Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có ý kiến về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Cụ thể, tại văn bản 5676/VPCP-CN ngày 26/7/2023, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải trước ngày 5/8/2023, hoàn thành việc đề xuất thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Đề án) và các dự án đường sắt tốc độ cao khác kết nối liên vùng và quốc tế trong hệ thống đường sắt quốc gia (Ban chỉ đạo) theo đúng quy định.
Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội là thành viên Ban chỉ đạo.
Thành lập Tổ tư vấn giúp việc cho Ban chỉ đạo, làm việc chuyên trách (không kiêm nhiệm), bao gồm các chuyên gia đầu ngành, tâm huyết về giao thông vận tải đường sắt (kể cả chuyên gia đã nghỉ hưu).
Kịp thời xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và tổ tư vấn giúp việc để có thể triển khai ngay (nghiên cứu, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước…) trong quá trình xây dựng Đề án, lập dự án...
Bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 và các văn bản khác có liên quan đến định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam; trên cơ sở đó, nghiên cứu rất kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện, đề xuất phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, bảo đảm hiệu quả, khả thi và bền vững.
Căn cứ lịch công tác, chương trình làm việc 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để kịp thời hoàn thiện Đề án, báo cáo Thường trực Chính phủ theo quy định, bảo đảm chất lượng và tiến độ yêu cầu.
Theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục "xương sống", khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối hiệu quả với các tuyến đường sắt đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế) và liên vận quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (Hà Nội - Vinh; Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang).
Trước năm 2045, hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Tháng 2/2019, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh thành từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h. Trên tuyến có 20 ga hành khách, đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán. Tổng mức đầu tư sau thẩm tra là 64 tỷ USD.
Hội đồng Thẩm định nhà nước đã ký hợp đồng với liên danh tư vấn thẩm tra độc lập để đánh giá, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Cuối năm 2022, Tư vấn thẩm tra nêu một số nhược điểm nếu đầu tư đường sắt tốc độ cao 350 km/h và kiến nghị phương án tuyến đường sắt vừa chở khách, vừa chở hàng tốc độ khai thác 225 km/h cho tàu khách, 160 km/h cho tàu hàng. Trên tuyến có 50 ga hành khách và 20 ga hàng hóa. Tổng mức đầu tư sơ bộ là 61 tỷ USD.
Cuối tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã ký văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn; là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên cần có sự chỉ đạo tập trung từ cấp cao nhất, có quyết tâm chính trị mạnh mẽ; cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật (công nghệ, tốc độ khai thác, đối tượng phục vụ v.v...), mô hình khai thác hợp lý trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế, điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm tầm nhìn chiến lược, dài hạn.