Bình Phước là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm ở vị trí cuối Nam Trường Sơn - Tây Nguyên, có nhiều thành phần dân tộc đến từ các vùng miền trong cả nước đến quần cư lập nghiệp. Vì thế bản sắc của người Bình Phước mang tính tổng hợp. Đặc trưng nhất của người Bình Phước là đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Biết dựa vào đặc trưng này của người Bình Phước, công tác tuyên truyền trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những thành công nhất định.
Tận dụng truyền thông
Trước tiên, Bình Phước tận dụng lợi thế tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tình đã tập trung xây dựng các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn tuyên truyền mục đích của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; xây dựng chuyên mục, thường xuyên đưa tin, bài phản ánh tình hình và kết quả thực hiện tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tập trung trên 4 loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước.
Toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được 3.528 cuộc với 58.846 lượt người tham dự, tuyên truyền trên 2.154 băng rôn, áp-phích, phát trên sóng truyền hình phát sóng 02 phóng sự, 11 tin; phát thanh 265 tin, bài với tời lượng 2.241 giờ; đăng trên báo in, bài điện tử 12 tin, bài. Tuyên truyền 120 tin bài trên các trang thông tin điện tử của các thành viên, đăng hàng trăm tin, bài trên các trang mạng xã hội (zalo, facebook, fanpage); ngoài ra còn tuyên truyền về chương trình đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng thông qua các điểm bán hàng bình ổn giá, các phiên chợ hàng Việt.
Tương tự như vậy, Bình Phước cũng tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, tiểu thương cùng vào cuộc, cùng tham gia những hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt ngay tại địa phương thông qua các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, tham gia sàn giao dịch nông sản của tỉnh. Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình bình ổn thị trường, về việc các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sản xuất… Kết quả, đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền được trên 130 cuộc, có 1.236 lượt người tham gia, cắt dán 323 băng rôn, khẩu hiệu.
Đặc biệt, Bình Phước chú trọng việc tuyên truyền, phát hiện, nêu gương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động ở địa phương, cơ sở, kịp thời phê phán, đấu tranh các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, có sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, tôn vinh những cá nhân, đơn vị thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nhìn chung, nội dung tuyên truyên được các cấp, các ngành tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các giải pháp kích cầu, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; giáo dục, khích lệ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc về văn hóa tiêu dùng hàng Việt là thiết thực góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Cũng như các tỉnh khác, Bình Phước cũng nhận thấy tính hiệu quả của việc lồng ghép của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với các cuộc vận động khác như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, do vậy Ban chỉ đạo cấp huyện đã tuyên truyền tích cực trong các đợt giao ban Mặt trận định kỳ và các cuộc họp dân ở khu dân cư để nâng cao ý thức người dân trong thực hiện cuộc vận động.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, MTTQ các cấp đã tuyên truyền được 2.520 cuộc với 48.826 lượt người tham dự, tuyên truyền trên 1.143 băng rôn, áp-phích, phát thanh được 1.124 giờ và đăng hàng trăm tin, bài trên các Trang mạng xã hội (zalo, facebook, fanpage); Website Ủy ban MTTQVN tỉnh để tuyên truyền về cuộc vận động.
Xúc tiến thương mại để đưa hàng Việt đi xa hơn
Nhờ vận hành Sàn giao dịch nông sản, tỉnh Bình Phước đến nay đã hỗ trợ được 91 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với 375 sản phẩm tham gia chào bán sản phẩm trên sàn. Đa số thành viên tham gia là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm Hạt điều và các sản phẩm khác như: tiêu, cà phê, tổ yến, trái cây, sản phẩm chế biến từ gỗ cao su, sản phẩm thủ công mỹ nghệ….
Hoạt động của Sàn giao dịch nông sản tỉnh đã tạo lập một không gian để kết nối online các doanh nghiệp, giữa người mua và người bán; bước đầu đã được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm tham gia, đưa sản phẩm lên Sàn, trao đổi thông tin về sản phẩm, giá cả, tình hình thị trường, nhu cầu cung ứng…
Bình Phước cũng tổ chức rất nhiều hội chợ, triển lãm thương mại, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước và thường xuyên, liên tục cung cấp thông tin rộng rãi để các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh biết và tham gia trưng bày, giới thiệu hàng hóa và tìm kiếm thị trường tiêu thụ như: Lễ hội ẩm thực Năm Châu lần thứ 2 tại thành phố Hồ Chí Minh; mời tham gia chuỗi sự kiện “kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế” (Vietnam International Sourcing 2023) tại thành phố Hồ Chí Minh; mời tham dự chương trình Đoàn giao dịch thương mại tại Úc; mời tham dự Diễn đàn, Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu năm 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh; mời tham dự Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2023 và Hội chợ Công Thương vùng đồng bằng Sông Hồng - Hà Nam 2023; tham gia Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại tại Qatar và Ethiopia, Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 và Hội chợ triển lãm chuyên ngành Cà phê năm 2023…
Nhìn chung, những năm qua, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2023, MTTQ Việt Nam tại Bình Phước các cấp và thành viên Ban Chỉ đạo đã triển khai thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh; các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh đã quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền về cuộc vận động, qua đó đã có tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp cho người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt.