Hàn Quốc đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1992, mối quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang phát triển nhanh trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ về chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng
Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng là một câu chuyện thành công sau khi Việt Nam tiến hành mở cửa nền kinh tế cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hàn Quốc hiện là nhà đầu nước nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đăng ký tính tới hết tháng 7 năm 2018 là khoảng 65 tỷ USD và 7.080 dự án. Vốn đầu tư của Hàn Quốc đã và đang góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh và quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam trong thời gian qua và trong thời gian tới.

3 làn sóng đầu tư lớn

Theo Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (Kotra), các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với chiến lược rất bài bản. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam có thể chia thành 3 làn sóng lớn.

Làn sóng đầu tiên bắt đầu từ năm 1992 với các tập đoàn xây dựng lớn như Posco và Daewoo, xuất hiện ở Việt Nam như những người đi tiên phong.

Làn sóng thứ hai là hồi đầu những năm 2000 sau khi Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định Thương mại Tự do song phương và Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với các nhà đầu tư trong các ngành dệt may.

Và làn sóng gần đây nhất là những khoản đầu tư cực lớn như của công ty điện tử Samsung vào ngành sản xuất các thiết bị điện-điện tử, hàng tiêu dùng. Điều này cho thấy đã có một sự “háo hức” đa dạng hóa ở các dự án đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam. Cho đến nay, hơn 73% doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam là để phục vụ thị trường Việt Nam.

Cùng với khoản đầu tư ngày càng lớn, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang giữ vai trò quan trọng trong một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam như công nghiệp điện tử, năng lượng, sản xuất ôtô, may mặc, xây dựng...

Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đánh giá được rủi ro, lợi thế của từng vùng miền khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Các tỉnh miền Bắc là điểm đến của những tập đoàn lớn trong khi miền Nam lại thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ xứ sở kim chi. Riêng các tỉnh miền Trung là vùng đất phát triển ngành du lịch bởi rất nhiều khách du lịch Hàn Quốc chọn miền Trung để khám phá, tham quan, nhất là Đà Nẵng. Năm 2017, vốn Hàn Quốc vào Việt Nam đăng ký đạt mức kỷ lục, trên 9 tỉ USD với nhiều dự án lớn trong các mảng công nghiệp chế tạo, kinh doanh bất động sản, năng lượng, phân phối, mua bán-sáp nhập (M&A)…

Vì sao các nhà đầu tư Hàn Quốc lại chọn Việt Nam?

Theo các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã tới Việt Nam, đất nước được so sánh như một "con hổ mới" của châu Á, bởi nhiều lý do dễ nhận thấy. Thứ nhất, Việt Nam có nguồn lao động giá rẻ rất dồi dào, có kỹ năng và được các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá là cần cù chịu khó, một trong những yếu tố góp phần quan trọng hạ giá thành sản xuất tất cả hàng hóa mà các công ty Hàn Quốc xuất khẩu sang thị trường các nước thứ ba.

Thứ hai, các nhà đầu tư Hàn Quốc bị hấp dẫn bởi chính thị trường tiêu dùng lớn Việt Nam với hơn 96,6 triệu dân. Việt Nam có tầng lớp trung lưu và trẻ tuổi ngày càng tăng cũng như một nền kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh.

Thứ ba, là sự ổn định về chính trị của Việt Nam so với các nền kinh tế đang nổi lên khác giúp các công ty muốn tránh rắc rối có thêm sự tự tin khi đầu tư.

Thứ tư, các chính quyền Hàn Quốc (hiện nay là chính quyền Tổng thống Moon Jae-in với chính sách Hướng Nam Mới), chú trọng phát triển quan hệ với Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là nước được chú trọng nhất. Chính sách kinh tế mới này nhằm giúp Hàn Quốc bớt lệ thuộc vào các đối tác thương mại truyền thống là Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc kinh tế đang ở trong một cuộc chiến thương mại gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.

Thứ năm, sự đầu tư mạnh mẽ của các công ty Hàn Quốc vào Việt Nam hiện nay chính là nhờ những chính sách mở cửa tích cực của nhà nước Việt Nam với nhiều cải cách về thủ tục hành chính và ưu đãi thuế quan.

Thứ sáu, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã và đang chuyển vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam sau những tranh cãi liên quan tới việc Trung Quốc phản đối việc Hàn Quốc cho phép Mỹ thiết lập Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp tiềm năng lớn của Hàn Quốc (AHPEK), từ năm 2016, số lượng dự án đầu tư và tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Trung Quốc đã giảm mạnh do các doanh nghiệp nước này đang chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam.

Thứ bảy, đó là tác động từ Hiệp định Mậu dịch Tự do Việt-Hàn (FTA) có hiệu lực cuối năm 2015 cũng như nhiều thỏa thuận song phương và đa phương khác mà Việt Nam đã ký hay đang đàm phán như Hiệp định Mậu dịch Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Và một điều dễ nhận thấy nữa là Việt Nam đang trở thành một trung tâm thương mại với lợi thế về địa lý giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp cận các thị trường xung quanh dễ dàng hơn bất kỳ nước nào khác trong khu vực Đông Nam Á. Các thỏa thuận này tạo ra một mức độ tự do hóa đầu tư cao hơn, sự bảo vệ các nhà đầu tư lớn hơn trong đó có việc trao đổi giải quyết các khó khăn mà các công ty Hàn Quốc ở Việt Nam gặp phải.

Một lý do không kém phần quan trọng nữa đó là sự tương đồng về văn hóa giữa hai nước, giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc dễ thích nghi với môi trường sống và làm việc ở Việt Nam hơn. Những điểm thuận lợi này đưa Việt Nam trở thành một điểm đến ưa thích của các công ty Hàn Quốc. Điều này đã được thể hiện không chỉ qua số dự án hay số vốn tăng mà còn qua sự mở rộng lĩnh vực đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Triển vọng và những việc cần làm

Với sự trao đổi và hợp tác kinh tế-xã hội giữa hai nước trong những năm tới ngày càng tăng, dự đoán các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ ngày càng quan tâm tới Việt Nam hơn. Chắc chắn số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn tăng nữa nhất là khi rất nhiều địa phương Việt Nam đã tổ chức các chuyến đi xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng của mình với các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại và quan trọng hơn hết là sự nhiệt thành, muốn được tới làm ăn ở một đất nước có sự ổn định, đang phát triển nhanh như Việt Nam.

Việt Nam hiện có tiềm năng phát triển lớn trong nhiều ngành khác nhau, như chế tạo, sản xuất vật liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, tài chính, dược, công nghệ thông tin phân phối, bán buôn và bán lẻ, hậu cần, rất thích hợp với thế mạnh của các công ty Hàn Quốc như vốn dồi dào, trình độ kỹ thuật cao, khả năng quản lý tốt. Các dự án đầu tư vào các ngành này, trong đó có các start-ups, theo đánh giá của Kotra sẽ mang lại cho hai bên nhiều lợi ích lớn. Bên cạnh đầu tư trực tiếp, các tập đoàn tài chính và ngân hàng của Hàn Quốc hiện cũng rất quan tâm tới hình thức đầu tư gián tiếp vào Việt Nam như qua thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng, Việt Nam theo một số ý kiến của các doanh nghiệp Hàn Quốc mà phóng viên TTXVN có dịp trao đổi, cần phải cung cấp thêm thông tin, giảm bớt những thủ tục hành chính và tích cực chống gian lận thương mại.


TTXVN tại Hàn Quốc)