Từ năm 2000, xuất khẩu da giày tăng bình quân khoảng 15 - 20%/năm và chưa dấu hiệu giảm nhiệt, nhưng khi Bộ Chính trị có chỉ thị về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2009, thì Lefaso đã tích cực vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động đưa hàng vào siêu thị và các vùng nông thôn, miền núi. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giày, dép và túi xách đã vào cuộc với tinh thần sáng tạo và năng động, vừa hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu vừa mở rộng thị trường trong nước.
Thông điệp mà Lefaso phát đến doanh nghiệp là bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, cần phải ưu tiên phát triển những dòng sản phẩm đảm bảo chất lượng, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phù hợp với điều kiện mua sắm của người dân; coi đây là một trong những cuộc thi đua nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Theo tính toán với dung lượng thị trường 90 triệu
dân, tiêu thụ khoảng 130 đến 180 triệu đôi giày thì doanh số của thị trường nội
địa rất lớn chiếm đến 4 - 5 tỷ USD. Việc người tiêu dùng tập trung tiêu dùng sản
phẩm nội địa mang lại giá trị rất lớn đối với doanh nghiệp. Trên tinh thần đó,
các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giày, dép và túi xách đã vào cuộc với
tinh thần sáng tạo và năng động, vừa hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu vừa mở rộng
thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp đầu tư mở cửa hàng, siêu thị quy mô lớn
bán giày dép sản xuất trong nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tham gia đưa sản
phẩm chất lượng tốt, giá cả phù hợp về vùng nông thôn, miền núi và hải đảo.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam thay vì chú trọng gia công xuất khẩu đã quan tâm tạo dựng thương hiệu riêng và từng bước xâm nhập, tìm chỗ đứng cho sản phẩm của mình trên thị trường nội địa.
Từ một doanh nghiệp chuyên làm hàng gia công và hàng FOB cho nhà nhập khẩu giày dép nước ngoài, hưởng ứng lời kêu gọi của Lefaso, Công ty TNHH Giày Tuấn Việt bắt đầu thử sức trên thị trường nội địa bằng cách dành riêng một phân xưởng cho việc thử nghiệm thương hiệu Tuvi’s. Sau 3 năm thương hiệu Giày Tuấn Việt đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng trong nước.
Thành công hơn là Công ty cổ phần Giày Việt với 4 thương hiệu: Vũ Chầm, Vina Giày, Giày Việt, Vinagico đã được “phủ sóng” ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Theo Lefaso, nhiều doanh nghiệp da giày đã tận dụng cơ hội đầu tư chiều sâu, mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, trong đó thị trường nông thôn được chú trọng với nhiều chương trình đưa hàng Việt Nam chất lượng đến tận tay người tiêu dùng.
Theo đánh giá của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, da giày là một trong những ngành tham gia nhiều nhất và có hiệu quả nhất trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Đáng chú ý, kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) tháng 7/2014 cho thấy, tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng.
Thông qua Cuộc vận động, nhiều doanh nghiệp đã được tham gia và xây dựng chương trình đào tạo hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng về kỹ năng bán hàng và xây dựng thương hiệu. Lefaso đã đứng ra tổ chức, hoặc phối hợp tổ chức nhiều khóa học dành cho các doanh nghiệp của ngành trên nhiều lĩnh vực. Có thể kể tên một số khóa học tiêu biểu là: Nâng cao kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp để góp phần xây dựng thương hiệu Doanh nghiệp”; Văn hóa doanh nghiệp dành cho cấp quản lý của Doanh nghiệp; Đào tạo thiết kế mẫu mã giày dép; Khóa đào tạo Hỗ trợ Doanh nghiệp Da - Giày đáp ứng tốt hơn các qui định an toàn sản phẩm; Khóa đào tạo Nghệ thuật xây dựng và duy trì quan hệ khách hàng trong kinh doanh…
Cùng với đó là hàng loạt các cuộc hội thảo, như: “Tác động của Hóa chất độc hại tồn dư trên sản phẩm Da Giày ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng” (tháng 8/2014 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh); Hội thảo "Xây dựng Hệ thống Quản lý An toàn - Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường theo BS OHSAS 18001 và ISO 14001 trong ngành Dệt may và Da - Giày"; Hội thảo “Các yêu cầu thử nghiệm đối với sản phẩm da giày” v.v...
Với sự vào cuộc của Lefaso, có thể nói rằng ngành Da
Giày Việt Nam đã vượt qua giai đoạn phát triển cơ bản và làm chủ được công nghệ
sản xuất. Bên cạnh đó, với năng lực cạnh tranh hiện có, ngành đã đạt được tốc độ
tăng trưởng bình quân 20% năm trong giai đoạn 2010 - 2015 và đang đón nhận nhiều
cơ hội chưa từng có cho sự nghiệp phát triển.
Để doanh nghiệp ngành Da Giày tham gia ngày càng có hiệu quả hơn vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và hướng tới sự phát triển bền vững, Lefaso đưa ra ba giải pháp cho thời gian tới:
Một là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, làm chủ được công nghệ quản lý và công nghệ sản xuất.
Hai là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất được những nhóm nguyên liệu chiến lược cho sự phát triển của ngành, từ đó tạo sự chủ động trong sản xuất và đủ điều kiện hưỡng các ưu đãi từ những Hiệp định Thương mại Tự do.
Ba là cần thực hiện thường xuyên là tham vấn cho Chính phủ trong các chính sách, trong cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo nên sự thuận lợi thương mại, giúp duy trì nâng cao sức cạnh tranh.