![xơ sợi đình vũ](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/23/10/3/hai-bai-hoc-kinh-nghiem-nhin-tu-du-an-xo-soi-dinh-vu_651b985172753.jpg)
Kỳ vọng lớn vào xơ sợi Đình Vũ
Ngày 18/5/2009 tại Lễ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ, do Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) làm chủ đầu tư, tôi khá bất ngờ vì bên cạnh các doanh nghiệp thuộc 2 tập đoàn góp vốn cho dự án này là PVN và Vinatex, có cả Công ty TNHH Dệt may M. từ miền Trung ra dự.
Tôi hỏi ông Dung, giám đốc Công ty TNHH Dệt may M. lý do lặn lội hơn 400 cây số ra đây dự cái Lễ khởi công một dự án có lẽ chẳng liên quan gì nhiều. Ông kể cho tôi nghe câu chuyện 6 năm về trước. Ngày 20/3/2003 Mỹ đánh Iraq, một trong những rốn dầu của thế giới thì ngày 24/3 giá sợi polyester 150D tại TP. Hồ Chí Minh tăng một mạch 20% lên 31.000 đồng/kg, làm cho các công ty dệt may trong nước lao đao.
Điểm nóng ở những rốn dầu này làm cho doanh nghiệp ở những nước nhập khẩu dầu và sợi polyeter bị động. Ông bảo, nói không quá thì Lễ khởi công hôm nay như một ngày hội của các công ty dệt may trong nước, bởi vì khi Nhà máy đi vào hoạt động, đạt 100% công suất, cho sản lượng 175.000 tấn xơ sợi mỗi năm, sẽ tạo nguồn cung ổn định và lâu dài giúp đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nguyên phụ liệu của ngành Dệt may Việt Nam.
Không chỉ làm chủ nguồn nguyên phụ liệu cho ngành dệt may trong nước, tránh phụ thuộc vào sản phẩm nước ngoài, rút ngắn thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp so với việc phải nhập khẩu hàng hóa, mà còn tiết kiệm khoảng 400 triệu USD nhập khẩu/năm, giảm nhập siêu cho nền kinh tế. Hơn thế nữa, sản xuất xơ sợi polyester từ nguyên liệu chính là PTA (axit perephthalic tinh khiết) và MEG (monoethylenglycol), TiO2 (titanium dioxide), vốn là những sản phẩm khâu sau của công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam.
Việc sản xuất xơ sợi polyester sẽ góp phần khép kín chu trình sản xuất từ khâu đầu đến khâu sau của ngành dầu khí. Do đó, sản xuất xơ sợi polyester không chỉ có ý nghĩa quan trọng với ngành dệt may mà còn hỗ trợ cho sự phát triển của ngành dầu khí, một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước
“Vì nhau” trên nguyên tắc thị trường
Được kỳ vọng là vậy, nhưng ngay từ khi bắt đầu chạy thử, tháng 11/2011 thì nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu dùng may mặc lớn như Mỹ và châu Âu. Chính vì thế nhu cầu xơ sợi cũng bị thu hẹp, hàng loạt nhà máy polyester tại khu vực châu Á phải giảm sản lượng.
Về chủ quan, do đây là nhà máy sản xuất xơ sợi polyester đầu tiên của Việt Nam đầu tư, chưa có nhiều kinh nghiệm kỹ thuật chuyên ngành nên các cán bộ công nhân viên phải vừa làm vừa học hỏi nghiên cứu, điều chỉnh dây chuyền sản xuất để phù hợp với yêu cầu thực tế. Sản phẩm của công ty thời gian đầu chưa đáp ứng các tiêu chí cơ sở của khách hàng, nhất là các khách hàng sử dụng nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu, tình hình tiêu thụ chậm. Vì thế, nhiều thời điểm trong giai đoạn chạy thử Nhà máy phải hạn chế công suất, dẫn đến giá thành tăng.
Trong bối cảnh tưởng như khó tìm được lối ra thì tháng 10/2012, 16 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương cùng nhau ký thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau. Theo đúng tinh thần “thỏa thuận”, các hợp đồng sử dụng sản phẩm của nhau đều thực hiện theo nguyên tắc thị trường về giá cả, chất lượng.
Vậy “ưu tiên” thể hiện ở chỗ nào? Nếu có vấn đề về chất lượng thì hai bên cần ngồi với nhau để tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, “ngồi lại với nhau tìm cách tháo gỡ” và “vì nhau” cũng phải trên nguyên tắc thị trường. Quả thực, trong những lần ngồi với nhau, 5 doanh nghiệp từng dùng thử xơ sợi Đình Vũ là CTCP Dệt may Hà Nội, CTCP Sợi Hoàng Thị Loan, CTCP Sợi Phú Xuyên (Phú Bài), CTCP Dệt may Nam Định và CTCP Dệt kim Đông Quang đã thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết của polyester Đình Vũ và yêu cầu khắc phục.
Chính vì sự thẳng thắn này, cùng với sự cầu thị của của mình, PVTEX đã tập trung nỗ lực đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ nhân viên, cử đoàn công tác đến các nhà máy có dây chuyền tương đương để học hỏi kinh nghiệm, thuê chuyên gia trong và ngoài nước hiệu chỉnh máy móc và hướng dẫn quá trình vận hành, đảm bảo hiệu quả, an toàn, đồng thời tiết giảm chi phí sản xuất tối đa. Đến nay, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã nâng tỉ lệ sản phẩm đạt loại A lên 90%, lượng phế phẩm chỉ 2-3%.
Tính từ thời điểm chính thức vận hành Nhà máy, hàng ngàn mẫu sản phẩm đã được lấy mẫu, đánh giá theo đúng quy trình. Phòng thí nghiệm Nhà máy hoạt động 24/24 giờ, cứ đúng 3 giờ phải lấy mẫu sản phẩm 1 lần. Mẫu sản phẩm đưa đến phòng thì nghiệm phải đạt độ ổn định dưới điều kiện nhiệt độ, độ ẩm chuẩn của phòng thí nghiệm. Thời điểm lấy mẫu sản phẩm đều được quy chuẩn như mẫu xơ PSF phải lấy sau máy cắt khi dây chuyền đang hoạt động ổn định; mẫu sợi POY và DTY được lấy sau khi kiểm tra ngoại quan tại phân xưởng.
Bài học kinh nghiệm
Tuy nhiên, do gặp khó khăn về thị trường và tài chính, giá bán sản phẩm, cuối tháng 9/2015 nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Những khó khăn do chủ quan và khách quan, đặc biệt là biến động giá dầu thô năm 2014-2015, khan hiếm về nguyên liệu sản xuất, cạnh tranh không lành mạnh của hàng nhập khẩu, thiếu vốn lưu động,… khiến “cỗ máy” xơ sợi bị tê liệt, dừng sản xuất do thua lỗ. Năm 2017, nhà máy được liệt vào danh sách 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Trải qua rất nhiều khó khăn, cuối năm 2017, khi có Quyết định 1468 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương” nhưng các cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, các cổ đông và VNPoly phải cân nhắc rất nhiều yếu tố để trình lên Bộ Công thương xin chủ trương cho phép vận hành lại nhà máy từ các nguồn lực hợp pháp.
Thực hiện Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc Ngành Công Thương (Đề án) được Thủ tướng Chính phủ thông qua, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc Ngành Công thương (Ban Chỉ đạo) và Bộ Công thương, PVN cùng với các cổ đông của PVTex đã nỗ lực tìm các giải pháp để khởi động lại Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, trong đó ưu tiên phương án tìm kiếm đối tác để hợp tác sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở đó, PVTEX đã triển khai mời rộng rãi đối tác để hợp tác và kết quả là liên danh giữa Tập đoàn APH với các đối tác quốc tế đến từ Ấn Độ và Singapore đã được lựa chọn để đi đến đàm phán hợp tác.
Từ ngày 20/4/2018 ba dây chuyền kéo sợi DTY đã được đưa vào vận hành sản xuất. Sau 6 tháng, các dây chuyền vận hành ổn định, sản xuất được hơn 1.400 tấn sợi DTY thương phẩm, được thị trường tiêu thụ tốt và kết quả sản xuất kinh doanh vượt kế hoạch đề ra.
Tháng 3/2018, Bộ Công thương chấp thuận về chủ trương cho vận hành nhà máy trở lại. Trên cơ sở đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các cổ đông đã có những giải pháp mạnh mẽ về tài chính để xử lý một số khoản nợ ngắn hạn như: trả nợ nhà cung cấp dịch vụ điện nước, trả nợ cho các nhà cung cấp nguyên phụ liệu, cung cấp vốn lưu động ban đầu,...
Đến nay, với sự quyết tâm, nỗ lực, dự án xơ sợi Đình Vũ từng bước thoát khó, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Số liệu thống kê của VNPoly cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã sản xuất gần 17 nghìn tấn sợi với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường; doanh thu đạt 446,3 tỷ đồng; lợi nhuận 32 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã chủ động cân đối, thu xếp các khoản chi phí tối thiểu thay vì nhận hỗ trợ của các cổ đông như những năm 2020 trở về trước.
Bài học hàng đầu để ra khỏi danh sách 12 dự án, là doanh nghiệp đã xử lý hết những vướng mắc liên quan vấn đề pháp lý. Các cổ đông và đơn vị đã giải quyết xong vụ kiện tranh chấp phát sinh hợp đồng EPC với liên danh nhà thầu HEC-LGI-PVC và được hòa giải tại trọng tài quốc tế Singapore.
Bài học thứ hai, doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh dài hạn, có phương án tái cấu trúc và xử lý các khoản nợ, xin giãn nợ, bảo đảm hoạt động kinh doanh phải có lãi.