Đổi mới sáng tạo mở trong xu hướng chuyển dịch năng lượng

ThS. CHU VĂN TUẤN (Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp, Trường Đại học Điện lực) - ThS. NGUYỄN THÚY NINH (Giảng viên Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Chuyển dịch năng lượng đã và đang là xu hướng mang tính toàn cầu đáp ứng mục tiêu xây dựng và phát triển nền kinh tế bền vững. Để đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, giảm phát thải từ các hoạt động sản xuất, góp phần giảm đáng kể nhu cầu năng lượng, nguyên liệu hóa thạch và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời phát triển các nguồn năng lượng, nhiên liệu sạch và tái tạo để dần thay thế các nguồn năng lượng truyền thống dễ gây ô nhiễm môi trường.

Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ mang tính đột phá chính là động lực thúc đẩy cho chuyển dịch năng lượng này. Trước thách thức đó, mô hình đổi mới sáng tạo mở trong ngành năng lượng đang dần thay thế mô hình đổi mới sáng tạo đóng trước đây nhằm huy động trí tuệ, tri thức toàn cầu và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, ứng dụng, thương mại hóa công nghệ cũng như tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp nói chung và trong các tập đoàn/doanh nghiệp ngành năng lượng nói riêng.

Từ khóa: chuyển dịch năng lượng, đổi mới sáng tạo mở, xu hướng công nghệ.

1. Đặt vấn đề

Toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế tất yếu đối với sự phát triển của thế giới. Trong thời đại của nền kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Nnăng lượng đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chuyển dịch năng lượng từ các nguồn truyền thống sang năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang là xu hướng lớn mang tính toàn cầu đáp ứng mục tiêu xây dựng và phát triển nền kinh tế phát triển bền vững. (Hình 1)

Theo Báo cáo đánh giá chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2020, Việt Nam là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu. Thích ứng với xu thế toàn cầu, những năm qua, Việt Nam đã luôn tích cực trong thực hiện các cam kết của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và tích cực tham gia thỏa thuận chung Paris trong khuôn khổ Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21). Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã đề ra mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Xu hướng phát triển năng lượng của thế giới sẽ đi theo hướng thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ) bằng các nguồn năng lượng xanh và sạch hơn (gió, mặt trời, sinh khối, hydro xanh, methanol,... ), tương ứng với tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu năng lượng sơ cấp sẽ giảm từ mức 81% năm 2018 về mức 54% năm 2050. Tỷ lệ năng lượng điện tái tạo từ điện mặt trời và điện gió có chiều hướng tăng từ 1% năm 2018 lên 23% vào năm 2050. Quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu sẽ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

2. Chuyển dịch năng lượng

Chuyển dịch năng lượng được hiểu là sự chuyển đổi cơ cấu hệ thống năng lượng từ các nguồn phát thải cacbon cao, sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang hệ thống năng lượng sạch, với sự gia tăng năng lượng tái tạo. (Nguồn: Báo cáo GIZ - 2020)

Quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Đặc biệt trong 3 năm gần đây, từ một quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió không đáng kể, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia dẫn đầu về phát triển năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á. Với tổng công suất lắp đặt là 20 GW, bao gồm hơn 16 GW điện mặt trời và 4 GW điện gió trong giai đoạn 2019 - 2021. Tiến độ chuyển dịch năng lượng đang được Chính phủ Việt Nam thúc đẩy để phù hợp với cam kết bảo vệ khí hậu toàn cầu là giữ nhiệt độ tăng dưới 1,50C vào cuối thế kỷ này. Theo đó, quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững và đáng tin cậy hiện đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết với định hướng Việt Nam phát triển Netzero vào năm 2050. Quá trình này cần được triển khai với sự nỗ lực của quốc gia cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực để đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng diễn ra một cách bền vững. (Hình 2)

3. Xu hướng công nghệ hướng tới phát thải cacbon thấp và sự thay đổi để thích ứng của tập đoàn/doanh nghiệp ngành Năng lượng tại Việt Nam

Khoa học và công nghệ ngày càng quan trọng trong việc nâng cao sức mạnh, năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt, yêu cầu về tăng năng suất lao động, thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức tổ chức quản lý, bảo vệ môi trường đặt ra ngày càng gay gắt hơn. Thời gian đưa kết quả nghiên cứu vào áp dụng và vòng đời công nghệ ngày càng rút ngắn. Lợi thế cạnh tranh đang và sẽ tiếp tục thuộc về các tập đoàn/doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, biết tận dụng các công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu đa dạng , luôn thay đổi của khách hàng. Công nghệ mới tạo ra những cách thức mới về nguồn cung để đáp ứng các nhu cầu của thị trường truyền thống trước đây. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp cần thay đổi theo hướng đổi mới sáng tạo để có được lợi thế cạnh tranh.

Theo báo cáo triển vọng công nghệ đến năm 2030 (Technology Outlook 2030) của DNV-GL, hiện nay, Việt Nam đang tập trung vào 9 nhóm công nghệ, trong đó đặc biệt chú trọng nhóm phát triển công nghệ, hệ thống phát thải các bon thấp. Với xu hướng này, sự tăng tốc của số hóa sẽ xuyên suốt các xu hướng công nghệ chính nhằm các mục tiêu về phát triển hệ sinh thái, xã hội và kinh tế. (Hình 3)

Trong xu hướng chuyển dịch năng lượng hướng tới phát triển công nghệ, hệ thống phát thải cacbon thấp, tập đoàn/doanh nghiệp ngành Năng lượng tại Việt Nam cần phải thay đổi để thích ứng với xu hướng.

Thứ nhất, các tập đoàn/doanh nghiệp ngành Năng lượng cần phải đổi mới sáng tạo, vì nếu không đổi mới sáng tạo thì không thể tồn tại và phát triển trong một môi trường biến động nhanh, linh hoạt và có tính cạnh tranh cao như hiện nay. Theo Báo cáo của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO, 2020), chỉ số đổi mới/sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 42 trên 131 quốc gia. Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Sau 5 năm, Việt Nam từ vị trí 59 (năm 2016) trong bảng xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đã tăng 17 bậc, xếp vị trí 42 (năm 2020) trên tổng số 131 quốc gia và nền kinh tế (năm 2019 là 42/129). Với vị trí này, Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. (Hình 4)

Theo đánh giá của của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) những công ty có doanh số sản phẩm mới (trong 3 năm gần nhất) trên mức trung bình ngành là những "công ty dẫn đầu đổi mới sáng tạo". Các doanh nghiệp chi nhiều vào đổi mới sáng tạo đạt doanh thu lớn hơn nhiều so với các công ty ít đầu tư. Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hơn có chi phí đầu vào trung bình cao hơn 1,4 lần, trong khi doanh thu của họ cao hơn gấp 4 lần các công ty chậm đổi mới sáng tạo. (Hình 5)

Trong xu hướng phát triển công nghệ, hệ thống phát thải cacbon thấp, trước hết tập đoàn/doanh nghiệp ngành Năng lượng cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường nói riêng và nghiên cứu phát triển nói chung. Nghiên cứu phát triển (R&D) là việc đầu tư, phát triển các nghiên cứu, công nghệ mới để tạo ra sản phẩm, quá trình mới, có tính cải tiến để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc của thị trường tốt hơn. Hoạt động nghiên cứu và phát triển luôn được các công ty đa quốc gia (TNTCs), các công ty tiên phong về công nghệ trên thế giới quan tâm triển khai thường xuyên và liên tục. (Hình 6)

Dựa  trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường dài hạn và ngắn hạn, tập đoàn/doanh nghiệp ngành Năng lượng cần lựa chọn các hướng đi“phù hợp với xu thế” để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh có thể tập trung vào R&D quá trình và R&D công nghệ.

Thứ hai, thực hiện chuyển đổi số trong tập đoàn/doanh nghiệp ngành Năng lượng một cách toàn diện. Qua dữ liệu, thông tin được số hóa, tập đoàn/doanh nghiệp ngành Năng lượng có thể nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản, nguồn nhân lực, tăng năng suất, giám sát hiệu quả hơn quá trình sản xuất. Tăng hiệu suất sử dụng tài sản và năng suất về lâu dài vẫn là yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của đơn vị. Có thể tập trung triển khai công nghệ tiên tiến sử dụng năng lượng tái tạo nhằm phát điện, chuyển đổi lưu trữ điện năng dưới dạng hydro và các dạng khác; ứng dụng IoT, chuyển đổi số thiết lập hệ thống giám sát theo thời gian thực các thông số vận hành, nâng cao hiệu quả phát điện và sửa chữa bảo dưỡng; ứng dụng các công nghệ trong tích hợp và quản lý các nguồn năng lượng phân tán, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo theo mô hình nhà máy điện ảo (VPP), triển khai công nghệ chẩn đoán online thiết bị đang vận hành, hình thành lưới điện thông minh, tiến tới hệ thống điện thông minh có khả năng tự hồi phục sau sự cố, ứng dụng công nghệ BIM, dữ liệu lớn (big data) và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác thiết kế, quản lý thiết bị lưới truyền tải,…

4. Mô hình đổi mới sáng tạo mở trong xu hướng chuyển dịch năng lượng

Để đáp ứng được nhu cầu của xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, mô hình đổi mới sáng tạo mở trong các tập đoàn/doanh nghiệp, ngành Năng lượng đang dần thay thế mô hình đổi mới sáng tạo đóng trước đây nhằm huy động tri thức toàn cầu và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, ứng dụng, thương mại hóa công nghệ cũng như tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo.  

Đổi mới sáng tạo (ĐMST) là việc giới thiệu và áp dụng các sản phẩm, công nghệ, quy trình kinh doanh, mô hình kinh doanh và ý tưởng mới trên thị trường, cũng như việc phát minh ra ý tưởng mới. Theo quan điểm truyền thống, ĐMST được nhìn nhận là nghiên cứu và triển khai (R&D), phát minh sáng chế thuần túy. Với đổi mới sáng tạo mở, các doanh nghiệp ứng dụng các tri thức/công nghệ tiên tiến sẵn có và trí thức mới nhằm thúc đẩy năng suất và tăng trưởng, áp dụng và phổ biến tri thức, công nghệ mới mang lại nhiều lợi ích tiềm năng (Nguồn: Cirera và Maloney (2017).

Đổi mới sáng tạo mở là khái niệm kinh doanh khuyến khích các công ty khai thác được các nguồn đổi mới sáng tạo (ĐMST) từ bên ngoài để cải thiện các dòng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và rút ngắn thời gian cần thiết để mang sản phẩm tới thị trường và thương mại hóa, hoặc phát hành kết quả ĐMST phát triển trong nội bộ mà chưa phù hợp với mô hình kinh doanh của công ty. (Hình 5)

 

Như vậy, đổi mới sáng tạo mở được nhìn nhận như kết quả đầu ra của một quy trình đồng sáng tạo phức tạp có liên quan tới các dòng chảy tri thức xuyên khắp toàn bộ môi trường kinh tế và xã hội đòi hỏi trao đổi tri thức cũng như năng lực hấp thụ từ tất cả các đối tượng tham gia. Do vậy, ĐMST không thay thế cho quy trình ĐMST truyền thống (ĐMST Đóng), mà được nhìn nhận như một bổ sung cần thiết nhằm giúp đỡ các công ty luôn cập nhật được với xu thế công nghệ mới nhất, giúp đỡ giải quyết những vấn đề trong quá trình tìm tòi và phát triển sản phẩm. (Hình 6)

Cơ chế của ĐMST Mở:

Cơ chế của ĐMST Mở gồm 2 vấn đề cơ bản: Cơ chế ĐMST từ ngoài vào và cơ chế ĐMST từ trong ra.

Cơ chế ĐMST từ trong ra ngoài có thể hiểu là việc các công ty đưa những ý tưởng chưa được sử dụng và chưa tận dụng hết ra bên ngoài tổ chức, cho phép doanh nghiệp khác sử dụng trong mô hình kinh doanh của họ.

Cơ chế ĐMST từ ngoài vào đặc trưng tất cả các hoạt động tìm nguồn cung ứng công nghệ bên ngoài (startup, chuyên gia, các viện đào tạo,…) nhằm giải quyết những vấn đề xảy ra trong nội bộ doanh nghiệp. (Hình 7)

Trước đây, các doanh nghiệp ngành Năng lượng đều hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển, nơi phát kiến các ý tưởng tiềm năng, thực hiện sự phát triển từ ý tưởng cho đến sản phẩm. Để thực hiện việc này, các tập đoàn đầu tư nguồn vốn lớn để xây dựng hạ tầng, tuyển dụng và sử dụng các nhân tài xuất sắc, bảo vệ tài sản trí tuệ được hình thành từ bộ phận nghiên cứu phát triển. Với mô hình này, các tập đoàn có lợi thế trở thành người tiên phong trên thị trường, tính cạnh tranh được đảm bảo bởi sự độc quyền sản phẩm mới. Lợi nhuận thu được từ việc cung cấp các sản phẩm mới độc quyền trên thị trường một phần được trích lại để tái đầu tư cho bộ phận nghiên cứu phát triển, sẵn sàng cho một chu trình đổi mới tiếp theo. Mô hình này được gọi là mô hình đổi mới sáng tạo đóng. (Hình 8)

 

Trong xu hướng đổi mới, cách mạng công nghiệp 4.0 và tốc độ phát triển nhanh của công nghệ, do nhu cầu thị trường và hành vi của khách hàng không ngừng thay đổi, chỉ có rất ít doanh nghiệp trên thế giới có thể tự tin nghiên cứu và phát triển công nghệ mới theo kiểu khép kín mà không tích hợp vào quá trình đó các sáng kiến và ý tưởng từ bên ngoài doanh nghiệp. Việc sáng tạo các công nghệ và tri thức mới ngay bên trong tổ chức thường tốn kém, đòi hỏi đầu tư lớn vào các hoạt động R&D, đi kèm theo là rủi ro lớn vì công nghệ mà doanh nghiệp làm ra chưa chắc đáp ứng với nhu cầu của thị trường, khách hàng. Do đó, các doanh nghiệp ngành Năng lượng hiện nay chủ yếu đã chuyển đổi sang mô hình đổi mới sáng tạo mở. (Hình 9)

Trong mô hình đổi mới sáng tạo mở, các dự án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng thử nghiệm công nghệ được kết hợp giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài tổ chức để tận dụng tối đa các cơ hội mới, đẩy nhanh quá trình hình thành các sản phẩm hoặc các công nghệ có khả năng thương mại hóa sớm. Đổi mới sáng tạo mở tập trung chủ yếu vào việc chuyển giao công nghệ và phát triển công nghệ. Mô hình này, tập đoàn/doanh nghiệp ngành Năng lượng có thể thay đổi cách làm truyền thống có thể nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản, nguồn nhân lực bằng cách hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm cho các startup để nghiên cứu công nghệ mới, đặc biệt công nghệ trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học tiên tiến, hệ thống phát thải cacbon thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

5. Kết luận

Chuyển dịch năng lượng đã và đang là xu hướng mang tính toàn cầu đáp ứng mục tiêu xây dựng và phát triển nền kinh tế bền vững. Để đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, trong xu hướng chuyển dịch năng lượng, Việt Nam tập trung hướng nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ mang tính đột phá. Trước thách thức đó các tập đoàn, doanh nghiệp ngành Năng lượng tập trung đầu tư cho các hoạt động ĐMST để đáp ứng được nhu cầu của xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh, có thể kể đến các ứng dụng các công nghệ trong tích hợp và quản lý các nguồn năng lượng phân tán, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo theo mô hình nhà máy điện ảo (VPP),... Song song với đó, mô hình đổi mới sáng tạo mở đã dần thay thế mô hình đổi mới sáng tạo đóng trước đây nhằm huy động được các nguồn lực tri thức bên trong và bên ngoài tập đoàn/doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, ứng dụng, thương mại hóa công nghệ năng lượng cũng như tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo. 

Ngoài ra, đổi mới mô hình hoạt động khoa học công nghệ năng lượng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp ngành Năng lượng startup theo mô hình mở, cùng với việc ban hành các cơ chế quản lý, chính sách khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy sự gắn kết giữa hoạt động khoa học công nghệ với sản xuất, kinh doanh, giữa doanh nghiệp và nhà trường/viện nghiên cứu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Stefan Lindegaard (2010). The open innovation revolution: Essentials, Roadblocks and Leadership Skills, Wiley.
  2. Hà Minh Hiệp (2022). Đổi mới sáng tạo và năng suất, <https://isocert.org.vn/doi-moi-sang-tao-va-nang-suat>.
  3. The World Bank (2022). Đánh giá Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, <https://www.worldbank.org/content/dam/Worldbank/document/EAP/Vietnam/Vietnam-STI-review-executive-summary-TIENGVIET-FINAL.pdf>
  4. IPCC (2021). The Global carbon budget will run out in 9 years, <https://www.carbonindependent.org/54.html>.
  5. OECD (2018).Oslo Manual 2018: Guidelines for Collecting, Reporting and Using Data on Innovation, 4th Edition, <https://www.oecd.org/sti/inno/oslo-manual-2018-info.pdf>.
  6. Authors (2020). Global Carbon Budget 2020, <https://essd.copernicus.org/articles/12/3269/2020/>. Earth Syst. Sci. Data, 12, 3269–3340, 2020 https://doi.org/10.5194/essd-12-3269-2020.
  7. VIET (2021). Câu chuyện chuyển dịch của ngành Điện Việt Nam, < http://pgis.vietse.vn:1234/vi>.
  8. Technology Outlook 2030, <https://www.dnv.com/to2030/impact/technology-and-society.html>.
  9. Nguyễn Hải Phong (2021), Cập nhật về Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam đến năm 2021, Cục Sở hữu Trí tuệ <https://www.ipvietnam.gov.vn/wipo-tisc/-/asset_publisher/cJxYn3niVhqg/content/cap-nhat-ve-chi-so-oi-moi-sang-tao-toan-cau-gii-cua-viet-nam-en-2021?inheritRedirect=false>.

Open innovation in the energy transition

Master. Chu Van Tuan1

Master. Nguyen Thuy Ninh2

1Deputy Director, Employment and Start - up Supporting Center, Electric Power University

2Faculty of Industrial and Energy Management, Electric Power University

Abstract:

Energy transition is a global trend to meet the goal of building and developing a sustainable economy. To achieve the goal of net zero emissions by 2050, Vietnam promotes the implementation of technologies to improve resource and energy efficiency, and reduce emissions from manufacturing activities, contributing to significantly lowering the demand for fossil fuels and reducing environmental pollution. Vietnam also needs to develop clean and renewable energy sources to gradually reduce the use of traditional energy sources. Technological researches and implementation of new technological solutions, especially breakthrough technologies, are the driving force for this energy transition. Facing that challenge, the open innovation model in the energy industry is gradually replacing the previous closed innovation model in order to mobilize global wisdom and knowledge, accelerate technological researches, application, commercialization, lower investment costs, and improve the efficiency of innovation activities in enterprises in general and in energy enterprises in particular.

Keywords: energy transformation, open innovation, technology trend.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]