Tham dự buổi làm việc về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ.
Về phía Viện Rocky Mountain có ông Justin Locke - Giám đốc Điều hành, Thị trường mới nổi; ông Koben Calhoun - Giám đốc Kỹ thuật; bà Lê Hạnh - Cố vấn cao cấp.
Tại buổi làm việc, hai Bên đã trao đổi về các vấn đề bao gồm: hỗ trợ của Viện Rocky Mountain đối với Việt Nam bao gồm hỗ trợ công nghệ và tài chính; tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng hệ thống lưới điện của Việt Nam nhằm cung cấp các giải pháp hiệu quả để ổn định lưới điện khi sử dụng năng lượng tái tạo; chia sẻ các kinh nghiệm của viện Rocky Mountain về phát triển hydrogen trong kế hoạch chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, hiện tại, Bộ Công Thương đang được giao thực hiện 2 quy hoạch gồm Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Việt Nam chuyển dịch nguồn năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí carbon.
Đối với các nguồn nhiệt điện than sẽ chuyển dần sang dùng nhiên liệu biomass hoặc anomiac (tăng dần tỷ trọng đốt kèm). Đối với các nguồn điện LNG sẽ chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydrogen (tăng dần tỷ trọng đốt kèm).
Đối với kế hoạch phát triển năng lượng hiện tại, Việt Nam hiện đang cần hỗ trợ của quốc tế trong 2 lĩnh vực chính: hỗ trợ kỹ thuật (các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến về giảm phát thải carbon) và hỗ trợ tài chính cho chuyển dịch năng lượng.
Về phía Rocky Mountain, ông O Hanlon chia sẻ sẵn sàng trao đổi với phía Bộ Công Thương về các hỗ trợ công nghệ và đề xuất mong muốn trao đổi sâu hơn về việc xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính riêng phù hợp cho Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường tài chính khu vực công - tư và thu hút nguồn tài chính trong và ngoài nước cho quá trình chuyển dịch năng lượng, cụ thể: nghiên cứu, đề xuất nhưng giải pháp tăng thêm khả năng tài chính nội bộ của các doanh nghiệp thông qua việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ngành điện. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư để thực hiện tốt quy hoạch điện.