Tóm tắt:
Nghiên cứu nhằm điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp, trong đó chú trọng vai trò, vị trí của UBND cấp quận cần được tiếp tục quan tâm và triển khai hiệu quả. Bài viết bàn về một số đặc thù của Ủy ban nhân dân (UBND) quận trong mô hình chính quyền đô thị nói chung, qua thực tiễn hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của UBND quận trong thời gian tới.
Từ khóa: ủy ban nhân dân quận, chính quyền đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận
Thuật ngữ Ủy ban nhân dân chính thức được quy định đầu tiên trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 tại điều 121, theo đó xác định “Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, là cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương… chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và trước Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp…”.
Trước Hiến pháp năm 1980, trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 chỉ có quy định có Ủy ban hành chính với thẩm quyền, chức năng, vai trò, vị trí cụ thể như sau:
Tại điều 58, điều 59 và điều 60 Hiến pháp năm 1946 đã xác định “Ủy ban hành chính do Hội đồng nhân dân cùng cấp cử ra. Ủy ban hành chính có trách nhiệm:
a) Thi hành các mệnh lệnh của cấp trên.
b) Thi hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân địa phương mình sau khi được cấp trên chuẩn y.
c) Chỉ huy công việc hành chính trong địa phương.
Ủy ban hành chính chịu trách nhiệm đối với cấp trên và đối với Hội đồng nhân dân địa phương mình…”
Tiếp theo Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 tại điều 84, điều 87 và điều 89 cũng quy định:
“Ủy ban hành chính các cấp là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân địa phương, là cơ quan hành chính của Nhà nước ở địa phương… Hội đồng nhân dân bầu ra Ủy ban hành chính và có quyền bãi miễn các thành viên của Ủy ban hành chính.
… Ủy ban hành chính các cấp quản lý công tác hành chính của địa phương; chấp hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình và nghị quyết, mệnh lệnh của cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên”.
Căn cứ theo quy định của Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 về Ủy ban hành chính có nhiều nét tương đồng với quy định về Ủy ban nhân dân hiện nay. Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định về vai trò, vị trí Ủy ban nhân dân như sau: “Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên…”.
Theo phân cấp hành chính hiện nay, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước ta bao gồm 3 cấp là cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Cụ thể hơn, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã phân chia thành chính quyền địa phương ở nông thôn bao gồm 3 cấp là chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã và chính quyền địa phương ở đô thị cũng gồm 3 cấp là chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương; cấp quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương; cấp phường và thị trấn. Đối với chính quyền địa phương ở đô thị, cấp quận được nhìn nhận là cấp trung gian giữa cấp tỉnh thành phố và cấp phường, thị trấn.
Theo tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (năm 2015), Ủy ban nhân dân Quận là một trong những yếu tố cấu thành nên chính quyền địa phương ở quận “là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân quận và Ủy ban nhân dân quận”1.
Theo đó, Ủy ban nhân dân quận được phân định những thẩm quyền cụ thể như sau:
Một là xây dựng và trình Hội đồng nhân dân quận quyết định các nội dung chủ yếu liên quan đến nghị quyết của HĐND cấp quận; đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quyết định dự toán ngân sách nhà nước; phân cấp, phân quyền và thành lập hay bãi bỏ cơ quan chuyên môn cấp quận và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân quận.
Hai là chịu trách nhiệm tổ chức bộ máy và giao nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận (phòng, ban).
Ba là thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, xây dựng chính quyền và địa giới hành chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, lao động, chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các nhiệm vụ, quyền hạn khác trên địa bàn quận theo quy định của pháp luật.
Bốn là thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên (UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) phân cấp, ủy quyền.
Năm là phân cấp, ủy quyền lại cho Ủy ban nhân dân phường, cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận.2
2. Thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận trong mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ lớn nhất của cả nước; là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô dân số gần 8,9 triệu người3; có 22 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Thủ Đức, 16 quận và 05 huyện với 312 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn). Ngày 16/11/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; tiếp đó ngày 19/12/2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, đây là cơ hội lớn để Thành phố phát triển nhanh hơn, xứng tầm với tiềm năng hiện có.
Theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội, UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng và không còn cơ cấu tổ chức HĐND; UBND quận gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, cơ cấu nhân sự của UBND quận cơ bản phù hợp với mô hình chính quyền đô thị và phù hợp với cơ chế làm việc theo chế độ thủ trưởng, phát huy vai trò của người đứng đầu. Bộ máy tổ chức của các quận gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của mỗi vị trí việc làm, giảm thời gian giải quyết công việc, tạo sự chủ động trong điều hành, quyết định nhanh chóng các vấn đề quản lý nhà nước tại địa phương.
UBND quận thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội, theo đó hàng năm, UBND quận tổ chức xây dựng và triển khai chương trình công tác, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của quận đảm bảo phù hợp tình hình nhiệm vụ của địa phương và theo định hướng của Quận ủy, UBND Thành phố. Đồng thời, UBND quận giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từng năm đối với UBND các phường trực thuộc, trong đó xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ đối với các lĩnh vực của từng phường để góp phần hoàn thành hệ thống chỉ tiêu của quận.4 UBND quận đẩy mạnh thực hiện cơ chế ủy quyền đối với UBND phường và Chủ tịch UBND phường trực thuộc, khi cần thiết Chủ tịch UBND quận ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND quận, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quận và Chủ tịch UBND phường để giải quyết một hoặc một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND quận5. Ngoài ra, UBND quận còn phân công nhiệm vụ cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách đối với các phường trực thuộc để theo dõi, nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của phường hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quy chế làm việc mẫu của UBND quận6, Chủ tịch UBND quận là người đứng đầu, lãnh đạo và điều hành hoạt động của UBND quận, chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận; đồng thời, Chủ tịch UBND quận thực hiện công tác quản lý cán bộ, công chức như bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường trực thuộc theo quy định pháp luật.
Việc triển khai thực hiện các quy định mới liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND quận, đặc biệt là thực hiện chế độ thủ trưởng theo chúng tôi trong thời gian qua đã phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phân định cụ thể và gắn trách nhiệm của các Phó Chủ tịch UBND khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Trong thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều quyết định phân cấp trên một số lĩnh vực cho UBND các quận, Chủ tịch UBND các quận để thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Việc thực hiện cơ chế ủy quyền đã tạo điều kiện cho UBND các quận phát huy vai trò, thế mạnh của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao, giảm khâu trung gian không phải trình UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố nên rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước. Điển hình trong lĩnh vực đầu tư công, trên cơ sở đề xuất của UBND các quận nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và cải cách hành chính và giảm áp lực công việc cho các sở, ngành, UBND Thành phố đã ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận điều chỉnh quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư nhóm C trước đây sử dụng nguồn vốn ngân sách quận hoặc vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Thành phố, hiện nay sử dụng ngân sách Thành phố thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch UBND Thành phố7. Về công tác tài chính, UBND các quận có đặc thù là đơn vi quản lý địa bàn dân cư, nhằm tạo sự chủ động cho UBND các quận trong công tác điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và phát sinh đột xuất trong năm trên địa bàn. UBND Thành phố đã xem xét, bố trí dự toán năm 2022 kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo từng lĩnh vực phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và khả năng cân đối ngân sách của Thành phố. HĐND Thành phố cũng đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh dự toán chi thường xuyên ngân sách Thành phố năm 2022, theo đó chấp thuận điều chỉnh tăng hoặc giảm dự toán giữa các lĩnh vực chi đối với kinh phí điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của UBND các quận trong phạm vi tổng dự toán đã bố trí8.
Tuy UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng để phù hợp với cơ cấu tổ chức trong chính quyền đô thị, đề cao trách nhiệm, phát huy năng lực, tinh thần chủ động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND nhưng hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND quận đều đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quận ủy, Ban Thường vụ Quận ủy và sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền nên vẫn duy trì được cơ chế kiểm soát quyền lực đối với UBND, Chủ tịch UBND quận khi không tổ chức HĐND.
Bên cạnh những kết quả đạt được của UBND các quận trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh khi tổ chức, triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị vẫn còn những khó khăn trong quá trình thực hiện. Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội đã quy định việc điều chuyển một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị như UBND quận quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách quận, phường trực thuộc theo quy định của Luật Đầu tư công. UBND quận tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mà Luật Đầu tư công quy định phải có sự tham gia ý kiến của HĐND cấp huyện. Tuy nhiên, nhiều quy định pháp luật hiện nay có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận9 nhưng Nghị quyết số 131/2020/QH14 chưa có quy định phân quyền hay chuyển giao cho chủ thể khác thực hiện dẫn đến khó khăn trong thực tiễn triển khai công tác tại UBND quận khi tổ chức chính quyền đô thị. Ngoài ra, trong mô hình chính quyền đô thị thì UBND quận không còn là cấp ngân sách mà thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách nên theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước không có dự phòng ngân sách, không còn nguồn tăng thu, kết dư ngân sách nên hạn chế tính chủ động trong việc cân đối thêm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương cũng khó khăn trong việc đảm bảo các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ cấp bách, đột xuất.
Hiện nay, Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho phép dự toán chi ngân sách của UBND quận thuộc Thành phố được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cần thiết khác10. Tuy nhiên, UBND quận là đơn vị quản lý hành chính trên một địa bàn dân cư nên phát sinh nhiều nhiệm vụ đột xuất mà không thể dự toán trong ngân sách năm. Nếu có phát sinh mà chưa được bố trí trong dự toán thì UBND quận phải báo cáo Sở Tài chính để trình UBND Thành phố, HĐND Thành phố xem xét, giải quyết nên đôi lúc chưa đáp ứng về mặt thời gian và tính chủ động.
3. Giải pháp nâng cao hoạt động của Ủy ban nhân dân quận trong chính quyền đô thị
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lâân cận có sự cạnh tranh mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Thành phố đứng trước sức ép về hạ tầng đô thị, giao thông và các chính sách an sinh, xã hội. Chỉ tính riêng lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính, trong năm 2022, toàn Thành phố đã tiếp nhận 22.343.787 hồ sơ (gấp 1,25 lần so với năm 2021)11. Bên cạnh đó, bình quân mỗi năm, Thành phố Hồ Chí Minh tăng thêm khoảng 200.000 dân có đăng ký chính thức, trong đó 2/3 là dân nhập cư từ nơi khác đến12. Bên cạnh đó, chỉ tính riêng trong quý 1 năm 2023, tình hình kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đương đầu với khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Tăng trưởng GRDP13 quý 1 năm 2023 ước đạt 360.600 tỉ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ 2022. Bên cạnh đó, số dự án có vốn nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tăng cả về số lượng (+70%) và vốn đăng ký (+30%). Tính chung, tổng vốn đầu tư của các dự án có vốn nước ngoài tăng 22,4% so với cùng kỳ, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưu tiên lựa chọn đầu tư vào Thành phố.14 Điều này đòi hỏi UBND các quận với mô hình chính quyền đô thị, nơi tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của Thành phố phải được vận hành hiệu quả, giải quyết kịp thời các khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của bộ máy chính quyền đô thị.
Nghị quyết số 31/NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ: “tiến hành sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thành phố tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”. Để giúp Ủy ban nhân dân các quận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động thông suốt, hiệu quả, giải quyết kịp thời các nhiệm vụ góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần thực hiện các giải pháp:
Một là, đề xuất, kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 131/2020/QH14 để sửa đổi, bổ sung một số nội dung để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính quyền đô thị đối với UBND các quận trên địa bàn Thành phố. Trong đó cần khắc phục các quy định về thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận trong các văn bản pháp luật chuyên ngành khi chính quyền đô thị tại các quận không có tổ chức HĐND; các quy định về cơ chế tài chính ngân sách đặc thù của UBND quận khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách để đảm bảo UBND quận có điều kiện thực hiện tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hai là, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu đối với thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, Chủ tịch UBND các phường trong việc tham mưu, giải quyết và xử lý các thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị quyết số 131/2020/QH14 và các văn bản của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố. Những nhiệm vụ đã phân cấp, phân quyền thì người được phân cấp, phân quyền trực tiếp quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, tránh trường hợp các nhiệm vụ, thủ tục hành chính đã phân cấp, phân quyền nhưng né tránh, xin chủ trương, xin ý kiến trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Ba là, khai thác hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được Trung ương giao cho để thực hiện tốt thẩm quyền, nhiệm vụ của UBND quận. Bên cạnh Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh còn có Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và mới đây là Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (thay thế cho Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh), trong đó Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã bổ sung nhiều cơ chế cho UBND các quận trong việc thực hiện nhiệm vụ và triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. UBND các quận cần nghiên cứu, bám sát các cơ chế, chính sách đã được giao để phát huy tối đa khả năng, trách nhiệm của mình.
Bốn là, tăng cường chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn quận đối với UBND quận, Chủ tịch UBND quận. Hiện nay, các quận trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không còn tổ chức HĐND quận (HĐND quận có chức năng giám sát hoạt động của UBND quận15), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với chức năng giám sát và phản biện xã hội cần phát huy vai trò của mình trong việc giám sát UBND quận, Chủ tịch UBND quận khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, đặc biệt là những vấn đề người dân quan tâm và việc triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
4. Kết luận
Vẫn cần thêm một khoảng thời gian nữa mới có thể tổng kết hiệu quả hoạt động toàn diện của mô hình chính quyền đô thị nói chung và việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận và phường, giao quyền chủ động cho UBND cấp quận và phường, tuy nhiên qua thực tiễn hơn 2 năm thực hiện mô hình trên tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy chính sách về đổi mới hoạt động của chính quyền địa phương là hợp lý, phù hợp với tiến độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc thù của từng địa phương và tiến trình hội nhập toàn cầu hóa. Việc tiếp tục nghiên cứu nhằm điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp, trong đó chú trọng vai trò, vị trí của UBND cấp quận cần được tiếp tục quan tâm và triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Điều 44, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
2 Điều 48, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
3 Duy Tính (2023). Tổng dân số Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay bao nhiêu?. Truy cập tại https://thanhnien.vn/tong-dan-so-tphcm-hien-nay-bao-nhieu-185230606101044439.htm
4 Khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội.
5 Theo Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
6 Quyết định số 34/2021/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy chế làm việc (mẫu) của Ủy ban nhân dân quận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
7 https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/chu-tich-ubnd-cac-quan-quyet-dinh-dau-tu-doi-voi-cac-du-an-dau-tu-cong-nhom-c-1491908926
8 Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về điều chỉnh dự toán chi thường xuyên ngân sách Thành phố năm 2022.
9 Luật Đất đai, Luật Xây dựng,…
10 Khoản 6 Điều 5, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.
11 Báo cáo số 236/BC-UBND ngày 22/12/2022 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử năm 2022.
12 Nguyễn Thị Hậu (2023). Vì ta là người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập tại https://nld.com.vn/thoi-su/vi-ta-la-nguoi-sai-gon-tp-hcm-20210202100635425.htm
13 Tổng sản phẩm trên địa bàn.
14 Báo cáo số 164/BC-CTK ngày 29/3/2023 của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2023.
15 Khoản 7 Điều 47, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Chính trị khóa XIII (2022). Nghị quyết số 31/NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Bộ Nội vụ (2020). Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BNV ngày 09/11/2020 về Nghị định Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Cục Thống kê (2023). Báo cáo số 164/BC-CTK ngày 29/3/2023 của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2023.
- Chính phủ (2021). Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Duy Tính (2023). Tổng dân số Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay bao nhiêu?. Truy cập tại https://thanhnien.vn/tong-dan-so-tphcm-hien-nay-bao-nhieu-185230606101044439.htm
- Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2022). Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về điều chỉnh dự toán chi thường xuyên ngân sách Thành phố năm 2022.
- Minh Hiệp (2023). Chủ tịch UBND các quận quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm C. Truy cập tại: https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/chu-tich-ubnd-cac-quan-quyet-dinh-dau-tu-doi-voi-cac-du-an-dau-tu-cong-nhom-c-1491908926.
- Nguyễn Thị Hậu (2023). Vì ta là người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập tại: https://nld.com.vn/thoi-su/vi-ta-la-nguoi-sai-gon-tp-hcm-20210202100635425.htm.
- Quốc hội (1946). Hiến pháp năm 1946.
- Quốc hội (1959). Hiến pháp năm 1959.
- Quốc hội (1980). Hiến pháp năm 1980.
- Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013.
- Quốc hội (2019). Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
- Quốc hội (2020). Luật Ngân sách Nhà nước.
- Quốc hội (2020). Nghị quyết số 131/2020/QH14, ngày 16/11/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Quốc hội (2023). Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2021). Quyết định số 34/2021/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 về ban hành Quy chế làm việc (mẫu) của Ủy ban nhân dân quận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
The operation and performance of district-level People's Committees
in the urban government model in Ho Chi Minh City
PhD. Tran Hoang Hanh1
Le Ba Hung2
1Director, the Center for Vocational Training and Foreign Languages, Ho Chi Minh Cadre Academy
2Secretary, the Youth Union, Ho Chi Minh Cadre Academy
Abstract:
This study aimed to adjust, supplement, and strengthen regulations on the organization and operation of local governments at all levels, focusing on the role and position of the People's Committee at the district level. This study discussed some characteristics of the district-level People's Committee in the urban government model in general through practical activities in Ho Chi Minh City. Based on the study’s findings, some solutions were proposed to improve the operational efficiency of the People's Committee at the district level in the coming time.
Keywords: the district-level People’s Committee, urban government, Ho Chi Minh City.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 9 năm 2024]