Ông Mike Muller, giám đốc điều hành thị trường châu Á của hãng Vitol cho biết liên minh OPEC+ hiện gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong các tháng tiếp theo; trong khi đó, sản lượng khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ vẫn chưa phục hồi về mức như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út dẫn đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện nắm hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Từ tháng 8/2021, liên minh OPEC+ đã thực hiện kế hoạch nâng sản lượng khai thác hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày sau khi cắt giảm sản lượng khai thác ở mức chưa từng thấy trong năm 2020 nhằm đối phó với các tác động của đại dịch Covid-19. Kết thúc phiên họp vào ngày 2/2 vừa qua, liên minh OPEC+ vẫn kiên quyết duy trì mục tiêu nâng sản lượng khai thác trong tháng 3/2022.
Giá dầu thô thế giới hiện đã vượt ngưỡng 90 USD/thùng và được dự báo có khả năng sẽ vượt 100 USD/thùng trong thời gian tới. Trong phiên giao dịch ngày 7/2 vừa qua, đã có lúc giá dầu thô Brent chạm mức 94 USD/thùng – mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay.
Nhiều tổ chức kinh tế đã cảnh báo việc thiếu hụt các nguồn đầu tư cho mở rộng sản xuất và bảo trì các cơ sở khai thác hiện tại đang khiến liên minh OPEC+ sẽ nhanh chóng dùng hết phần công suất dự phòng hiện tại, khiến việc tiếp tục nâng thêm sản lượng gặp nhiều khó khăn. Công suất dự phòng là phần sản lượng khai thác mà các quốc gia khai thác dầu có thể đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dầu tăng thêm.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) dự báo mức công suất dự phòng của liên minh OPEC+ sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,2 triệu thùng/ngày trong mùa hè năm nay. Trong khi đó, lượng tồn trữ dầu thô của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào mùa hè năm nay được nhận định sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000.
Ông Mike Muller cảnh báo áp lực thiếu hụt nguồn cung dầu trên thị trường đang ngày càng tăng lên, kèm theo đó là những thảo luận về việc cần có giải pháp để tiếp cận nguồn cung dầu thô từ Iran hoặc các quốc gia sẽ phải sử dụng các nguồn dự trữ dầu thô chiến lược.
Hoa Kỳ vừa qua đã có sự nhượng bộ lớn đối với Iran trong đàm phán thoả thuận hạt nhân nhằm thúc đẩy Iran sớm đồng ý thoả thuận mới. Nếu hai nước đạt được thoả thuận hạt nhân thì các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran có thể được gỡ bỏ, mở đường cho lượng lớn dầu thô của Iran tiếp cận thị trường quốc tế.
Trong những tháng cuối năm 2021, một số quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản… đã tuyên bố xả bán một phần kho dự trữ dầu thô chiến lược ra thị trường nhằm hạ nhiệt đà tăng mạnh của giá dầu thô. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đánh giá hành động này không có tác động đáng kể đến cán cân cung – cầu cũng như giá dầu thô trên thị trường.
Theo ông Mike Muller, đại đa số các ngân hàng đầu tư, chuyên gia phân tích và hãng giao dịch dầu thô lớn đều cho rằng Iran sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô trong năm nay do thị trường toàn cầu cần nguồn cung dầu từ nước này để hạ nhiệt giá dầu. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất hiện nay là khi nào thì Iran sẽ được thực hiện điều này và khối lượng dầu tăng thêm sẽ là bao nhiêu, ông Mike Muller cho biết.
Trong khi đó, Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới Saudi Aramco vừa nâng giá bán tất cả các loại dầu thô trong tháng 3/2022 cho các thị trường châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ. Trong đó, thị trường Tây Âu, Bắc Âu và Địa Trung Hải sẽ chịu mức tăng giá mạnh nhất. Đồng thái này phản ánh tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường hiện nay. Saudi Aramco thuộc sự quản lý của chính phủ Ả-rập Xê-út. Nguồn cung dầu mỏ từ Ả-rập Xê-út hiện chiếm khoảng 10% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.