Hàng Việt và câu chuyện sức nước ngàn năm

Sức lan tỏa của hàng Việt đã vượt qua câu chuyện về phương thức hỗ trợ sản xuất kinh doanh, vượt qua câu chuyện về cách thức mà một nền kinh tế phải đối mặt với nguy cơ của cuộc khủng hoảng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng nhiều lãnh đạo cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm gian hàng Việt 

 

Trong suốt chiều dài lịch sử, mỗi khi đất nước lâm vào khó khăn, lời kêu gọi của Tổ quốc luôn có sức lay động, chạm đến tầng trầm tích sâu lắng nhất của mỗi con tim người Việt ở trong nước cũng như từ khắp 4 phương trời, tự nguyện hướng về cội nguồn, tạo nên một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, kết thành một “bộ nhận diện” của bản lĩnh, khí phách, trí tuệ Việt Nam

Từ xây dựng hệ giá trị mới…

Năm 2008, Grey Group - Tập đoàn truyền thông đa quốc gia lớn nhất thế giới -công bố kết quả khảo sát 75.000 người tiêu dùng ở Việt Nam và 16 nước châu Á. Theo đó, người Việt Nam dẫn đầu tâm lý “sính ngoại” với 77% ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, trong khi con số trung bình của châu Á là 40%. 

Tâm lý này ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước và đời sống người dân. Trong Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có nhận định rằng, là nước có tiềm năng lớn để phát triểu thị trường nội địa nhưng chưa quan tâm khai thác; tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, nhiều doanh nghiệp phải hạn chế sản xuất, số người thất nghiệp tăng cao…

Trước yêu cầu bức bách đưa nền kinh tế đất vượt qua khó khăn, thách thức, Bộ Chính trị kêu gọi người tiêu dùng trong nước và nước ngoài nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Thông báo Kết luận số 264-TB/TW như một lời “hịch” non sông, truyền đi những âm thanh hùng tráng như lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, vang dội đến triệu triệu người tiêu dùng, hàng trăm ngàn doanh nghiệp hòa chung nhịp đập vào dòng chảy của Cuộc vận động.

Cuộc Vận động như một luồng gió mới thổi bùng lên ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Lòng yêu nước, tự tôn dân tộc giờ đây không chỉ là những khái niệm trừu tượng, mà hiển hiện thành hình hài, vóc dáng của một tầng lớp doanh nhân mới với khát khao cống hiến, khát khao làm chủ công nghệ. Nhưng trên hết, Cuộc Vận động đã từng bước hình thành một hệ giá trị mới của tầng lớp doanh nhân Việt Nam: Năng động, tự tin, tự chủ, sẵn sàng cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, có ý thức thực hiện cam kết của doanh nghiệp với xã hội.

… đến kết nối con người, thương hiệu

Khát khao cống hiến đã thôi thúc tỷ phú Phạm Nhật Vượng quyết định chuyển đổi Vingroup từ một tập đoàn kinh doanh dịch vụ trở thành một tập đoàn công nghiệp, công nghệ để xây dựng nên những thương hiệu Việt mạnh mạnh mẽ.

Động lực cho những khát vọng ấy vừa được thúc đẩy bởi tham vọng bản địa hóa năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của người Việt để chuyển các thương hiệu Vinfast, Vinsmart từ Made in Vietnam (sản xuất tại Việt Nam) thành Made by Vietnam (sản xuất bởi người Việt Nam); vừa được hậu thuẫn bởi tình cảm tự hào dân tộc của mỗi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng lớn mạnh cùng với Cuộc Vận động.

Động lực cho những khát vọng ấy còn xây dựng nên một môi trường sinh thái để trong đó, các doanh nghiệp lớn và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất cùng doanh nghiệp phân phối trở thành những đối tác của nhau, mở ra những không gian kết nối và chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt. Đi đầu trong không gian kết nối ấy là các tập đoàn EVN, sử dụng tới 83% hàng sản xuất trong nước; là PVN, TKV, Petrolimex, Dệt may, Hóa chất…

Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam” được tổ chức thường niên là một trong những điểm nhấn của Cuộc Vận động trong nhiều năm qua đã góp phần dựng xây nên hệ sinh thái kết nối. Các Hội nghị  được tổ chức ở trong Nam, ngoài Bắc, như Kết nối sử dụng hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp Việt; Kết nối đưa đặc sản của địa phương, sản phẩm của doanh nghiệp tham gia vào các hệ thống phân phối trong nước; Kinh nghiệm và giải pháp đưa hàng hóa, đặc sản vùng miền vào các hệ thống phân phối trong nước; Để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam; Kết nối phát triển hàng Việt đã mở ra đường hướng, nhu cầu, cơ chế hợp tác, tạo ra sự liên kết hữu cơ, bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, cũng như kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các đối tác cung cấp các dịch vụ ngân hàng, hạ tầng, giải pháp công nghệ; và truyền cảm hứng về con đường phát triển, cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ngay cả với doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thị trường nội địa.

… và kết thành “bộ nhận diện” bản lĩnh, khí phách, trí tuệ Việt Nam

Dòng chảy của Cuộc vận động đã sáng tạo nên những mô hình, cách làm mới, lan tỏa tình yêu hàng Việt đến các đối tác nước ngoài và kiều bào. Các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài không chỉ tham gia  Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà còn được vận động tham gia vào những chương trình sinh kế cộng đồng. Thông qua đó, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài kết nối được với nhà sản xuất trong nước có nguồn hàng hoặc với hộ nông dân sản xuất ở vùng sâu vùng xa.

Điển hình là Tập đoàn Central Group Việt Nam, đã thực hiện có hiệu quả về ưu tiên phân phối sản phẩm Việt Nam đến tay người tiêu dùng, với  96% tổng doanh số của BigC đến từ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Không chỉ vậy, Centre Group và Aeon đã ký kết với Bộ Công Thương thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước cũng như thu mua xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện BigC thường xuyên xuất khẩu từ 46 triệu USD/năm. Một siêu thị khác là Mega Market (Metro trước đây), đã thành lập 4 trung tâm mua hàng. Các trung tâm này đang thu hút hàng hóa để xuất khẩu về Thái Lan những mặt hàng có tính bản địa cao của Việt Nam như thanh long hay khoai lang. Với Aeon, hiện đã xuất khẩu được 250 triệu USD/năm hàng hóa Việt Nam. Nhà phân phối nàycũng ký cam kết với Bộ Công Thương đến năm 2020 sẽ đẩy lên 500 triệu USD và năm 2025 là 1 tỷ USD/năm tiền hàng thông qua hệ thống Aeon, kể cả thương hiệu thuần Việt.

Tình yêu hàng Việt như một mạch nước ngầm thẩm thấu đến tận chân trời góc bể, đến với 4,5 triệu đồng bào ở hơn 100 nước và vùng lãnh thổ khắp nơi trên thế giới. Triển khai Cuộc vận động theo tinh thần “Mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương là một đại sứ hàng Việt”, 10 năm qua ngành Công Thương không chỉ góp phần quan trọng làm chuyển biến căn bản trên thị trường nội địa; mà còn chủ động kết nối với doanh nhân kiều bào. Bộ Công Thương (Tổ Công tác về doanh nhân người Việt ở nước ngoài) đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Niu-Di-Lân thành lập Ban liên lạc Doanh nhân Việt kiều tại Niu-Di-Lân; phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức buổi kết nối, giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp thuộc Hội doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ; tổ chức Diễn đàn doanh nhân Việt Nam tại Australia; tham gia Diễn đàn thường niên doanh nhân Việt kiều Châu Âu; chủ trì, phối hợp cùng Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị chuyên đề “Doanh nhân kiều bào vì tương lai cộng đồng và đất nước”; Thương vụ Việt Nam tại Australia tổ chức các chương trình: Tuần vải thiều, Tuần thanh long tại các kênh siêu thị của người Việt Nam hoặc cộng đồng người Á châu tại Australia…

Những hoạt động này hỗ trợ thiết thực cho việc đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Việt kiều tại Việt Nam cũng như đẩy mạnh kết nối 3 bên giữa các doanh nhân Việt kiều, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước sở tại; phát triển nguồn hàng Việt trong toàn bộ hệ thống phân phối của Việt kiều trên toàn thế giới.

Từ hoàn cảnh hết sức khó khăn: “Tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp phải hạn chế sản xuất, số người thất nghiệp tăng cao…” (Trích Kết luận số 264); đến nayCuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ 2009 đến nay liên tục đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống trên dưới 5% trong 5 năm gần đây. Đồng thời góp phần giảm tỉ lệ nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong nhiều năm gần đây; tỷ lệ hàng Việt tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị; từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống.

Sức lan tỏa của hàng Việt đã vượt qua câu chuyện về phương thức hỗ trợ sản xuất kinh doanh, vượt qua câu chuyện về cách thức mà một nền kinh tế phải đối mặt với nguy cơ của cuộc khủng hoảng. Trong suốt chiều dài lịch sử, mỗi khi đất nước lâm vào khó khăn, lời kêu gọi của Tổ quốc luôn có sức lay động, chạm đến tầng trầm tích sâu lắng nhất của mỗi con tim người Việt ở trong nước cũng như từ khắp 4 phương trời, tự nguyện hướng về cội nguồn, tạo nên một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, kết thành một “bộ nhận diện” của bản lĩnh, khí phách, trí tuệ Việt Nam, băng qua mọi khó khăn, thử thách, kiêu hãnh vững bước đi lên.

 

Ngọc Châu