Hiệp định CEPA: "Rộng cửa" xuất khẩu, thêm động lực cho các hợp tác kinh tế mới với UAE

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) được ký kết chính thức cuối tháng 10/2024 vừa qua chắc chắn sẽ mở thêm nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường UAE cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tạo động lực cho các hợp tác kinh tế mới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) Thani bin Ahmed Al Zeyoudi ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Mohammed bin Rashid Al Maktoum. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) Thani bin Ahmed Al Zeyoudi ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Mohammed bin Rashid Al Maktoum. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Việt Nam và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới UAE vào cuối tháng 10/2024. CEPA nhấn mạnh sự quan trọng của thương mại trong quan hệ song phương Việt Nam - UAE và định vị UAE là cửa ngõ để hàng xuất khẩu Việt Nam tiếp cận các thị trường khác trong khu vực Vịnh. Trong bối cảnh hai quốc gia mở rộng khuôn khổ hợp tác ra các lĩnh vực khác, việc đảm bảo doanh nghiệp nắm được các yêu cầu của thị trường mới sẽ khuyến khích doanh nghiệp tận dụng nhiều hơn CEPA.

Hợp tác kinh tế chặt chẽ đã đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - UAE. Thương mại là lĩnh vực đi đầu khi kim ngạch thương mại hàng năm không ngừng tăng mạnh. Sau khi vượt mốc 4 tỷ USD vào năm 2013, giá trị thương mại song phương tăng đều đặn. Sau đại dịch Covid-19, thương mại song phương đạt mức tăng gần 6% hàng năm.

Bên cạnh thương mại, cả hai quốc gia đều định hướng chuyển dịch sang nền kinh tế số và bền vững, theo đuổi các tham vọng đóng vai trò lớn hơn nữa trong các ngành công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và chip bán dẫn. Quan hệ kinh tế song phương còn được làm sâu sắc hơn thông qua các hoạt động như xuất khẩu lao động Việt Nam sang UAE và đầu tư của UAE vào các dự án hạ tầng tại Việt Nam.

Những "cánh cửa" mới

CEPA chắc chắn sẽ mở thêm nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường UAE cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những ngành mà Việt Nam đang dẫn đầu trên thế giới. Hiệp định giảm đáng kể các rào cản thuế quan một số mặt hàng chủ lực của ta như thủy sản, nông sản, da giày, từ đó tạo thuận lợi hơn nữa cho xuất khẩu. Trong quá khứ các mặt hàng này chưa được xuất khẩu nhiều sang UAE mặc dù đây là một thị trường có sức mua lớn. Loại bỏ hoặc giảm các hàng rào thuế quan góp phần vào nâng cao sự quan tâm của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Hơn thế nữa, việc là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết CEPA với UAE cũng giúp Việt Nam đi nhanh hơn một bước so với các quốc gia xuất khẩu lớn khác như Australia, khi nước này mới chỉ kết thúc đàm phán, và bắt kịp với các quốc gia trong khu vực khác như Indonesia.

CEPA chắc chắn sẽ mở thêm nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường UAE cho doanh nghiệp Việt Nam
CEPA chắc chắn sẽ mở thêm nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường UAE cho doanh nghiệp Việt Nam

CEPA dự kiến tạo động lực cho các hợp tác kinh tế mới. Cả hai quốc gia đều có các cam kết nâng cao hợp tác trong các lĩnh vực hạ tầng, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. Việc ký kết CEPA khẳng định sự ủng hộ chính trị và thiết lập các khuôn khổ mới cho doanh nghiệp. Điều này còn quan trọng hơn trong bối cảnh các công ty và định chế tài chính của UAE đang đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ mới để định vị UAE trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu tiếp theo. Các doanh nghiệp khởi nghiệp và công ty công nghệ của Việt Nam sẽ hưởng lợi và có nhiều lợi thế hơn khi tiếp cận thị trường vốn của UAE và mở rộng kết nối đối tác một cách dễ dàng hơn.

CEPA tăng cường mạng lưới thương mại của Việt Nam và mở rộng kết nối kinh tế tại Trung Đông. Khuôn khổ hợp tác kinh tế mới củng cố sự hiện diện của Việt Nam trong khu vực và đặt nền móng để phát triển quan hệ với các quốc gia xung quanh. Các thị trường khác trong khu vực có chung các đặc điểm thương mại và kinh tế - xã hội, giúp cho doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ UAE làm cửa ngõ để phân phối hàng hóa xuất khẩu sang các quốc gia lân cận.

Hướng tới thực thi nhằm đem lại lợi ích lớn nhất cho doanh nghiệp

Mặc dù tiềm năng là rất lớn, các rào cản lớn thực sự nằm trong quá trình thực thi. Thị trường UAE vẫn còn xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam do chưa nắm bắt đầy đủ về thông tin thị trường, tiếp cận với khách hàng, và khả năng tuân thủ các quy định kỹ thuật đặc thù. Mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn nhất tại Trung Đông, UAE mới chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vì doanh nghiệp vẫn ưu tiên các thị trường truyền thống hơn và/hoặc khai thác tiếp các thị trường FTA khác. Tình hình hiện nay tại khu vực và chi phí logistics cao cũng là một thách thức.

UAE mới chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam
UAE mới chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam

Các sản phẩm đến từ Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến với đa số người tiêu dùng UAE, do đó cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng thương hiệu và tiếp thị. Các sản phẩm halal của Việt Nam sẽ cần chú trọng nhiều vì Việt Nam tham gia sau vào ngành công nghiệp này và cần thời gian để thuyết phục người tiêu dùng Hồi giáo về chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu của sản phẩm.

Các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư rất nhiều ngay tư ban đầu để hiểu rõ hơn thị trường và xây dựng mạng lưới phục vụ thực thi CEPA một cách hiệu quả. Doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị nguồn lực lớn nếu triển khai đơn lẻ, nhất là việc tuân thủ quy định kỹ thuật của các thành phần khác nhau trong chuỗi giá trị.

Vì vậy, doanh nghiệp cần cân nhắc hiệp sức với nhau để giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu. Các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để tập trung nỗ lực và nguồn lực vào mục tiêu chính là giúp đỡ doanh nghiệp sớm làm quen với các điều khoản của CEPA và yêu cầu mới từ thị trường UAE.

Điều này đồng nghĩa với việc các chủ thể sẽ cùng chung sức xây dựng các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu chung. Sự phối hợp công - tư nhịp nhàng và khả năng tập hợp và sử dụng một cách tập trung các nguồn lực khác nhau sẽ có vai trò quan trọng để thực thi CEPA một cách thành công.

Bạch Hải Ngọc, Chuyên gia Viện Tony Blair vì Sự thay đổi toàn cầu