Cuộc vận động cũng đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ; tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt ngày càng tăng.
Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp quan tâm đến hàng Việt ngày càng tăng
Ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Quán triệt rõ mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong những năm qua, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành các văn bản, chương trình, kế hoạch tổ chức quán triệt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị và Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai cuộc vận động; chỉ đạo các Sở, ngành địa phương thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động; phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện đến các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố; đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo của chính quyền trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động.
Cụ thể, ban hành Kế hoạch số 104-KH/TU ngày 17/12/2021 của Thành ủy Hải Phòng thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 28/5/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 16/02/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Các kế hoạch của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đều phân công rõ trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tạo sự thống nhất đồng bộ trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Sau nhiều năm triển khai hoạt động, Cuộc vận động “"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đạt được kết quả đáng khích lê, nhiều chỉ tiêu của Cuộc vận động đạt và vượt Kế hoạch của Trung ương và thành phố, cụ thể như: Duy trì, phát triển và giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ đạt trên 90% tại các kênh phân phối hiện đại (theo Kế hoạch là 85%) và trên 84% các kênh phân phối truyền thống (theo Kế hoạch là 80%); Duy trì, phát triển và giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước trên địa bàn chiếm tỷ lệ 88% tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố (theo Kế hoạch là 85%).
Ngoài ra, trên 95% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” (theo Kế hoạch là 90%); Trên 90% doanh nghiệp biết đến Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” (theo Kế hoạch là 90%), và trên 80% doanh nghiệp tham gia Phong trào này (theo Kế hoạch là 70%). Đã xây dựng kênh truyền thông có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” thường xuyên tuyên truyền, quảng bá Cuộc vận động.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam. Tổ chức nhân rộng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Xây dựng, kết nối chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất hàng Việt Nam tại thị trường trong nước gắn với Chương trình “Thương hiệu quốc gia”, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” và các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc
Với gần 15 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn thành phố đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và đoàn thể các cấp, sự tham gia tích cực, chặt chẽ, xuyên suốt, phối hợp khá đồng bộ trên toàn thành phố của các ngành, các lực lượng, các cơ quan truyền thông, các tổ chức kinh tế trong quá trình triển khai để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” dần đi vào chiều sâu, mang ý nghĩa chính trị và lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc. Công tác tuyên truyền cuộc vận động đã được Ban chỉ đạo thành phố, các cấp, ngành, đoàn thể tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Qua đó tiếp tục tạo sức lan toả rộng khắp, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, nhận thức đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hàng Việt Nam.
Cuộc vận động đã góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội quan tâm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đối với các doanh nghiệp ra sức thực hành tiết kiệm và chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng; thi đua sản xuất ra nhiều hàng hóa có chất lượng, sức cạnh tranh cao; nâng cao chất lượng dịch vụ ngày càng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của mọi người dân góp phần ổn định và thúc đẩy kinh tế, xã hội thành phố phát triển.
Đồng thời, làm chuyển biến tư duy và trách nhiệm của các doanh nghiệp hướng vào thị trường nội địa được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, các doanh nghiệp đã tham gia, tìm hiểu thị trường có tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp có ý thức, xem đây là cơ hội vàng để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa.
Mô hình điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2019 đã đem lại hiệu quả tích cực, được các cấp, các ngành nhân rộng thực hiện tại nhiều địa phương. Công tác đưa hàng Việt về nông thôn được các doanh nghiệp thực hiện trong nhiều năm đã góp phần đáp ứng nhu cầu về số lượng các mặt hàng thiết yếu, chất lượng các hàng hóa với giá thành hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường đến người tiêu dùng thành phố.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh hơn nữa Cuộc vận động
Thời gian qua, việc triển khai, tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được một số kết quả quan trọng, qua đó góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội...
Tuy nhiên, kết quả thực hiện Cuộc vận động chưa thật toàn diện; việc tuyên truyền nội dung, mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động thiếu thường xuyên, liên tục; việc kiểm tra, giám sát thực hiện Cuộc vận động còn hạn chế; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc chưa được kiểm soát; việc xây dựng, nhân rộng, biểu dương, tôn vinh các điển hình tốt trong thực hiện Cuộc vận động đạt kết quả chưa cao…
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa thực hiện Cuộc vận động trong tình hình mới, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Cuộc vận động các cấp cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam.
Thứ hai, rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp.
Thứ ba, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về Cuộc vận động để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam.
Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường ứng dụng khoa học- công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá Việt và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước.
Thứ năm, tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.