Năm 2022, Thành phố Hải Phòng tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, là tiền đề quan trọng để thành phố tổ chức triển khai có hiệu quả cao, toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng trưởng bứt phá, tăng 12,32% so với năm 2021, gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn, với quy mô kinh tế đứng thứ 6 cả nước, Hải Phòng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số trong 7 năm liên tục, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vượt lên xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, đạt vị trí cao nhất từ trước tới nay, đồng thời, lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân Chỉ số cải cách hành chính (PAR) năm 2021.
Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án hạ tầng quan trọng với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã được phê duyệt, chuẩn bị khởi công, điển hình như: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 thành phố Hải Phòng, đoạn nút giao Tân Vũ - Hưng Đạo - Đường Bùi Viện; dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận; dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tiên Thanh; dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2, nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi… Các dự án này sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
4 nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư để tăng trưởng bứt phá
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, để duy trì thứ hạng PCI của Thành phố và hỗ trợ được nhiều hơn cho doanh nghiệp trong tương lai, Lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung vào 4 nhóm giải pháp trọng tâm để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đà tăng trưởng bứt phá cho thành phố bao gồm:
Tăng tốc cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch
- Đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, qua đó các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng trong công tác điều hành kinh tế tại các ngành, các cấp, đồng thời là căn cứ để Ủy ban nhân dân thành phố đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm củng cố điểm số và thứ hạng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong các năm tiếp theo.
- Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, nghiên cứu triển khai ứng dụng phát triển đô thị thông minh. Thực hiện đổi mới, cải cách hành chính mạnh mẽ, kết hợp chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương
- Xây dựng sáng tạo nhiều mô hình mới hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lập, hoàn thiện hồ sơ khi thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính cấp độ 4, các thủ tục cấp phép Giấy chứng nhận kinh doanh có điều kiện tại các Sở, ban, ngành địa phương để tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp nộp được hồ sơ hợp lệ ngay từ lần nộp đầu tiên và giảm tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung ở mức thấp nhất.
- Tăng cường tuyên truyền và đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4; đẩy mạnh thực hiện thu phí, lệ phí bằng thanh toán qua thẻ, thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt.
- Tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức tập trung về kỹ năng giải quyết công việc, kỹ năng giao tiếp để cải thiện chất lượng và thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp, chú trọng tăng khả năng tự học hỏi, tự nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, công chức.
- Thực hiện văn hóa công sở, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.
- Đổi mới, nâng cao chất lượng, tăng tính thời sự, tiện ích và hấp dẫn của Cổng Thông tin điện tử thành phố để tăng tỷ lệ doanh nghiệp truy cập vào Cổng. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện công khai đầy đủ, minh bạch các tài liệu về quy hoạch, ngân sách để doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Tăng cường thực hiện “Chương trình kết nối đầu tư kinh doanh” để kết nối nhu cầu đầu tư, hợp tác giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, giữa doanh nghiệp địa phương khác và thành phố, góp phần làm giảm chi phí sản xuất của các nhà đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như tăng năng lực sản xuất, quản lý của doanh nghiệp trong nước tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo đà tăng trưởng bứt phá.
- Tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, liên kết hợp tác mở rộng các kênh phân phối hàng hóa. Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ có liên quan đến công nghệ.
- Thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực của doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố như: hỗ trợ chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử; hỗ trợ, tư vấn pháp luật; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
- Đổi mới công tác đào tạo lao động, giáo dục nghề nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt về kế toán, tài chính, quản trị kinh doanh.
- Đổi mới đối thoại doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phong phú, tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 trong hướng dẫn, giải đáp trực tuyến cho doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử thành phần, nghiên cứu đưa vào sử dụng hình thức trả lời trực tuyến sử dụng trí tuệ nhân tạo AI.
Cải thiện việc tiếp cận đất đai
- Rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người dân thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.
- Tăng cường tham mưu, đề xuất thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.
- Đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai hiện đại và đồng bộ; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, công dân trong tiếp cận, khai thác sử dụng thông tin đất đai.
- Công khai tất cả các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thông tin về các quỹ đất sạch bán đấu giá kêu gọi nhà đầu tư, các dự án có sử dụng đất kêu gọi đầu tư trên Cổng Thông tin điện tử thành phố, Cổng Thông tin điện tử thành phần của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
- Giải đáp trực tiếp các vướng mắc về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ khi thực hiện các thủ tục hành chính; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án lớn, trọng điểm của thành phố.
- Công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, làm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
- Xây dựng khung giá đất sát với giá thực tế trên thị trường; rút ngắn thời gian xác định giá đất cụ thể. Đẩy nhanh việc kê khai, nộp thuế trong quá trình thực hiện các thủ tục về đất đai.
Thu hút dòng vốn FDI mới
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư bằng nhiều phương thức linh hoạt, tập trung hướng các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đang hoạt động trong các lĩnh vực: kinh doanh, sản xuất sử dụng công nghệ cao, an toàn với môi trường, lĩnh vực giáo dục, y tế, thương mại, dịch vụ…; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư của thành phố qua kênh ngoại giao, thông qua các diễn đàn, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam, tạo mọi cơ hội tăng trưởng bứt phá.
- Mở rộng và nâng cao chất lượng của mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo các tiêu chí quốc tế. Chú trọng đào tạo các ngành nghề: điện, điện tử - tin học, cơ khí, tự động hóa, công nghệ cao; gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, thực hiện đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.
- Kiện toàn hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành một số trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo theo hướng liên kết với các doanh nghiệp. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cho cán bộ quản lý và chuyên gia khoa học công nghệ. Chú trọng công tác đào tạo cán bộ khoa học, quản lý, ngoại ngữ, công nhân kỹ thuật bậc cao để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
- Xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần, tạo phúc lợi cho người lao động; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu nhà ở công nhân, đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi cho người lao động, nâng cao mức độ cạnh tranh của thành phố trong thu hút lao động, đặc biệt đối với lao động nhập cư.
3 trụ cột kinh tế
Cùng với Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là căn cứ pháp lý, chính trị quan trọng, là cơ sở để xây dựng định hướng mang tính chiến lược, dài hạn phát triển thành phố Hải Phòng trong không gian chung của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Hải Phòng quyết tâm phát huy vai trò đầu tàu của tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, phối hợp xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á. Xây dựng và phát triển Hải Phòng xanh, thông minh, cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng bứt phá; trung tâm quốc tế đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ về biển; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.
Phát triển công nghiệp công nghệ cao
Tập trung huy động các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao, các khu, cụm công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố phát triển 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.418 ha, 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 973 ha. Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn: cơ khí chế tạo (ưu tiên phát triển các sản phẩm: ô tô, máy móc, phương tiện, thiết bị phục vụ ngành kinh tế biển); điện tử - tin học (ưu tiên phát triển các sản phẩm: thiết bị điện tử, điện lạnh, các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao); công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo đó, thành phố sẽ cần tập trung cao trong công tác thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp (thành phố cần phải thu hút tối thiểu khoảng 2 tỷ đô la/năm); giải quyết các khó khăn vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề và nhà ở xã hội/nhà ở công nhân. Đồng thời, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp; khởi công xây dựng các tuyến đường vành đai 2; các cầu, đường kết nối với tỉnh Quảng Ninh (cầu Lại Xuân), Thái Bình (cầu Nghìn 2) nhằm mở rộng không gian kinh tế của thành phố.
Phát triển, hiện đại hóa cảng biển, dịch vụ logistics
Xây dựng và phát triển Hải Phòng thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế. Nâng cao năng lực xếp dỡ; duy trì độ sâu luồng hàng hải để đón thường xuyên các tàu vận tải có trọng tải trên 200.000 DWT ra vào hệ thống cảng biển; cùng với việc rà soát quy hoạch, phát triển hệ thống kho bãi, các cảng cạn trên địa bàn. Mở rộng kết nối hạ tầng logistics của Hải Phòng với các quốc gia. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, bố trí quỹ đất phù hợp thu hút đầu tư hệ thống trung tâm logistics đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế; kêu gọi đầu tư dịch vụ vận tải, logistics đường hàng không.
Thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng các bến số 3, 4, 5, 6 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; thu hút đầu tư xây dựng các bến tiếp theo thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Tập trung quy hoạch xây dựng khu dịch vụ logistics cấp quốc gia và quốc tế dọc tuyến đường bộ ven biển, đường vành đai làm cơ sở thu hút đầu tư. Khởi động tìm kiếm, làm việc với các nhà đầu tư quan tâm đầu tư Cảng biển Nam Đồ Sơn.
Phát triển du lịch và thương mại thành ngành kinh tế mũi nhọn, trung tâm du lịch quốc tế
Xây dựng, phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch biển có cơ sở vật chất hiện đại, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, khác biệt, có chất lượng cao, có thương hiệu và uy tín, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế. Nghiên cứu, có phương án phù hợp để từng bước xây dựng, khai thác, phát triển du lịch tại đảo Bạch Long Vĩ. Thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển mạnh các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh các dự án vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chú trọng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, nhất là khách sạn 5 sao, các khu vui chơi, giải trí. Hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hải Phòng.
Phát triển mạnh dịch vụ thương mại với hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên quỹ đất để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư tổ hợp thương mại quy mô lớn, trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; thu hút các nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại các huyện ven đô. Đồng thời, phát triển hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử theo hướng văn minh, hiện đại.