Thái Bình: Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã giúp nhiều sản phẩm chủ lực của Thái Bình chiếm lĩnh thị trường tỉnh, tạo niềm tin với người tiêu dùng và vươn ra thị trường trong nước, thế giới.
Thái Bình
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Chiều 7/8, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2009 - 2024.

Góp phần khẳng định năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Thái Bình

Giai đoạn 2009 - 2024, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền các cấp và sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tạo sự thống nhất trong quá trình tổ chức cũng như được đông đảo nhân dân tỉnh Thái Bình hưởng ứng thực hiện, góp phần khẳng định năng lực sản xuất kinh doanh, phân phối của các doanh nghiệp và doanh nhân Thái Bình.

Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong tỉnh, trong nước và người tiêu dùng mua sắm hàng hoá Việt Nam tăng lên đáng kể, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh thông qua việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận thức đầy đủ sâu sắc hơn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy tiềm năng thế mạnh của doanh nghiệp, vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động ở một số ngành, địa phương chưa thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao; các hoạt động khuyến mại, triển lãm, đưa hàng Việt về các địa phương còn nhỏ lẻ; việc xây dựng thương hiệu và hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước còn nhiều khó khăn; việc giám sát và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chưa triệt để, vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu trên thị trường, gây bức xúc và giảm lòng tin của người tiêu dùng...

Thái Bình nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm Việt

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình đánh giá cao những kết quả mà Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp đã giúp nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh chiếm lĩnh thị trường, tạo niềm tin với người tiêu dùng và vươn ra thị trường trong nước và thế giới.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình
Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế trong thời gian qua, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động. Từ đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch sát sao, hiệu quả, góp phần lan tỏa cuộc vận động trên địa bàn.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; lắng nghe, quan tâm, tháo gỡ khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp trong giới thiệu, quảng bá hình ảnh, chuyển đổi số, quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tạo chỗ đứng cho các mặt hàng chất lượng, thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường...; đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư, đưa hàng Việt về nông thôn để người dân được tiếp cận tốt hơn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thường xuyên cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm giữ thương hiệu, uy tín sản phẩm, doanh nghiệp trên thị trường. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát huy vai trò nòng cốt, kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện Cuộc vận động.

Tiến Thành