Hỗ trợ cộng đồng - Nồng giọt mồ hôi, ấm bao nụ cười

Được triển khai từ tháng 6 năm 2015, Hoạt động Hỗ trợ cộng đồng (HTCĐ) của Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) đã mang đến hiệu quả thiết thực cho nhân dân, nhà trường và cá nhân mỗi một giảng viên, sinh viên tham gia.

Qua 18 đợt tổ chức tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn các tỉnh miền Trung, hoạt động HTCĐ không còn là một phong trào mà đã trở thành một việc làm thường xuyên của HueIC.

Khởi đầu lạc quan

Với đặc thù đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật, các giảng viên và sinh viên của Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế - HueIC đã trăn trở, làm gì để hỗ trợ bà con nhân dân ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn một cách thiết thực đồng thời gắn với chuyên môn đào tạo. Qua nhiều lần dự thảo, nhiều phiên họp, Nhà trường đã quyết định thực hiện chuyến công tác đầu tiên đến xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế trong 2 ngày.

hueIC
Qua 4 năm thực hiện, HueIC đã thực hiện được 18 chương trình hỗ trợ cộng đồng. Hàng trăm chiếc quạt, máy tính, xe máy, thiết bị điện đã được sửa chữa, bảo hành

Đoàn công tác gồm 30 giảng viên và sinh viên một số khoa chuyên môn, tại đây, Đoàn đã thực hiện việc sửa chữa các trang thiết bị điện gia dụng, bảo dưỡng, thay nhớt xe gắn máy, sửa chữa, cài đặt máy tính... hoàn toàn miễn phí cho người dân trên địa bàn xã; tập huấn kỹ năng, giao lưu văn nghệ, thể thao; thực hiện công tác truyền thông hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, vệ sinh môi trường với Đoàn viên thanh niên của xã Điền Hải.

Nhìn nét mặt hồ hởi, vui mừng của bà con khi nhận lại các vật dụng; mồ hôi ướt đẫm nhưng vẫn rạng ngời hạnh phúc của các tình nguyện viên, Ban tổ chức chương trình hiểu được mô hình này sẽ tiếp tục thành công.

Khởi nguồn từ đó, dù Nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động HTCĐ vẫn được tiếp tục triển khai thực hiện đến các địa phương khác: xã Lộc Tiến, xã Lộc Trì huyện Phú Lộc; xã Quảng Thành, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền; xã Phong Bình, huyện Phong Điền; xã Vinh Hà, xã Vinh Phú, xã Vinh Thái, huyện Phú Vang; xã Hồng Thượng, huyện A Lưới; xã Bình Điền, huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên – Huế); xã Triệu An, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong; xã Cam Chính, huyện Cam Lộ; xã Hải Quế, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị); xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình); xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh).

Qua 4 năm thực hiện, HueIC đã thực hiện được 18 chương trình. Mỗi đợt, có 30 giảng viên và sinh viên tham với các ngành: Điện, Điện tử, Động lực, Công nghệ thông tin, Nhiệt lạnh. Bình quân mỗi đợt sửa chữa khoảng 200 - 300 thiết bị điện dân dụng, 80 - 150 xe máy, 15 - 20 thiết bị máy tính, điều hòa, máy giặt..; thay nhớt từ 30 - 50 bình. Kinh phí tổ chức mỗi đợt từ 30 đến 50 triệu đồng.

Hoạt động ý nghĩa, ấm bao nụ cười

Thầy giáo Đặng Thế Anh - Trưởng khoa Động lực, HueIC là một trong những giảng viên gắn bó với hoạt động HTCĐ từ những ngày đầu chia sẻ, HTCĐ là một hoạt động ý nghĩa đối với công tác chuyên môn của khoa. Các giảng viên và sinh viên khi tham gia HTCĐ có cơ hội trau dồi thêm nhiều kỹ năng thực hành trên các thiết bị thực tế, từ đó hiểu biết sâu sắc hơn về nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi, tăng thêm đam mê, nhiệt huyết đối với nghề của giảng viên và sinh viên.

hueiC
Thầy giáo Phạm Bá Dũng (giữa) vừa sửa chữa thiết bị điện, vừa kết hợp truyền nghề cho thầy Nguyễn Văn Tấn (bên trái) và các bạn sinh viên

Vừa xong việc, tấm lưng còn đẫm mồ hôi, thầy giáo Phạm Bá Dũng - Nguyên trưởng khoa Điện, HueIC cười hạnh phúc, “hoạt động hỗ trợ cộng đồng đã trở thành máu thịt”. Dù đã nghỉ hưu theo chế độ, thầy vẫn tình nguyện cùng đoàn công tác tiếp tục đi đến các địa phương diễn ra hoạt động HTCĐ. Với thầy, HTCĐ là dịp để thầy truyền lửa, truyền nghề cho giảng viên và sinh viên thế hệ sau.

Bà Hồ Thị Doái ở thôn Nam Giảng, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế không nén được xúc động khi được đoàn công tác thực hiện sửa chữa lại hệ thống điện chiếu sáng của gia đình. Là một hộ nghèo, bà chỉ bắt tạm 2 bóng điện chiếu sáng để phục vụ cho gia đình, nay HueIC đã hỗ trợ, chỉnh trang và trang bị mới hệ thống điện phục vụ sinh hoạt, đảm bảo an toàn.

hueic
Niềm hạnh phúc của bác nông dân sau khi được đoàn HTCĐ, HueIC sửa quạt miễn phí

Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực, được chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã đồng tình, ủng hộ. Thông qua hoạt động này, thanh niên các địa phương có thêm động lực theo học nghề, góp phần thay đổi nhận thức, khắc phục thực trạng "thừa thầy thiếu thợ" hiện nay. Đồng thời hỗ trợ thanh niên có cơ hội lập thân lập nghiệp trên quê hương Thừa Thiên Huế; ông Phạm Công Phước - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ.

Bạn Phạm Thị Thu Huệ - sinh viên khoa Ngoại ngữ - Kinh tế - Du lịch cho biết đã học hỏi rất nhiều từ hoạt động HTCĐ do Trường tổ chức. Bên cạnh trải nghiệm được đi đến những miền quê của đất nước; bản thân bạn được trực tiếp tiếp xúc, giao lưu với bà con, với các bạn thanh niên của địa phương, góp phần cải thiện các kỹ năng sống và học hỏi được rất nhiều điều qua mỗi lần tổ chức. Đó là những kỷ niệm tuyệt vời đối với quãng đời sinh viên.

Hiện nay, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (trường Kỹ nghệ thực hành Huế trước đây) có gần 4.000 học sinh - sinh viên hệ chính quy. Nhà trường đang nỗ lực triển khai thực hiện đề án phát triển Nhà trường giai đoạn 2019 – 2024 với mục tiêu đào tạo người học có Thái độ - Kiến thức - Kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong và ngoài nước thông qua việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Với ý nghĩa và những thành quả bước đầu, HueIC đang thực hiện việc đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục mở rộng quy mô, địa bàn triển khai tổ chức các hoạt động HTCĐ khác hiệu quả, thiết thực hơn trong tương lai, góp phần vào việc thực hiện định hướng chuyên môn của Nhà trường giai đoạn hiện nay.

Ngọc Tú