Điều tiết, kết nối cung cầu
Mặc dù nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu đều tăng chậm. Tuy nhiên thị trường trong nước vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với 7 tháng đầu năm 2022 (đạt 3.205,8 nghìn tỷ đồng) cho thấy sức cầu của thị trường trong nước có xu hướng tăng.
Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Như vậy, thị trường trong nước tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm.
Thương mại điện tử tiếp tục trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả một lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong 7 tháng đầu năm 2023, doanh thu thương mại điện tử B2C ước đạt trên 12 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Các giải pháp điều tiết, kết nối cung cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường được triển khai quyết liệt phục vụ đời sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp, đạt nhiều kết quả tốt, góp phần quan trọng trong việc điều hành vĩ mô, thực hiện các mục tiêu cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát của Chính phủ. CPI 7 tháng đầu năm 2023 được kiểm soát ở mức 3,12%.
Trong hoạt động tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, Bộ đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, kịp thời đề xuất và kiến nghị các giải pháp nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động thu mua của các hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ sản xuất; tổ chức các hoạt động kết nối với hệ thống các cơ sở chế biến, phân phối trên các địa bàn của cả nước.
Mặc dù vậy, thị trường trong nước còn có những tồn tại, hạn chế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2023 mặc dù có quy mô lớn hơn nhưng tốc độ tăng đang chậm lại và thấp hơn cùng kỳ năm trước (10,4% so với mức tăng 15,7% của cùng kỳ năm trước) cho thấy tiêu dùng trong nước ngày càng thu hẹp do thu nhập sụt giảm dẫn đến sức mua thấp. Đồng thời, tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả trên thị trường nội địa còn diễn biến phức tạp.
Hạ tầng thương mại xét về tổng thể còn yếu kém và lạc hậu, đặc biệt là ở khu vực thị trường nông thôn dẫn đến chi phí trung gian của doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn ở mức cao do mạng lưới phân phối, tiêu thụ nguyên vật liệu và hàng hóa thành phẩm nhiều tầng nấc.
Nhìn chung, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm đã tác động đến thị trường xuất khẩu của nước ta thời gian qua. Ở trong nước, do nền kinh tế có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế và vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng đến sức mua, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại thị trường trong nước, đòi hỏi trong thời gian tới cần tiếp tục có các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Những tháng cuối năm 2023, dự báo tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi còn chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; khủng hoảng năng lương, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào còn tiềm ẩn, gây ra những hệ lụy nhất định tới tăng trưởng chung.
Ngành Công Thương đặt ra mục tiêu chủ yếu đặt ra với lĩnh vực thị trường trong nước là:
- Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%.
- Tăng cường công tác kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.
- Hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, ngành Công Thương tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước: Tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước và các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ; Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử; Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước…
Những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển bền vững thị trường trong nước, bao gồm:
(i) Tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp;
(ii) Tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước như: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
(iii) Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã,…) trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu trong các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam;
(iv) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại và bền vững, kết hợp hài hòa giữa kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống. Đặc biệt quan tâm dành nguồn lực cho phát triển thương mại và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và hải đảo với các loại hình hạ tầng bán lẻ như chợ, siêu thị quy mô vừa, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi...;
(v) Ưu tiên tập trung phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số hóa; Khuyến khích ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động của các doanh nghiệp phân phối và cộng đồng để hỗ trợ mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa; tập trung ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn hàng tại hệ thống hạ tầng thương mại như siêu thị, chợ...; Phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó đặc biệt chú trọng phương thức bán lẻ đa kênh (Omni Channel), bán lẻ qua điện thoại di động, truyền hình, qua các ứng dụng mạng xã hội dựa trên môi trường mạng internet … đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng;
(vi) Khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại; Đẩy mạnh liên kết bền vững giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng cũng như tăng sự hiện diện của sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường tại cơ sở phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị…) và cơ sở phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa…), đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở phân phối.