Theo Sở Công Thương TP HCM, 3 chợ đầu mối có tổng lượng hàng về các kho bãi, các điểm tập kết xung quanh chợ khoảng 900 tấn/ngày đêm. Lượng hàng các thương lái lớn của chợ đầu mối bán qua kênh điện thoại, Zalo, giao trực tiếp không về điểm tập kết theo thống kê của ban quản lý 3 chợ đầu mối ước khoảng 1.200 tấn/ngày đêm.
Tiểu thương và thương nhân tại 3 chợ đầu mối tổ chức tiếp nhận hàng hoá thông qua các chành, vựa, trung bình khoảng 4.500-5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống/ngày đêm, đồng thời tham mưu hình thành các điểm trung chuyển hàng hoá từ các tỉnh về TP HCM.
Hiện nguồn thực phẩm dự trữ lên tới 120.000 tấn, tăng gấp ba thông thường nên Sở Công Thương khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh còn có hơn 110 chợ truyền thống hoạt động, 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini và 28.700 cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, tại các quận huyện cũng bổ trợ kênh bán hàng online, đi chợ giúp cho người lớn tuổi với sự hỗ trợ của hội phụ nữ, hội thanh niên...
Hàng loạt siêu thị đã lên tiếng về nguồn cung của mình. Cụ thể, tại Satra, hệ thống tăng thời gian hoạt động, mở cửa từ 7h sáng đến 23h, thay vì từ 8h đến 22h như trước. Siêu thị cũng trữ lượng hàng đáp ứng đủ cung cấp cho một tháng. Trong một tuần tới, lượng hàng sẽ tăng lên gấp đôi tại kho ở Bình Điền. Tại Vissan, ngoài thịt tươi, đơn vị này còn dự trữ thịt đông lạnh đủ dùng 4-5 tháng gồm: thịt heo, bò và gà.
Saigon Co.op cho biết đơn vị này đã tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu gấp 3-5 lần, bảo đảm sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng tới. Đại diện MM Mega Market cho biết ngoài việc tăng dự trữ, tổ chức phục vụ đối tượng khách hàng hiện hữu tại siêu thị, khách đặt online, hệ thống MM Mega Market còn phối hợp với Sở Công Thương tổ chức cung cấp hàng nông sản, thủy sản giá sỉ cho tiểu thương các chợ truyền thống trong thời gian chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động.
Từ 0h hôm nay, 9/7, TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Tất cả các chợ đầu mối tại thành phố phải tạm đóng cửa, nhiều chợ truyền thống, siêu thị cũng phải dừng hoạt động do liên quan đến các ca mắc COVID-19.
Tuy nhiên, phương án điều tiết hàng hóa đã ngay lập tức được triển khai. Hàng từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh sẽ không tập kết trung chuyển ở chợ đầu mối, mà được chia nhỏ, đưa trực tiếp đến các chợ truyền thống.
Thành phố cũng đã cho hoạt động lại một số chợ dân sinh, siêu thị hiện đại. Chợ dân sinh sẽ chỉ mở lại các quầy hàng thiết yếu. Một số hệ thống bán lẻ lớn sẽ đảm nhận việc tiêu thụ hàng tồn của tiểu thương chợ đầu mối, đồng thời tăng cường nguồn hàng thiết yếu.
Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, hàng hóa sẽ liên tục về TP. Hồ Chí Minh vì nguồn cung ứng từ các tỉnh sẽ không bị đứt gãy. Chúng ta chỉ đang khó khăn trong địa điểm giao dịch. Các công ty quản lý chợ cũng đang hỗ trợ tiểu thương. Hệ thống bán online của siêu thị cũng đang tiếp nhận rất nhiều đơn hàng.
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng công bố danh sách điểm bán mặt hàng thiết yếu, gồm: lương thực, thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay... của những hệ thống phân phối và mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Hiện tại, 2.833 điểm bán hàng trên địa bàn thành phố sẽ duy trì hoạt động xuyên suốt, nếu không liên quan đến ca nhiễm dịch COVID-19.
Sở Công Thương đã làm việc với nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... trên địa bàn tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã triệu tập cuộc họp khẩn với yêu cầu cấp bách: Cung ứng đủ nguồn hàng thiết yếu người dân tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có dịch, đồng thời không để tình trạng thiếu điện trong bất cứ tình huống nào.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu thành lập ngay Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đồng thời yêu cầu Ban Chỉ đạo khẩn trương, thường xuyên liên hệ, trao đổi với UBND, Sở Công Thương và các đơn vị chức năng của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có dịch để kịp thời nắm bắt nhu cầu điều phối hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phối hợp với địa phương thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng thường xuyên, không bị đứt gãy hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối, bán lẻ để sẵn sàng các nguồn hàng hóa thiết yếu bảo đảm cung ứng cho người dân tại các địa phương trong mọi tình huống.
Ngoài ra, cần tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tăng cường thực hiện mua bán theo hình thức trực tuyến; tổ chức các hình thức cung ứng hàng hóa qua hệ thống các tình nguyện viên, các tổ chức đoàn thể ở các địa phương. Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt là giao thông, công an để bảo đảm lưu thông hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch khác, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Công Thương TP. kích hoạt chương trình bình ổn thị trường, bảo đảo cung ứng hàng hóa đủ và đúng giá cho người dân. Vừa phát huy năng lực cung ứng của các kênh phân phối hiện đại và truyền thống; vừa tổ chức các điểm bán bổ trợ, đi chợ thay cho những người có hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại đặt hàng mua sắm trực tuyến...