Hàng hóa châu Á sẽ chiếm gần 50% lượng hàng nhập khẩu của Nga

Các nhà phân tích Nga dự báo từ nay cho đến năm 2021 hàng hóa từ châu Á sẽ chiếm khoảng 40% tổng lượng hàng nhập khẩu của nước này, giữa bối cảnh đồng ruble (rúp) mất giá và người dân Nga chuyển sang
Theo một nghiên cứu, hàng nhập khẩu từ châu Á sẽ ngày càng tăng trong những năm tới tại Nga, khi giá dầu tiếp tục giảm và đồng ruble yếu đi, thúc đẩy người dân Nga đẩy mạnh tiết kiệm, chuyển sang hàng hóa giá rẻ hơn vốn là phân khúc của hàng châu Á và hàng sản xuất trong nước.

Xu hướng trên đã được ghi nhận trong vài năm gần đây. Chẳng hạn năm 2013 hàng châu Á chiếm 34% tổng nhập khẩu của Nga, đến năm 2016 con số này đã tăng lên 38%, đóng góp nhiều nhất trong số này là ô tô và thiết bị. Năm 2016, hai dòng hàng này chiếm 49% tổng nhập khẩu, trong khi tỷ lệ của năm 2013 là 39%.

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Liên bang (FTS), thặng dư thương mại của Nga trong quý I/2017 tăng 49% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 38,3 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 35,2% lên 83,8 tỷ USD và nhập khẩu tăng 25,5% lên 45,5 tỷ USD. Trong nhập khẩu hàng hóa, ô tô và thiết bị chiếm 47,3%, công nghiệp hóa chất chiếm 19,7%, hàng lương thực và nguyên liệu cho sản xuất chiếm 13,4%.

FTS cho biết, trong quý I/2017, Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Nga, với kim ngạch trao đổi hàng hóa tăng 36,8%, đạt 18,4 tỷ USD. Xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc cũng tăng từ 11,3% năm 2013 lên 15,4% năm 2016. Trong cả năm 2017, kim ngạch trao đổi thương mại của Nga với các nước châu Á dự kiến sẽ tăng 7,2% và đạt 175 tỷ USD.

Theo chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Á -Âu Yaroslav Lisovolik, xu hướng Nga gia tăng kim ngạch trao đổi hàng hóa với các nước châu Á sẽ còn tiếp diễn kể cả khi quan hệ giữa Nga với châu Âu không còn căng thẳng. Chuyên gia này cho rằng Nga vẫn chưa khai thác hết tiềm năng trong hoạt động trao đổi với rất nhiều nước châu Á. Nếu điều kiện kinh tế được cải thiện, lượng hàng Nga nhập khẩu từ các nước như Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore (Xinh-ga-po) chắc chắn sẽ tăng. Năm ngoái, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á- Âu đã có hiệu lực.

Theo TTXVN