PV: Thưa bà, xin bà cho biết hiện nay Bộ Công Thương cũng như Vụ Thị trường trong nước đang thực hiện những biện pháp nào để bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho người dân trong bối cảnh dịch Corona?
Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga: Để triển khai công tác phòng chống dịch do virus Corona, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện cũng như các chỉ thị 05, 06, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 04 của Bộ Công thương về việc ngăn chặn dịch cúm nCoV của ngành công thương.
Trong đó, Vụ Thị trường trong nước được giao 3 nhiệm vụ chính:
- Thứ nhất là theo dõi sát sao diễn biến của các mặt hàng thiết yếu và có những đề xuất, kiến nghị kịp thời trong từng thời kỳ của dịch bệnh.
- Thứ hai là theo dõi giá dầu của thế giới để có điều phối kịp thời.
- Thứ ba là tăng cường kết nối để tiêu thụ những mặt hàng cần thiết cho người dân cũng như tiêu thụ những mặt hàng nông sản, thủy sản đang gặp khó khăn, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trên cơ sở đó, ngay từ tuần trước khi vừa kết thúc nghỉ Tết thì Bộ Công Thương đã kịp thời làm việc với các hệ thống phân phối lớn như các hệ thống Big C, Co.opMart, MM Mega Market, VinMart, Aeon và các hệ thống lớn khác để đảm bảo cung ứng được cho người dân những mặt hàng mà người dân đang cần trong mùa dịch này, như thực phẩm thiết yếu, thực phẩm bổ sung để tốt cho sức khỏe, những mặt hàng cần cho việc chống dịch như nước rửa tay, xà phòng rửa tay, các chất tẩy rửa và khẩu trang,…
Chúng tôi đã đi kết nối để đưa khẩu trang vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị. Hiện nay các hệ thống siêu thị như VinMart, Aeon, Saigon Co.op đã duy trì được việc phân phối các mặt hàng này trong hệ thống siêu thị của mình.
Hay Big C hiện nay chưa có nguồn hàng này thì chúng tôi đã kết nối với Vinatex để làm sao đưa được khẩu trang may bằng vải kháng khuẩn, có khả năng hỗ trợ chống dịch để có thể phân phối trong hệ thống của họ hơn 38 hệ thống phân phối trên toàn quốc.
Đặc biệt, ngày hôm qua Vụ Thị trường trong nước đã có văn bản hỏa tốc về việc yêu cầu các hệ thống phân phối phải đảm bảo 3 nhiệm vụ chính.
- Thứ nhất là tăng cường xây dựng một cái kế hoạch để bảo đảm nguồn hàng thiết yếu như thực phẩm và nguồn hàng chống dịch khác trong hệ thống của mình.
- Thứ hai là tăng cường đẩy mạnh việc kết nối để tìm được nguồn hàng mà cần trong mùa dịch.
- Thứ ba là họ phải tham gia một cách tích cực và chủ động trong việc tiêu thụ những mặt hàng nông sản đang ứ đọng như thanh long, dưa hấu và một số mặt hàng khác hiện không đi qua được cửa khẩu biên giới phía Bắc do các cặp chợ đường biên đang đóng cửa.
Chính vì vậy, chúng tôi ngày hôm nay đã khẩn trương có văn bản đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố vào cuộc trong việc kiểm tra việc thực hiện văn bản này và có báo cáo hàng ngày về Bộ Công Thương.
Trong đó, yêu cầu các hệ thống phân phối báo cáo về 13 nhóm hàng thiết yếu phục vụ cho người dân, cũng như 3 nhóm hàng mà phục vụ công tác phòng dịch.
PV: Vậy bà đánh giá sao về tình hình cung ứng tại các hệ thống phân phối thông qua kiểm tra thực tế ngày hôm nay?
Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga: Qua kiểm tra thực tế tại một số hệ thống phân phối lớn ở Hà Nội là Big C, Saigon Co.op và VinMart, chúng tôi nhận thấy họ đã có công tác chuẩn bị rất tốt, trong đó có những hệ thống VinMart, Saigon Co.op và Big C đã tăng lượng hàng về kho của họ gấp 3 lần hay hơn 50% so với bình thường.
Trong khi vào dịp Tết chúng tôi yêu cầu tăng từ 10-15% thôi, thì nay đã tăng với con số như vậy, nên đảm bảo cho người dân yên tâm trong mùa dịch bệnh thì vẫn luôn luôn đủ những mặt hàng thiết yếu cần thiết trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong công tác phòng dịch
PV: Thưa bà, trong các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra là Hà Nội có thể bị phong tỏa nếu dịch bệnh tấn công, liệu lượng hàng nội tại của thành phố có đủ đáp ứng cho người tiêu dùng không?
Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga: Hiện nay chúng tôi đã xây dựng các kịch bản khác nhau để đáp ứng với từng cấp độ của dịch bệnh.
Riêng Vụ Thị trường trong nước đã đi trước, làm việc với các hệ thống phân phối lớn trong việc tăng cường hàng về kho như các chị đã biết là tăng gấp 3 lần so với bình thường và các hệ thống cũng đều có cam kết không những đủ lượng hàng mà còn giữ được mặt hàng bình ổn và tăng cường các hệ thống phân phối lên.
Ví dụ như hệ thống Saigon Co.op hôm nay đã làm việc với Bộ Công Thương trong việc mở rộng thêm một hình thức mới là không chỉ phân phối ở các hệ thống tập trung của họ, mà còn dùng phương thức thương mại điện tử để người dân có thể đăng ký và ship đến tận nhà hoặc những địa điểm mà người dân yêu cầu để hạn chế tập trung nơi đông người, gây khó khăn trong việc phòng, chống dịch.
Chúng tôi cũng vận động các hệ thống, doanh nghiệp logistics phải vào cuộc thương mại, Cục Thương mại điện tử cũng vào cuộc trong việc tăng cường công tác vận chuyển thương mại điện tử trong mùa dịch này.
Thêm vào đó, chúng tôi cũng đã có những chương trình, kịch bản đặc biệt để làm việc các bộ, ban, ngành có liên quan trong việc học tập kinh nghiệm của Trung Quốc vận chuyển thực phẩm trong những tình huống xấu nhất.
Chẳng hạn như Vũ Hán có kinh nghiệm đưa quân đội cũng như thương mại điện tử tham gia vào cuộc để cung ứng hàng hóa đến các hệ thống siêu thị cũng như từ các hệ thống siêu thị đến với các điểm cư dân. Họ cũng tăng cường việc sử dụng hệ thống tủ có khóa QR code để tránh tiếp xúc với người dân trong khu vực bị phong tỏa.
PV: Vậy thì người dân có cần thiết là phải mua tích trữ thực phẩm trong nhà không thưa bà?
Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga: Cho tới nay, với sự chủ động của hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo Chính phủ, chúng tôi thấy rằng công tác phòng dịch đang rất tốt và được kiểm soát chặt chẽ.
Đồng hành với đó, hệ thống phân phối thị trường trong nước chúng tôi cũng đang vào cuộc và luôn luôn liên hệ với nhau 24/24 để có đủ lượng hàng cho người dân tại các vùng đã công bố dịch, cũng như các vùng chưa công bố dịch, đảm bảo đủ nguồn hàng và đảm bảo được tất cả những mặt hàng để phòng chống dịch như khẩu trang hay nước rửa tay và các sản phẩm tẩy rửa khác hỗ trợ cho việc chống dịch.