Hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt, khai thác hiệu quả Hiệp định RCEP

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm các nền kinh tế thành viên hiện là các đối tác đầu tư và thương mại lớn của Việt Nam, được đánh giá là FTA mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên để hiện thực hóa những lợi ích đó, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng nhằm giúp doanh nghiệp nắm vững và vận dụng các quy định, cam kết một cách hiệu quả.
rcep
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn

Sáng 19/4/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Thông tin Tuyên truyền ASEAN - tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền ASEAN với chủ đề "Tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết” nhằm tăng cường công tác tuyên truyền về Hiệp định RCEP và các chính sách mới nhất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại và tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 05 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.

Theo Bộ Công Thương, việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Do vậy, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Nội dung Hiệp định RCEP bao gồm 20 chương, 4 phụ lục, bao trùm cả lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư cùng những khía cạnh quy tắc và thể chế đặc trưng của các FTA thế hệ mới như cạnh tranh, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Việc tìm hiểu, tận dụng được cơ hội từ các cam kết này là thách thức lớn với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ, cụ thể, chính xác có vai trò quan trọng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt những cam kết, quy định để từ đó tận dụng tốt các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định mang lại, đồng thời chủ động thích ứng với những thách thức, cạnh tranh khi thực thi Hiệp định.

rcep

Nhiều cơ hội trong thương mại, đầu tư

Tại Hội nghị, các phóng viên, biên tập viên đã được các chuyên gia, diễn giả đến từ Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cập nhật các nội dung cơ bản của RCEP mà doanh nghiệp cần biết; quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP; một số nội dung về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, dịch vụ tài chính và thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại của Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP.

Các diễn giả cũng đưa ra dự báo, nhận định về tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam cũng như khuyến nghị đối với các doanh nghiệp để khai thác hiệu quả Hiệp định;...

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, Hiệp định RCEP là lớn nhất nếu xét về quy mô, mới nhất vì vừa bắt đầu có hiệu lực đầu năm nay và có những đối tác đặc biệt.

Việt Nam có mối quan hệ thương mại-đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên ký kết RCEP. Những đối tác thuộc tốp đầu các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, các nguồn nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam đều có mặt trong khu vực này.

So sánh với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của ASEAN và ASEAN với các đối tác, Hiệp định RCEP có phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa mạnh; bao gồm các đối tác ở các trình độ phát triển khác nhau (phát triển, đang phát triển, kém phát triển); nhiều tầng cam kết (phương thức cam kết, lộ trình cam kết khác nhau)...

Không chỉ có giá trị về thúc đẩy thương mại, Hiệp định RCEP còn được dự báo sẽ tăng tốc thu hút đầu tư nước ngoài cho Việt Nam; lần đầu tiên tại một FTA, Việt Nam có cam kết mở cửa đầu tư vào các ngành sản xuất, điều này sẽ tạo động lực đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các nước thành viên RCEP, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài hiện nay.

Bà Trang cho rằng, Hiệp định RCEP được kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ bởi đây là khu vực đặc biệt tiềm năng (thu nhập bình quân tăng, trẻ, tiêu dùng lớn, sẵn sàng thử nghiệm sản phẩm mới); đặc biệt đa dạng (nhiều tệp khách hàng khác nhau, cơ hội cho tất cả các chủ thể kinh doanh); đặc biệt quan trọng với nông, lâm, thủy sản Việt Nam bởi có các thị trường như Trung Quốc. RCEP cũng tạo thêm con đường nhập khẩu "ưu tiên" từ nguồn cung đặc biệt lớn (xấp xỉ 70% tổng nhập khẩu từ thế giới, phần lớn là nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất); nguồn cung đặc biệt hợp lý (về giá cả, chất lượng cho DNNVV)...

wto-vcci
Ưu đãi thuế quan đối tác RCEP dành cho Việt Nam. Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI

Để ứng phó với những thách thức

Bên cạnh xuất khẩu, RCEP cũng được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, chuẩn hóa thống nhất.

Tuy nhiên, thực thi RCEP cũng dự báo sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tại cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó là những lo ngại về nhập khẩu như: Nhập khẩu tiểu ngạch, nguy cơ gian lận thương mại, kiểm soát chất lượng sản phẩm nhập khẩu; những lo ngại về xuất khẩu như: Quy tắc xuất xứ nhiều tầng, nấc giữa các đối tác, thị trường khác nhau, tình trạng lạm dụng các rào cản phi thuế ở nhiều thị trường xuất khẩu hay tính thiếu ổn định, thiếu minh bạch trong chính sách ở thị trường xuất khẩu...

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, RCEP đi vào thực thi từ đầu năm 2022 có thể giúp gia tăng xuất khẩu và thu nhập quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh khu vực châu Á đang phục hồi nhanh sau Covid-19, RCEP giúp giảm rủi ro “lạc nhịp” cho Việt Nam. Hiệp định cũng tác động tạo thương mại, chứ không chỉ là chuyển hướng thương mại, gia tăng đầu vào có chất lượng cho tiêu dùng và sản xuất xuất khẩu, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, thực thi RCEP cũng kéo theo một số thách thức về thương mại như khả năng gia tăng nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng và khả năng thích ứng với những quy định ở thị trường RCEP của các doanh nghiệp trong nước.

Để ứng phó với các rào cản, quy định mới, các doanh nghiệp không nên tách rời RCEP với các FTA khác trong chiến lược kinh doanh của mình để tận dụng tốt những cơ hội gia tăng xuất khẩu, hưởng ưu đãi thuế quan thông qua đáp ứng cam kết của các FTA với ASEAN và ASEAN+... Đồng thời cần xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu, đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, SPS khó khăn hơn; chủ động kiến nghị, tháo gỡ những bất cập chính sách...

Đại diện Bộ Công Thương, bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã cập nhật quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định RCEP được ban hành tại Thông tư 05/2022/TT-BCT ngày 18/2/2022 của Bộ Công Thương có hiệu lực thi hành từ ngày 04/4/2022. Đồng thời giải thích, lưu ý cụ thể về các vấn đề đặc thù của Hiệp định RCEP như: xác định xuất xứ cộng gộp trong RCEP; những nước áp dụng và những nước không áp dụng khác biệt thuế quan; thủ tục và cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong RCEP; tầm quan trọng của việc lưu trữ hồ sơ chứng nhận xuất xứ của doanh nghiệp...

xxhh

Thông qua Hội nghị tập huấn, các phóng viên, biên tập viên nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác hơn về Hiệp định RCEP, từ đó có thêm kiến thức để truyền đạt đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân về những cơ hội từ RCEP có thể tận dụng mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19.

Việt Hằng