Về phía các doanh nghiệp thì ngày càng quan tâm đến xây dựng thương hiệu, chú trọng đến việc đưa hàng Việt về nông thôn, có những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm, đồng thời chú trọng khai thác thị trường nội địa.
Tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo nghiêm túc việc quán triệt và triển khai nội dung Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" theo tinh thần Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị, Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư, Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 28/CT-TTg, Quyết định 386/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng đó, tỉnh Bình Dương cũng được công nhận là đã có sự quyết liệt chỉ đạo và gương mẫu của các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Dương trong việc nghiêm túc triển khai Cuộc vận động. Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh đã ban hành các văn bản, từ Kế hoạch, hướng dẫn cụ thể các địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở triển khai, thực hiện. Đồng thời, chủ động trong việc triển khai Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, có tính hấp dẫn, cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, Bình Dương đã rà soát, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo cuộc vận động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cấp tỉnh (Quyết định số 353 ngày 8/4/2022 của Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh); thực hiện nghiêm túc việc phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.
Bình Dương cũng là một địa phương được đánh giá là có nhiều hình thức phong phú trong việc tuyên truyền về Cuộc vận động; tổ chức được nhiều hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động như triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 mang lại. Bên cạnh đó là việc vận động doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức các đợt bán hàng Việt phục vụ người tiêu dùng; hội nghị kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm tăng khả năng cạnh tranh, phát triển hệ thống phân phối.
Với sự tham gia, hỗ trợ của nhiều ngành mà vai trò đầu tầu là ngành Công Thương Bình Dương, Cuộc vận động đã đạt được những thành tựu lớn trong việc thúc đẩy hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Ngành Công Thương Bình Dương thời gian qua đã nỗ lực rất lớn trong việc đưa hàng Việt vào các kênh phân phối, tổ chức hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, về khu vực đông công nhân lao động. Đồng thời, làm việc với các đơn vị bán hàng bình ổn của tỉnh Bình Dương để bảo đảm đưa những sản phẩm hàng hóa Việt Nam chất lượng đến với người dân địa phương. Song song với đó là tổ chức các hội chợ kết nối cung cầu để đưa hàng hóa của Bình Dương đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Người Bình Dương cần hàng Việt cũng nhờ thế, yêu hàng Việt cũng vì thế.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty Aeon Việt Nam cho biết tại Aeon Bình Dương, hàng Việt đã chiếm tới 80-90% hàng hóa trên kệ hàng. Aeon lựa chọn hàng Việt chất lượng cao đưa đến tận tay người tiêu dùng, bên cạnh đó đẩy mạnh quảng bá hàng Việt đến các kênh phân phối của Aeon trên toàn cầu. Hiện nay hàng Việt là sự lựa chọn của khách hàng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng được nâng lên đáng kể.
Nhận xét về những bước tiến của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Bình Dương, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng Bình Dương cũng như các tình, thành phố khác, là đã thay đổi nhận thức, tâm lý của các doanh nghiệp cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng trong nước. Tại các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bình Dương lượng hàng Việt ngày càng nhiều, ngày càng chiếm được niềm tin của khách hàng, có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng và chất lượng không kém hàng nhập ngoại. Trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp tại Bình Dương cần phải ý thức rõ việc nắm giữ thị trường trong nước.
“Với lợi thế của một tỉnh công nghiệp mạnh, rất có thể Bình Dương sẽ có bước tiến dài hơn nữa trong việc nâng tầm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt trong thời gian tới” – bà Nga nhận định.
Tuy nhiên, để có thể làm được như vậy, tỉnh Bình Dương cần khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện Cuộc vận động.
Cụ thể, các Sở ban ngành đoàn thể của tỉnh Bình Dương cho rằng cần điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho hoạt động tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn để mang lại nhiều lợi ích cho người dân và đảm bảo ý nghĩa chương trình. Bên cạnh đó, phải kiểm soát thật chặt chẽ những hàng gian hàng trên các kênh bán hàng thương mại điện tử, tránh tình trạng còn lỏng lẻo như hiện nay, khiến hàng Việt cạnh tranh ngày càng khó khăn. Ngoài ra, tiếp tục công tác vận động, tuyên truyền tới một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tâm lý sính hàng ngoại…
Đảng và Chính phủ đặt mục tiêu chiến lược là xây dựng Bình Dương thành một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, toàn diện đảm bảo mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, xoá đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Làm tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ góp phầ đưa Bình Dương tiến gần tới mục tiêu lớn đó trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung.