Đây là điểm bán hàng được Sở Công Thương lựa chọn thực hiện theo nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định thuộc danh mục của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.
Thêm một điểm bán hàng Việt Nam
Theo bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng thì việc thành lập Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” không chỉ giúp người tiêu dùng được sử dụng những hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, mà còn giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có thêm cơ hội tìm hiểu, nhận diện những thương hiệu hàng Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Với việc tổ chức điểm bán Việt Nam đầu tiên tại huyện Đơn Dương - là huyện đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới vào năm 2015 và tiếp tục được chọn làm mô hình điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh đã cho thấy Sở Công Thương Lâm Đồng đã cán thêm một mốc thành công nữa trong nỗ lực đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương, góp phần đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đến với nhân dân.
Xây dựng thành công các điểm bán hàng này sẽ là cơ sở để tổ chức mô hình phân phối chủ lực để kết nối cung và cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, phát triển phân phối vừa và nhỏ phù hợp với thị trường tại huyện Đơn Dương, trong đó triển khai xây dựng kênh tiêu thụ nông sản với chủ thể chính là doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, dự trữ đối với sản phẩm nông sản; kênh tiêu thụ nông sản hợp nhất (khép kín trong doanh nghiệp) để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Đa Nhim rất tâm đắc vì tiêu chí của Mô hình “Tự hào hàng Việt Nam” cũng chính là phương châm kinh doanh của Công ty từ khi thành lập đến nay. Được Sở Công Thương lựa chọn hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt Nam, ngoài việc được hỗ trợ quầy hàng, kệ hàng, thiết bị bảo quản hàng hóa, đèn chiếu sáng, hệ thống biển hiệu quảng cáo theo mẫu quy định, Công ty còn được hỗ trợ tuyên truyền trực quan và qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân ngày càng tin dùng hàng Việt nói chung và sản phẩm do Công ty cung ứng.
Sau một thời gian khai trương, điểm bán hàng cũng đã thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm, tạo hiệu ứng tốt trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong tỉnh, trong nước, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận hàng hóa phong phú, đa dạng có chất lượng cao sản xuất trong tỉnh, trong nước.
Về phía chính quyền địa phương, ông Dương Đức Đại - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cũng khẳng định: Để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tinh thần ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của Sở Công Thương, huyện Đơn Dương sẽ tiếp tục tổ chức chương trình kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, đặc sản, các chương trình kích cầu, bình ổn thị trường, tiếp tục theo dõi chặt chẽ giá cả hàng hóa trên địa bàn, tập trung cho các chương trình kích cầu tiêu dùng, khai thác tốt thị trường trong nước giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Sức lan tỏa của tình yêu hàng Việt
Câu chuyện của Đơn Dương cũng chính là câu chuyện của Lâm Đồng sau 14 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tính đến nay, Cuộc vận động đã đạt được những thảnh công rất lớn, người tiêu dùng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi tích cực, thông qua các kênh bán hàng, các hội chợ thương mại, dịch vụ, thậm chí là các khu chợ truyền thống, nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu địa phương đã được người tiêu dùng đón nhận. Họ đã gặp nhau tại một điểm – đó là tình yêu hàng Việt và niềm tự hào khi tiêu dùng chính hàng hóa do người Việt toàn tâm toàn sức làm ra.
Tận dụng lợi thế trên "sân nhà" như giá thành cạnh tranh, cung ứng dễ dàng và sự thấu hiểu văn hóa bản địa, đặc biệt là sự hỗ trợ đắc lực từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã tích cực đầu tư dây truyền, công nghệ, tập trung vào chất lượng để sản xuất ra nhiều đạt chất lượng vượt trội cũng như tập trung nhiều hơn cho bao bì để làm sao “lọt mắt xanh” người tiêu dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm đến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, qua đó từng bước mở rộng thị trường các mặt hàng tiêu thụ nông sản của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã đăng ký 26 nhãn hiệu bảo hộ. Nhiều nhãn hiệu đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng như: lúa, gạo Cát Tiên, sầu riêng Đạ Huoai, tơ lụa Bảo Lộc... Những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ tại tỉnh Lâm Đồng cũng đã được đón nhận tích cực ở thị trường trong nước và đang từng bước vươn ra thị trường thế giới.
Ông Huỳnh Minh Chánh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Bảo Lộc nhìn nhận: “Đây là tín hiệu vui sau hơn 14 năm triển khai thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Để phát huy kết quả này, các cơ sở kinh doanh hàng Việt cần chú trọng nâng cao chất lượng để giữ vững ưu thế trước xu hướng hàng nhập ngoại có cơ hội xâm nhập vào thị trường với nhiều lợi thế cạnh tranh”.
Đánh giá hiệu quả của Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh, ngay từ những ngày đầu tiên, Ủy ban MTTQ tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả CVĐ này. Đặc biệt, hệ thống MTTQ tỉnh cũng đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo, thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ phân công, phân nhiệm rất cụ thể, rõ ràng vai trò cho từng thành viên, trong từng nội dung của CVĐ. Qua triển khai thực hiện, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về CVĐ đã có sự chuyển biến tích cực.
Thói quen mua sắm, sử dụng hàng Việt của bà con đã có những thay đổi đáng kể. Do đó, có thể khẳng định, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần khích lệ, động viên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ, cách thức quản lý để sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, giá thành phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các địa phương trong tỉnh cũng đã quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; chương trình bán hàng Việt khuyến mại...
Lâm Đồng đang ngày càng trở thành điểm đến của rất nhiều người yêu thích vẻ đẹp nên thơ, mơ mông, khí hậu dễ chịu của vùng cao nguyên tuyệt mỹ. Đây sẽ là tiền đề thuận lợi để hàng Việt Nam thêm nhiều cơ hội phát triển và đi xa!