Việc phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp được chú trọng, đi cùng với các chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư vào phát triển các dự án công nghiệp đã quy hoạch, các lĩnh vực có lợi thế, qua đó hình thành chuỗi giá trị về công nghiệp hỗ trợ.
Thực tế cho thấy, để rút ngắn thời gian cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước tiếp cận trình độ sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài sự cố gắng của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ quyết liệt từ Trung ương thì vai trò của các địa phương là rất quan trọng.
Tuy nhiên, vai trò này vẫn chưa được phát huy đúng mức. Chưa nhiều địa phương chủ động xây dựng, ban hành thực thi các chính sách riêng để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Tiềm năng lợi thế của từng địa phương, từng vùng kinh tế chưa được khai thác hết. Sự hợp tác và liên kết giữa các vùng kinh tế trong phát triển công nghiệp còn lỏng lẻo từ quy hoạch đến thu hút đầu tư và phân bổ nguồn lực.
Chia sẻ tại Toạ đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương”, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech chia sẻ, chúng tôi cũng tiếp xúc được với rất nhiều những khách hàng lớn ở trên quốc tế, thì tôi nhìn thấy là họ đều có một điểm chung, đấy là ngoài những nhu cầu, tiêu chí truyền thống, ví dụ như là chất lượng, giá cả, tiến độ thì bây giờ thì có những tiêu chuẩn mà muốn đồng hành với họ thì họ yêu cầu rõ ràng, như trách nhiệm xã hội, sản xuất thông minh, phát triển xanh, phát triển bền vững,… Những yêu cầu cũng chính là định hướng phát triển của CNCTech trong tương lai.
Hiện tại CNCTech cũng đang đẩy mạnh phát triển những mảng mà hiện tại CNCTech đang có. Về sản xuất công nghiệp hỗ trợ và công nghệ, CNCTech đang hợp tác với các công ty lớn trên thế giới để trao đổi, học hỏi thêm về kinh nghiệm, kiến thức cũng như hình thành cơ sở để có thể tạo ra được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, hay còn gọi là một điểm đến, một điểm chạm để khi khách hàng đến thì khách hàng không cần phải đi đâu nữa, CNCTech có thể hỗ trợ và có thể làm được tất cả, đáp ứng được tất cả các nhu cầu của khách hàng.
Về hạ tầng công nghiệp, CNCTech đã xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện để cho các khách hàng đến thì họ có thể hài lòng, họ có thể ở lại cũng như có thể kết nối được với công ty, doanh nghiệp trên thế giới cũng như là các công ty Việt Nam, qua đó hình thành một hệ sinh thái có thể hỗ trợ nhau, đôi bên cùng có lợi, để làm sao mà tạo ra được nhiều giá trị dài hạn nhất. Đó là kế hoạch của CNCTech.
Còn về mong muốn, CNCTech mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của các cấp chính quyền để không chỉ CNCTech mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam được tạo điều kiện, có một môi trường thuận lợi để phát triển, đầu tư, cạnh tranh lành mạnh với các công ty ở trên toàn cầu.
“Rất là mong các tỉnh thành tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tối ưu hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và đồng thời cần có các chính sách ưu đãi về thuế suất, đảm bảo mức tín dụng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gia tăng kết nối, hợp tác với cả các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế để có thể tạo được một hệ sinh thái sản xuất Make in Vietnam.” - ông Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu để ban hành những chính sách về phát triển công nghiệp cũng như công nghiệp hỗ trợ, chúng tôi cũng thấy cũng rất vui khi mà ó những tín hiệu khá tích cực và được sự đánh giá cao của từ cộng đồng doanh nghiệp như vậy.
“Tôi cho rằng với những buổi như ngày hôm nay thì các doanh nghiệp chắc là cũng chưa chia sẻ hết được những khó khăn, vướng mắc cũng như mong muốn của doanh nghiệp đâu. Tôi chỉ lấy ví dụ như một vấn đề như vấn đề về vốn, tín dụng chẳng hạn, như đại diện CNCTech cũng có vừa chia sẻ, chắc chắn luôn là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Chúng ta đều biết là ở doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ thì gần như họ không có kế hoạch sản xuất, mà chủ yếu phụ thuộc vào đặt hàng từ những đơn vị sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Chính vì vậy mà tài sản của doanh nghiệp cũng không phải lớn lắm, dẫn đến khi đi vay vốn thì các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ này cũng rất vất vả, tài sản không có, kế hoạch sản xuất kinh doanh không có, thì các ngân hàng đương nhiên cũng sẽ có những khó khăn trong quá trình vay tín dụng.” - Ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Chính vì vậy, trong các chính sách mà Bộ Công Thương đề xuất tại Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP cũng như tại Luật Phát triển công nghiệp (mới gần đây nhất đã đổi tên thành Luật Sản xuất các sản phẩm công trọng điểm) thì chúng tôi cũng đưa ra những chính sách liên quan đến tạo lập thị trường, đến xây dựng các cụm liên kết ngành; cũng như các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như vấn đề tín dụng,…
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp nói chung cũng như công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng các chính sách tại địa phương để làm sao hỗ trợ được trực tiếp cho các doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế làm sao trong quá trình thu hút đầu tư thì chúng ta cũng phải có những ràng buộc với các doanh nghiệp nước ngoài trong công tác phát triển tỉ lệ nội địa hóa.
Về các kiến nghị đối với địa phương thì như tôi có chia sẻ ở trên, trong vòng ba năm từ 2022 đến nay, chúng tôi có làm việc với 15 địa phương, thì chúng tôi cũng nhận thấy rằng bộ phận làm phát triển công nghiệp ở địa phương rất mỏng, do đó kiến nghị các địa phương cần xem xét bố trí bổ sung các nhân sự để triển khai công việc này. Thứ hai, các địa phương cần có những chính sách để làm sao khi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào địa phương của mình thì phải có những ràng buộc trong phát triển các doanh nghiệp nội địa.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để xây dựng các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương cũng như hoàn thiện các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Trung ương để các chính sách ngày càng hỗ trợ các doanh nghiệp một cách trực tiếp và thiết thực hơn trong thời gian tới.