cell Electric Bus) và loại thuần điện (All-electric Bus) lấy điện trực tiếp electric-trolley (Trolleybus) hoặc chạy bằng pin (BEB - Battery Electric Bus). Trong khuôn khổ bài báo này, tác giả đi sâu vào loại xe buýt thuần điện được sử dụng phổ biến hơn, thường được gọi là Electric Bus hoặc gọi ngắn gọn là E-Bus.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, xe buýt điện dùng pin (BEB) đã được sử dụng khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở các nước trong khu vực châu Á. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có số lượng xe buýt điện dùng pin nhiều nhất trên thế giới. Các công ty lớn như BYD (Trung Quốc), Yutong (Trung Quốc), Proterra (Mỹ), VDL Groep (Hà Lan) và AB Volvo (Thụy Điển),… đang nắm giữ thị phần lớn thị trường xe BEB toàn cầu.
Phát triển xe buýt điện tại Trung Quốc: Trung Quốc thường vận hành 40% xe buýt carbon thấp (LCB), bao gồm xe hybrid, xe hybrid plug-in, xe buýt pin nhiên liệu và xe thuần điện, trong đó khoảng một nửa là xe buýt thuần điện. Nhiều thành phố tại Trung Quốc đã ngừng mua xe buýt chạy bằng nhiên liệu hóa thạch thông thường và hướng đến mục tiêu phát triển phương tiện 100% sử dụng điện. Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2025, số lượng xe buýt đạt 1,3 triệu chiếc xe buýt điện.
Phát triển xe buýt điện tại Ấn Độ: Các thành phố của Ấn Độ đang có kế hoạch mua xe buýt điện thông qua chương trình FAME-II, với nỗ lực tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu xăng dầu và giảm ô nhiễm không khí. Bước nhảy đột ngột về kế hoạch mua sắm xe điện này là kết quả của một chương trình trợ cấp tài chính trị giá 2.500 Rupee (360 triệu Đô la Mỹ), được cung cấp bởi Chính phủ Ấn Độ. Vào năm 2019, thành phố Delhi, Thủ đô của Ấn Độ đã công bố kế hoạch bổ sung 1.000 xe buýt điện. Một thành phố đô thị khác là Mumbai cũng đang lên kế hoạch mua một số lượng lớn xe điện. Công ty cung cấp và vận chuyển điện Brihanm ERIC có kế hoạch mua 500 xe buýt trong những năm tới đây. Cơ quan này hiện đã vận hành gần 100 chiếc xe buýt điện.
Phát triển xe buýt điện tại châu Âu: Tại châu Âu, xu hướng điện hóa phương tiện vận tải bắt đầu mạnh năm 2019. Khu vực này đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, khoảng 1/4 xe buýt công cộng sẽ là xe “xanh, sạch”. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 1/3 từ năm 2030. Hiện có khoảng 40 thành phố châu Âu, trong đó có nhiều thành phố nổi tiếng sầm uất, như: Paris, Berlin, London, Copenhagen, Barcelona, Rome và Rottedam... đã ký vào Tuyên bố C40 hướng tới triển vọng đến năm 2025, toàn bộ xe buýt tại các thành phố này sẽ là xe không phát thải.
Phát triển xe buýt điện tại Seoul - Hàn Quốc: Thủ đô Seoul ở Hàn Quốc đã triển khai 14 xe buýt diện chạy bằng pin (BE) vào năm 2011. Những chiếc xe buýt này được gọi là “xe buýt đậu phộng” do hình dáng của chúng. Hàn Quốc cũng đã tung ra một loại xe điện tích điện không dây có tên là “on-line electric vehicle” để thử nghiệm tính năng sạc cảm ứng cho xe buýt. Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc đã phát triển công nghệ này vào năm 2014 và xe buýt được đưa vào hoạt động tại thành phố Se-jong từ tháng 6/2015.
Phát triển xe buýt điện tại Lon Don - Anh: Tại London, xe buýt hybrid (xe buýt lai là dòng xe sử dụng kết hợp động cơ đốt trong truyền thống và một hay nhiều động cơ điện để tạo ra lực kéo) đầu tiên được ra mắt vào tháng 3/2006 và đến tháng 7/2012 có hơn 300 xe buýt hybrid đã hoạt động ở London. Đến năm 2015 có hơn 1.300 xe buýt hybrid đang hoạt động trong vận tải hành khách công cộng. Đến nay, London sẽ đưa vào sử dụng tuyến xe buýt chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên 507 tuyến trong tổng 521 tuyến và đang nghiên cứu một số thử nghiệm công nghệ phát thải thấp khác nhau, bao gồm xe buýt chạy hoàn toàn bằng điện, những thử nghiệm này sẽ giúp hoàn thành mục tiêu về khu trung tâm phát thải cực thấp vào năm 2020.
Phát triển buýt điện tại một số đô thị khác:
Một số thành phố ở châu Âu như Vienna, Amsterdam và Bremen đã triển khai xe buýt điện chạy bằng pin (BE): Tại Vienna đã giới thiệu một đội 12 xe buýt nhỏ BE, những chiếc xe buýt này có phạm vi di chuyển 150 km, tốc độ tối đa 62 km/h và sức chứa 30 hành khách. Năm 2014, sân bay Amsterdam’s Schiphol đã triển khai 35 xe buýt BE. Đây là đội xe buýt BE lớn nhất hiện đang hoạt động ở châu Âu. Vào năm 2013, công ty vận tải hành khách công cộng của Bremen đã bắt đầu thử nghiệm xe buýt dài 8m BE do Siemens-Rampini sản xuất.
Một số hệ thống xe buýt điện đã được phát triển ở Malatya (2014) và Kuala Lumpur (2015). Các thành phố khác như indianapolis, lausanne, lucerne, nantes và Stavanger đã khởi động các dự án tương tự.
Có thể thấy, phát triển dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt điện trên thế giới đang rất phát triển và ứng dụng tại nhiều đô thị đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường.
2.2. Thuận lợi và khó khăn khi phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện
Mặc dù có một số lợi ích của xe buýt điện như thân thiện với môi trường và chi phí nhiên liệu thấp so với xe buýt diesel. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu cao của xe buýt sử dụng pin (BE) là rào cản lớn trong việc áp dụng tại các đô thị đang phát triển.
Một số mẫu xe buýt BE như BYD e6, Cobus 2500EL và xe buýt 'Proterra Catalyst' có giá lần lượt khoảng 300.000 USD - 500.000 USD, 560.000 USD; 700.000 USD - 800.000 USD. Hiện tại, các loại xe buýt tương tự có giá từ 400.000 USD - 500.000 USD, nguyên nhân chính khiến giá xe buýt điện cao hơn là do pin, một thành phần chi phí chính của loại xe buýt này. Ngoài ra, kích thước pin lớn làm phức tạp thiết kế thân và khung của xe buýt điện. Do đó, nguyên giá xe buýt điện đắt hơn đáng kể so với xe buýt động cơ diesel.
Một số bài học thuận lợi và khó khăn trong phát triển buýt điện tại Trung Quốc:
- Thuận lợi: Với việc Chính phủ liên tục thúc đẩy các chính sách khuyến khích, hỗ trợ và di chuyển bằng xe buýt điện cũng như các biện pháp hỗ trợ khác, việc sử dụng xe buýt điện sẽ tiếp tục tăng nhanh với những tiến bộ về công nghệ pin, xe buýt điện sẽ trở nên cạnh tranh hơn về chi phí. Trong những năm gần đây, doanh số bán xe buýt động cơ đốt trong thông thường giảm và nhiều xe buýt cũ đã được thay thế bằng xe buýt điện.
- Khó khăn: Đối với xe điện chạy bằng pin nhiên liệu hiện chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ và không thể hấp thụ quy mô lớn trong thời gian ngắn do các rào cản công nghệ, rào cản quy định, chi phí cao và thiếu cơ sở hạ tầng lưu trữ, vận chuyển và tiếp nhiên liệu hydro phù hợp.
+ Ngành công nghiệp xe buýt điện ở Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau như: hiệu suất và độ tin cậy của các vật liệu quan trọng như chất xúc tác, giấy carbon, màng trao đổi proton PEM, điện cực màng và các thành phần phụ trợ chính như máy nén khí, máy bơm tuần hoàn hydro và thiết bị tạo ẩm,… chưa đảm bảo, hầu hết các nguyên vật liệu chủ yếu, các sản phẩm phụ trợ và linh kiện vẫn phải nhập khẩu, dẫn đến chi phí mua cao và hiệu quả thấp.
+ Chưa hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho buýt điện như: hỗ trợ về hạ tầng trạm sạc, công nghệ trong bảo dưỡng sửa chữa, chính sách trợ giá, hạn chế bởi quy mô của ngành công nghiệp pin.
2.3. Hiện trạng phát triển xe buýt điện trên địa bàn thành phố Hà Nội
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ triển khai mở mới 9 tuyến xe điện trong năm 2021 - 2022 và thời gian thí điểm là 12 tháng. Cụ thể, trong năm 2021, mở mới 3 tuyến, trong đó: Tháng 11/2021, mở mới với 1 tuyến (tuyến Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park). Tháng 12/2021, mở mới 2 tuyến (tuyến Long Biên - Cầu Giấy - Khu đô thị Smart City và tuyến Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park).
Trong năm 2022, dự kiến mở mới 6 tuyến. Trong đó, quý I/2022, mở mới 2 tuyến: Tuyến Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park và tuyến Bến xe Giáp Bát - Khu đô thị Ocean Park.
Quý II/2022, mở mới 4 tuyến: Tuyến Long Biên - Cửa Nam - Khu đô thị Smart City; tuyến khu liên cơ quan sở, ngành Hà Nội - Khu đô thị Times City; tuyến khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; tuyến Khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên. Tính đến thời điểm tháng 6./2022; Hà Nội đã mở được 8 tuyến điện (E01; E02; E03; E04; E05; E06; E07; E08; E09). (Bảng 1)
Bảng 1. Các tuyến buýt điện trên địa bàn thành phố Hà Nội đến tháng 6/2022
Nguồn: Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hà Nội
Kết quả nghiên cứu khảo sát 300 phiếu về quan điểm hành khách sử dụng xe buýt điện của nhóm sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải như sau:
- Về quan điểm cho rằng xe buýt điện đảm bảo tiên nghi trong quả trình vận chuyển: kết quả cho thấy ý kiến đồng ý việc xe buýt điện tạo cảm giác êm ái thoải mái trong suốt hành trình chiếm 58,3% với 175 phiếu, tiếp theo là hoàn toàn đồng ý (32% với 96 phiếu).
- Về quan điểm xe buýt điện giảm ô nhiễm môi trường và tiếng ồn: kết quả khảo sát chiếm tỷ trọng cao nhất với ý kiến đồng ý việc xe buýt điện góp phần làm giảm ô nhiễm tiếng ồn (53,3% với 160 phiếu), tiếp theo là hoàn toàn đồng ý (43% với 129 phiếu).
- Về quan điểm sử dụng xe buýt được trải nghiệm công nghệ mới: Nhóm đối tượng khảo sát chiếm tỷ trọng cao nhất với ý kiến đồng ý việc xe buýt điện được trải nghiệm công nghệ mới (52,7% với 158 phiếu), tiếp theo là hoàn toàn đồng ý (39,7% với 119 phiếu).
- Về quan điểm xe buýt điện góp phần tạo cơ hội đi lại cho người khuyết tật: Nhóm đối tượng khảo sát chiếm tỷ trọng cao nhất với ý kiến đồng ý việc xe buýt điện tạo cơ hội đi lại cho người khuyết tật (53,3% với 160 phiếu), tiếp theo là hoàn toàn đồng ý (38,7% với 116 phiếu).
- Về quan điểm xe buýt điện góp phần xây dựng thành phố hiện đại, thân thiện: xe buýt điện được áp dụng rộng rãi, ngoại hình thiết kế đẹp mắt thân thiện môi trường đã góp phần xây dựng cảnh quan đô thị hiện đại, tiện nghi, kết quả khảo sát quan điểm với ý kiến đồng ý việc xe buýt điện góp phần xây dựng thành phố hiện đại (52,3% với 157 phiếu), tiếp theo là hoàn toàn đồng ý (38,7% với 116 phiếu).
Như vậy, hành khách đang đánh giá rất cao về chất lượng dịch vụ của các tuyến xe buýt điện đang triển khai tại thành phố Hà Nội trong thời gian qua, và sẽ là xu hướng và nhân tố mới thu hút người dân sử dụng dịch vụ VTHKCC, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
2.4. Đề xuất các giải pháp phát triển xe buýt điện trên địa bàn thành phố Hà Nội
Giải pháp về cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư phương tiện
Chính quyền Hà Nội cần xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng xe buýt điện thân thiện môi trường, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ, như:
- Xây dựng hệ thống định mức đơn giá của buýt điện phù hợp, xây dựng các tiêu chuẩn về xe buýt điện và nâng cao tiêu chuẩn về phương tiện tham gia trong lĩnh vực VTHKCC, như: đưa tiêu chuẩn về phương tiện sử dụng công nghệ nhiên liệu sạch, đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải theo quy định, số năm sử dụng phương tiện vào điều kiện tham gia đấu thầu VTHKCC bằng xe buýt.
- Tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ về thuế nhập khẩu và lãi suất vay cho doanh nghiệp khai thác vận hành xe buýt điện trong thời gian tới.
Giải pháp về chính sách ưu tiên quỹ đất hạ tầng phát triển buýt điện
Ban hành quy định về tiêu chuẩn diện tích, các tiện ích tối thiểu cho bố trí điểm đầu cuối, trung chuyển, dừng đỗ xe buýt nói chung và xe buýt điện nói riêng; trong đó có tính đến việc chuyển tiếp với các phương tiện công cộng và phương tiện cá nhân khác.
Xây dựng các cơ chế chính sách phát triển mạng lưới trạm sạc phục vụ xe điện và buýt điện: Việc bố trí một mạng lưới các trạm sạc pin nhanh trên địa bàn thành phố phải thực hiện trước khi đưa các tuyến buýt vào vận hành. Khi bố trí các trạm sạc thì phải xử lý các vấn đề như: (1) Vị trí, các điểm đầu cuối, các bãi xe phải gần nhau để giảm quãng đường huy động xe, tránh gây lãng phí nhiên liệu. Do đó, bố trí những điểm sạc gần với điểm đầu cuối là một lưu ý khi thiết kế các trạm sạc. (2) Do xu hướng hiện nay là sạc pin nhanh, do đó cũng phải chú ý đến vấn đề kiểm soát nhiệt độ tại các trạm sạc cho xe buýt điện để đảm bảo an toàn điện và phòng chống cháy nổ cũng như duy trì tuổi thọ của tài sản doanh nghiệp. (3) Bảo vệ các trạm sạc: do đây là cơ sở hạ tầng có vốn đầu tư lớn, do vậy chúng ta cũng cần phải bảo vệ, giữ gìn chúng khỏi những vụ đánh cắp linh kiện, thiết bị bên trong trạm sạc cũng như vấn đề “câu trộm điện” thông qua các hệ thống giám sát camera, thiết bị cảnh báo trống trộm.
Các chính sách tạo thị trường, khuyến khích sử dụng ô tô điện và xe buýt điện
Khi thói quen sử dụng xe cá nhân với động cơ đốt trong đã gắn liền với người dân thì chúng ta cần phải có những chính sách hấp dẫn nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi xe chạy từ xăng dầu sang sử dụng ô tô điện, xe buýt điện; các doanh nghiệp kinh doanh VTHKCC thì thấy được lợi ích mà xử dụng xe buýt điện về mặt thủ tục, điều kiện vận hành, chính sách trợ giá, đóng thuế, lợi nhuận,… Quan trọng trong đó là các loại thuế khi sở hữu và sử dụng xe điện, xe buýt điện sẽ được ưu tiên cắt giảm hoặc miễn hoàn toàn: thuế trước bạ được miễn hoàn toàn, thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm đánh vào những mặt hàng không khuyến khích người dân tiêu thụ mà xe điện nói chung và xe buýt điện nói riêng đều là các mặt hàng ưu tiên sử dụng, thì thuế này đương nhiên cũng được miễn, giảm mức thuế VAT cho khách hàng mua ô tô điện, sử dụng xe buýt điện trong kinh doanh vận tải…
Bên cạnh khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng xe điện, xe buýt điện thì chúng ta cũng phải có chính sách hạn chế, cấm sử dụng xe nhiên liệu hóa thạch. Nhà nước đưa ra các quy định cấm sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong một số quận Hà Nội.
Các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ nghiên cứu phát triển xe buýt điện
Xây dựng các chính sách khuyến khích nghiên cứu, phát triển, thương mại hoá, xây dựng chuỗi cung ứng (từ nghiên cứu phát triển công nghệ pin, tế bào nhiên liệu, hệ thống điều hành đến ô tô hoàn chỉnh) cũng cần được xem xét tỉ mỉ và sớm ban hành để các doanh nghiệp trong nước nắm bắt và nỗ lực sản xuất ô tô điện.
Chính quyền Thành phố có thể xem xét giảm thuế nhập khẩu linh kiện cho xe buýt điện, hỗ trợ cơ sở hạ tầng liên quan như cấp đất, miễn giảm thuế sử dụng đất cho nhà máy sản xuất ô tô hoặc sản phẩm phụ trợ cũng như hệ thống trạm sạc,…
3. Kết luận
Như vậy từ kết quả nghiên cứu trên ta có thể thấy việc phát triển xe buýt điện tại các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng là xu hướng trong thời gian tới, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, là loại hình thân thiện môi trường, thu hút người dân sử dụng dịch vụ vận tải công cộng. Tuy nhiên, cần những giải pháp để phát triển xe buýt điện, các giải pháp chủ yếu tập trung ở cơ chế chính sách, phát triển hạ tầng, và các chính sách khuyên khích sử dụng xe buýt điện tại Hà Nội.
Lời cảm ơn:
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Giao thông vận tải trong đề tài mã số T2022-KT-012
Tài liệu tham khảo:
[1]. Weidong Chel, Jun Liang, Zhaohua Yang, Gen Li. (2019). A Review of Lithium-Ion Battery for Electric Vehicle Applications and Beyond. ScienceDirect, Energy Procedia 158 (2019) 4363-4368.
[2]. Yang SC, Li M, Tang TQ, Lin Y (2013). An electric vehicle’s battery life model under carfollowing model. Meas J Int Meas Confed 2013;46:4226-31. http://dx.doi.org/10.1016/j.measurement.2013.07.035.
[3]. Hu J, Morais H, Sousa T, Lind M. Electric vehicle fleet management in smart grids: a review of services, optimization and control aspects. Renew Sustain Energy Rev 2016;56:1207-26. http://dx.doi.org/10.1016/j.rser.2015.12.014.
[4]. UBND TP. Hà Nội (2019), Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030” (Tramoc 2019).
[5] Nguyễn Thanh Chương, Lê Thùy Linh, Hà Thanh Tùng, Nguyễn Minh Hiếu (2018). Challenges to Development of Bus System - Evidence from a Comparative Analysis of Surveys in Hanoi. Transportation for A Better Life: Mobility and Road Safety Managements - Bangkok - Thai Lan 2018.
SOLUTIONS FOR THE DEVELOPMENT OF PUBLIC TRANSPORT SERVICES WITH ELECTRIC BUSES IN HANOI
Ha Thanh Tung
Faculty of Transport Economics, University of Transport and Communications
Abstract:
Hanoi is piloting public transport services by electric buses in nine routes. This is in line with the increasing worldwide use of green vehicles, particularly the replacement of conventional buses with electric ones. However, there are a number of barrier to the development of electric buses, such as the high cost of initial investment, the management of using batteries, the shortage of charging station, and the lack of specific regulations and guidelines. Therefore, it is necessary to research the development of public transport services with electric buses in accordance with Hanoi’s technical characteristics, types, and policies in the coming time.
Keywords: public transport, electric bus, electric buses development.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18.1, tháng 7 năm 2022]