Trong sáng nay, các đồng tiền chính khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã giảm đáng kể so với đồng dollar Mỹ khi giới đầu tư phòng bị trước các rủi ro trên thị trường trong bối cảnh một cuộc chiến giá dầu thô mới sắp nổ ra giữa Nga và khối OPEC.
Đồng dollar Australia đã giảm 2,60% so với đồng dollar Mỹ xuống còn mức 1 AUD đổi 0,6476 USD. Trong khi đó, đồng dollar New Zealand cũng giảm 2,28% xuống còn 1 NZD đổi 0,6228 USD. Đồng won Hàn Quốc cũng đã giảm hơn 1% so với đồng dollar Mỹ và buộc Bộ Tài chính Hàn Quốc phải đưa ra cảnh báo các giới đầu tư trên thị trường tiền tệ đang hành động “quá mức cần thiết”.
Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết “Chúng tôi (Bộ Tài chính Hàn Quốc) đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động đầu cơ tận dụng việc tâm lý của thị trường đang bất ổn. Sự sụt giảm mạnh (của đồng won Hàn Quốc) trong ngắn hạn là điều quá tiêu cực”.
Trong khi đó, dòng tiền trên thị trường tiền tệ được giới đầu tư hướng vào đồng Yên Nhật với kỳ vọng đây sẽ là đồng tiền bảo vệ các nhà đầu tư khỏi các biến động thị trường. Đồng Yên Nhật đã tăng hơn 3% so với đồng dollar Mỹ. Vào đầu tuần trước 108 Yên Nhật đổi được 1 USD nhưng tỷ giá đã tăng lên mức 102,10 Yên Nhật đổi được 1 USD. Đây là mức tăng mạnh nhất của đồng Yên Nhật so với đồng dollar Mỹ trong 3 năm trở lại đây.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã lên tiếng cảnh báo dòng tiền tăng nóng của giới đầu tư đang khiến đồng Yên tăng giá quá nhanh và cho rằng giới đầu tư đang “quá lo lắng” trước các biến động thị trường. Ông Taro Aso cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ theo dõi chặt chẽ sự biến động của đồng Yên Nhật nhưng từ chối bình luận việc nước này có can thiệp vào thị trường tiền tệ hay không.
Thị trường chứng khoán hỗn loạn
Tình trạng hỗn loạn trên các thị trường đã xuất hiện trong sáng nay khi giá dầu thô sụp đổ, giảm mạnh tới 30%, xuống còn quanh mức 30 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng giá dầu thô năm 2016. Ả-rập Xê-út và Nga đã phát tín hiệu cho thấy một cuộc chiến giá dầu thô sắp nổ ra sau khi liên minh kiểm soát giá dầu thô giữa khối OPEC và Nga tan vỡ vào cuối tuần trước. Tình trạng hoảng loạn trên thị trường dầu mỏ cũng với những diễn biến tiêu cực của dịch virus Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu đã thổi bùng lo ngại của giới đầu tư trên các thị trường hàng hoá – nguyên liệu cũng như các thị trường tài chính khác.
Ba chỉ số chứng khoán chính tại Hoa Kỳ đã sụt giảm mạnh trước cú sốc giá dầu thô. Chỉ số S&P 500 đã giảm tới 5% chỉ trong tối Chủ nhật (8/3) và khiến thị trường giới hạn các giao dịch diễn ra dưới mức này. Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow giảm hơn 1.200 điểm tương 4,9%; đồng thời, chỉ số Nasdaq Composit cũng mất 4,8% giá trị.
Tình trạng bán tháo cũng diễn ra tại hầu khắp các thị trường tài chính lớn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia đã lao dốc, mất 6,3% - mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi tháng 10/2008. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng mất 5,6% và đang tiến tới mốc chốt phiên thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Chỉ số Kospi Hàn Quốc cũng giảm 4%.
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), kết thúc phiên giao dịch sáng nay, chỉ số Hang Seng giảm 3,5% - mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Thậm chí, chỉ số Shanghai Composite của Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) cũng đã giảm 2,5%. Từ đầu năm đến nay, bất chấp các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19 đến nền kinh tế Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite luôn là chỉ số chứng khoán có mức tăng điểm tốt nhất trong số các chỉ số chứng khoán chính của khu vực Châu Á.
Mức lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm hiện chỉ còn đạt 0,5% - mức thấp nhất được ghi nhận trong lịch sử.