Công ty Cổ phần Nông Nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã cổ phiếu HNG - sàn HoSE) vừa có công văn giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu rơi vào diện bị kiểm soát.
Cổ phiếu HNG bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 12/4/2023 do kết quả kinh doanh 2 năm liên tiếp (2021, 2022) là số âm. Đến ngày 27/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) tiếp tục ra thông báo huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HNG do thua lỗ 3 năm liên tục. Cụ thể, năm 2021, HNG lỗ 1.120 tỷ đồng, 2022 ghi nhận mức lỗ gần 3.580 tỷ đồng và 2023 lỗ gần 1.100 tỷ đồng.
HAGL Agrico cho biết, hoạt động kinh doanh của công ty đang từng bước được cải thiện. Năm nay, công ty dự kiến trồng mới 1.533 ha chuối, chăm sóc và khai thác 6.328 ha cao su; đầu tư chuồng trại, cánh đồng cỏ và nhập khẩu 5.800 con bò cái. Theo đó, doanh thu thuần ước đạt 694 tỷ đồng và lỗ trước thuế sẽ giảm mạnh về chỉ còn 120 tỷ đồng.
Ngoài ra, HAGL Agrico đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sản xuất trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong (Lào). Dự án có quy mô 27.384 ha đất, tổng vốn đầu tư 18.090 tỷ đồng, thời gian hoàn thiện đầu tư dự án là từ năm 2024 - 2028. Doanh thu năm 2028 ước tính đạt 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến đạt 2.450 tỷ đồng.
Hiện nay, công ty thực hiện chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, quản trị theo phương pháp công nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hoá, công nghệ sinh học và số hoá theo lộ trình phù hợp.
“Với chiến lược này, công ty tin rằng sẽ tạo được sự phát triển bền vững và lợi nhuận trong các năm tiếp theo. Từ đó từng bước giảm các khoản lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính trong thời gian ngắn nhất”, HAGL Agrico nhấn mạnh.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 hồi đầu tháng 5/2024, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico khẳng định, nếu cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn HoSE và chuyển xuống giao dịch tại sàn UPCoM, công ty vẫn công bố thông tin minh bạch với 33.000 cổ đông như trên HoSE và trở lại sàn HoSE ngay khi đủ điều kiện.
"Cổ đông cứ ngại việc hủy niêm yết, tôi thấy việc minh bạch và hình thành giá trị thực là quan trọng, cho dù xuống UPCoM khi làm tốt giá cổ phiếu vẫn có thể đi lên", ông Trần Bá Dương nói.
Kết thúc quý 2/2024, HAGL Agrico ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm mạnh 48% so cùng kỳ, xuống còn gần 79 tỷ đồng. Trong khi đó giá vốn tăng vọt 76%, kinh doanh dưới giá vốn nên không đủ trang trải chi phí, công ty ghi nhận mức lỗ ròng 323 tỷ đồng trong quý 2/2024. Con số này cao hơn đáng kể mức lỗ 135 tỷ đồng trong quý 2/2023. Đây cũng là quý thứ 13 liên tiếp HAGL Agrico chìm trong thua lỗ.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của HAGL Agrico giảm 47% so với cùng kỳ năm 2023, còn 147 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ ròng tăng lên mức gần 370 tỷ đồng, so với mức lỗ 247 tỷ đồng của nửa đầu năm 2023.
Như vậy, công ty này đang có mức lỗ luỹ kế lên tới 8.472 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu giảm về dưới 2.387 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ là do sản lượng cây ăn trái giảm 59% về còn 3.664 tấn do trong kỳ công ty chỉ tập trung chăm sóc và khai thác trên 833 ha diện tích vườn chuối có hiệu qua, so với cùng kỳ là 1.891 ha. Phần diện tích còn lại đã dừng chăm sóc để tập trung nguồn lực tiến hành đầu tư mới với hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất, HAGL Agrico cho biết.
Đối với cây cao su, do tình trạng thiếu công nhân cạo mủ, cùng với sản lượng khai thác đầu mùa vụ thấp. Chi phí giá vốn vườn cây lớn chủ yếu là chi phí khấu hao dẫn đến doanh thu không bù đắp đủ chi phí.
Ngoài ra, tỷ giá USD/VND biến động mạnh trong quý 2 nên công ty ghi nhận lãi phát sinh chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản công nợ phải thu công ty con và các đối tượng khác có gốc ngoại tệ.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của HAGL Agrico gần 15.549 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm phần lớn với 5.463 tỷ đồng, chủ yếu ở chi phí phát triển vườn cây ăn trái, cây cao su, dự án nuôi bò...
Trong khi đó, lượng tiền mặt và gửi ngân hàng của công ty chỉ còn 16 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh 60% về còn 239 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng nhẹ lên 2.105 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của HAGL Agrico hơn 13.162 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm. Nợ vay chiếm chủ yếu với 9.138 tỷ đồng, trong đó công ty vay nhiều nhất tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (đơn vị thành viên của Tập đoàn Thaco) với 6.365 tỷ đồng. HAGL Agrico cũng vay 1.123 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG), còn lại là dư nợ từ ngân hàng.