Hoàn thiện quy định về điều kiện chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng

Bài báo Hoàn thiện quy định về điều kiện chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng do Đào Thảo Phương (Học viên cao học luật, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Pháp luật về điều kiện chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng đóng vai trò quan trọng, không chỉ đối với sự tuân thủ và phát triển của công ty đại chúng mà còn bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và góp phần ổn định, minh bạch hóa thị trường chứng khoán. Bài viết phân tích và đánh giá một số quy định quan trọng về điều kiện chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, thông qua đó đưa ra các kiến nghị để hoàn thiện pháp luật liên quan.

Từ khóa: điều kiện chào bán chứng khoán riêng lẻ, công ty đại chúng, phát hành chứng khoán, nhà đầu tư chứng khoán.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, các điều kiện để công ty đại chúng (CTĐC) chào bán chứng khoán riêng lẻ (CBCKRL), huy động vốn được quy định tại Điều 31 Luật Chứng khoán năm 2019 (Luật CK 2019) và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định số 155/2020/NĐ-CP) và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP) (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP).

Sau một thời gian thực thi, các quy định về điều kiện CBCKRL của CTĐC tồn tại khá nhiều bất cập và vướng mắc, không còn đáp ứng cho quá trình huy động vốn của CTĐC và không bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư (NĐT). Bài viết phân tích, đánh giá một số quy định quan trọng về điều kiện CBCKRL của CTĐC, thông qua đó tác giả đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.  

2. Điều kiện về quyết định thông qua việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị

Theo quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 31 Luật CK 2019, trường hợp CTĐC chào bán cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ thì phải được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua quyết định có nội dung về phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng NĐT; còn CTĐC chào bán trái phiếu riêng lẻ không thuộc trường hợp trên phải được ĐHĐCĐ hoặc Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua quyết định có nội dung về phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng, NĐT.

Vấn đề đặt ra là quy định tại Điều 43, điểm a khoản 1 Điều 45, điểm a khoản 1 Điều 47 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP cho phép ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT để quyết định các vấn đề về xác định giá chào bán, xác định NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, thông qua phương án đảm bảo việc phát hành cổ phiếu đáp ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Quy định cho phép ĐHĐCĐ có thể ủy quyền cho HĐQT đã phát sinh vấn đề về vượt quá phạm vi ủy quyền hoặc không có ủy quyền nhưng HĐQT vẫn đơn phương quyết định. Đơn cử, trong vụ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 564/QĐ-XPHC ngày 07/7/2023 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Vinam đã thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ khi chưa được ĐHĐCĐ ủy quyền cho phép thực hiện[1].

Tuy nhiên, chế định ủy quyền trong quan niệm truyền thống ở Việt Nam thường được hiểu là mối quan hệ ủy quyền giữa các cá nhân và pháp nhân với nhau, mà chưa có cơ chế rõ ràng để thừa nhận quan hệ ủy quyền giữa các cơ quan, chức danh quản lý trong nội bộ của một pháp nhân. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), đại diện theo ủy quyền là việc cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Trong các quy định cụ thể của BLDS 2015 lẫn Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật CK 2019 không tồn tại quy định về cơ chế ủy quyền giữa các cơ quan, chức danh trong cơ cấu tổ chức quản lý nội bộ của CTCP nói chung và CTĐC nói riêng. Do đó, một nghị định của Chính phủ (Nghị định số 155/2020/NĐ-CP) cho phép ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT để quyết định các vấn đề quan trọng về CBCKRL có thể làm phát sinh nhiều rắc rối liên quan, đặc biệt là việc đánh giá hiệu lực của quyết định CBCKRL của HĐQT CTĐC.

Bản thân việc quyết định CBCKRL của CTĐC là cơ sở để hình thành giao dịch mua bán chứng khoán giữa CTĐC với NĐT, trong khi một giao dịch được xem là có hiệu lực khi có đủ các điều kiện về: chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội (Điều 117 BLDS 2015). Xét về chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, CTĐC được thành lập hợp pháp và các giao dịch được xác lập thông qua người đại diện hợp pháp là thỏa mãn điều kiện về chủ thể. Tuy nhiên, mặc dù trong BLDS 2015 chỉ quy định về năng lực pháp luật của pháp nhân mà không có quy định về năng lực hành vi dân sự của pháp nhân nhưng lại có quan điểm cho rằng pháp nhân có năng lực hành vi dân sự và “ý chí của pháp nhân thể hiện thông qua ý chí của cơ quan lãnh đạo cao nhất hoặc của người đại diện hợp pháp của pháp nhân”[2].

Do đó, để tránh những rắc rối không đáng có, các quy định về việc ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT trong Nghị định số 155/2020/NĐ-CP cần được “luật hóa” để đưa vào Luật CK nhằm tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc hơn (điều chỉnh bởi luật của Quốc hội, thay vì nghị định của Chính phủ). Mặt khác, về lâu dài, BLDS 2015 cũng cần có những ghi nhận về vấn đề ủy quyền giữa các cơ quan trong nội bộ của pháp nhân để bảo đảm tính đồng bộ và hiệu lực pháp lý giữa BLDS 2015 với các luật chuyên ngành[3].

3. Điều kiện về đối tượng tham gia đợt chào bán

Theo quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 31 Luật CK 2019, đối tượng tham gia đợt chào bán của CTĐC trong trường hợp chào bán là cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ thì chỉ bao gồm NĐT chiến lược, NĐT chứng khoán chuyên nghiệp; còn chào bán trái phiếu riêng lẻ thuộc các trường hợp khác thì chỉ bao gồm NĐT chứng khoán chuyên nghiệp[4].

Theo đó, NĐT chiến lược phải là NĐT được ĐHĐCĐ lựa chọn theo các tiêu chí về năng lực tài chính, trình độ công nghệ và có cam kết hợp tác với công ty trong thời gian ít nhất 03 năm[5]. Còn NĐT chứng khoán chuyên nghiệp phải là NĐT có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán bao gồm: (i) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước được mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan; (ii) Công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch; (iii) Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; (iv) Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp; (v) Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 01 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả[6].

Hiện tại, các nhà lập pháp đang xây dựng dự thảo sửa đổi một số điều của Luật CK 2019, đặc biệt, một trong những đề xuất được quan tâm nhất là việc Bộ Tài chính đưa ra khái niệm NĐT chuyên nghiệp. Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 11 của Luật CK 2019 về NĐT chuyên nghiệp, theo đó có 01 số đề xuất sửa đổi, bổ sung quan trọng sau:

(i) Đối với công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng thì phải có thời gian hoạt động tối thiểu 02 năm.

(ii) Đối với cá nhân, bổ sung quy định (i) phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 02 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 04 quý gần nhất; (ii) có thu nhập tối thiểu 01 tỷ đồng/ năm trong 02 năm gần nhất[7].

Việc nâng cao tiêu chuẩn đối với các NĐT chuyên nghiệp như trên có thể xuất phát từ tư duy đảm bảo chỉ những NĐT có đủ kiến thức, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mới tham gia vào các giao dịch chứng khoán phức tạp, góp phần bảo vệ NĐT nhỏ lẻ khỏi các rủi ro không cần thiết; giúp giảm tình trạng NĐT thiếu kinh nghiệm tham gia vào thị trường và gặp thiệt hại do không đủ hiểu biết. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, những tiêu chí này có thể khiến nhiều NĐT nhỏ lẻ khó tiếp cận thị trường đầu tư chuyên nghiệp, làm giảm cơ hội đầu tư cho nhóm này. Điều này cần được xem xét kỹ lưỡng để không tạo ra rào cản quá lớn, đồng thời cần có các cơ chế hỗ trợ hoặc hướng dẫn cho NĐT nhỏ lẻ nâng cao kiến thức và kinh nghiệm, từng bước tham gia vào thị trường.

Do đó, để đảm bảo tính hợp lý và cân bằng giữa việc nâng cao chất lượng NĐT chuyên nghiệp và không tạo ra rào cản quá lớn, tác giả cho rằng nhà làm luật cần có nghiên cứu định lượng hơn khi đề xuất sửa đổi khái niệm NĐT chứng khoán chuyên nghiệp. Cụ thể, tác giả có một số ý kiến đề xuất như sau:

Một là, cần xem xét linh hoạt hơn về yêu cầu tài chính: Thay vì áp dụng một con số cố định về thu nhập tối thiểu (1 tỷ đồng/năm), có thể đưa ra các mức phân loại NĐT dựa trên khả năng tài chính hoặc kinh nghiệm đầu tư. Ví dụ, NĐT có thu nhập thấp hơn nhưng có kinh nghiệm giao dịch lâu dài và ổn định cũng có thể được coi là NĐT chuyên nghiệp.

Hai là, đưa ra tiêu chí về kiến thức và chứng chỉ: Thay vì chỉ dựa vào số lần giao dịch và thu nhập, NĐT có thể được xem là chuyên nghiệp nếu họ hoàn thành các khóa học về đầu tư tài chính hoặc có được các chứng chỉ chuyên môn hoặc các chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp. Điều này đảm bảo rằng những NĐT có đủ kiến thức sẽ không bị loại bỏ chỉ vì thiếu tần suất giao dịch hoặc thu nhập cao.

Ba là, điều chỉnh yêu cầu về tần suất giao dịch: Quy định về tối thiểu 10 giao dịch mỗi quý có thể quá khắt khe đối với những NĐT chiến lược, những người có xu hướng đầu tư dài hạn và ít giao dịch. Cần đưa ra các tiêu chí linh hoạt hơn cho những NĐT này, như phân biệt giữa NĐT ngắn hạn và dài hạn, dựa trên chiến lược đầu tư và lợi nhuận.

Bốn là, thời gian đầu tư: Thay vì yêu cầu thời gian tham gia đầu tư tối thiểu là 2 năm cho tất cả các trường hợp thì có thể điều chỉnh tiêu chí này dựa trên năng lực và kinh nghiệm. Ví dụ, những NĐT có kiến thức chuyên sâu hoặc có chứng chỉ về đầu tư tài chính có thể được xem xét để giảm thời gian yêu cầu này

4. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 Luật CK 2019, việc chào bán cổ phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài theo quy định của pháp luật. Đây là điều kiện mới của Luật CK 2019 so với Luật CK 2006 nhằm bảo đảm hiệu lực ở cấp độ đạo luật, bảo đảm tính minh bạch về điều kiện tiếp cận thị trường của NĐT nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật chứng khoán. Để hướng dẫn thi hành chi tiết, khoản 1 Điều 139 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trường hợp CTĐC có tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt quá tỷ lệ theo quy định, CTĐC phải bảo đảm không làm tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty. Trường hợp pháp luật liên quan không có quy định khác, các cổ đông của CTĐC là NĐT nước ngoài và tổ chức kinh tế có NĐT nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ chỉ được phép bán ra cổ phiếu cho đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại CTĐC tuân thủ quy định, ngoại trừ việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc mua cổ phiếu trong đợt phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu[8].

Theo khoản 38 Điều 3 của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần tính trên vốn điều lệ của tất cả NĐT nước ngoài và tổ chức kinh tế có NĐT nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trong một CTĐC. Như vậy, bên cạnh NĐT nước ngoài thì tổ chức kinh tế có NĐT nước ngoài cũng là đối tượng làm căn cứ để xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Pháp luật chứng khoán không định nghĩa tổ chức kinh tế có NĐT nước ngoài nên căn cứ theo Luật Đầu tư 2020, theo đó “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có NĐT nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”[9]. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, trong thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Điều 23 của Luật Đầu tư 2020 quy định tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với NĐT nước ngoài khi đầu tư mua cổ phần của tổ chức kinh tế khác nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây: Nhóm 1: có NĐT nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh; Nhóm 2: Có tổ chức kinh tế quy định tại Nhóm 1 ở trên nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Nhóm 3: Có NĐT nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại Nhóm 1 ở trên nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Với quy định này, sẽ đặt ra nhiều vấn đề pháp lý: Nếu CTĐC có cả các NĐT là tổ chức kinh tế thuộc cả Nhóm 2 và Nhóm 3 nêu trên thì trường hợp này có tính tỷ lệ sở hữu của họ khi xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài hay không? Nếu căn cứ vào quy định tại Điều 23 của Luật Đầu tư 2020 thì câu trả lời là có, nhưng căn cứ theo Nghị định số 155/2020/NĐ-CP là không.

Xét về mục đích, việc kiểm soát thủ tục, điều kiện đầu tư đối với đầu tư nước ngoài bằng kiểm soát cả hình thức sở hữu gián tiếp của NĐT nước ngoài như trên nhằm kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc đầu tư của NĐT nước ngoài vào các tổ chức kinh tế tại Việt Nam. Khi NĐT nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có quyền kiểm soát, họ có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tổ chức đó. Để đảm bảo lợi ích quốc gia, bảo vệ quyền lợi kinh tế và tránh rủi ro về an ninh, các tổ chức này phải tuân thủ các quy định về đầu tư nước ngoài. Điều này cũng giúp duy trì sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đồng thời ngăn chặn việc lợi dụng các kẽ hở pháp lý. Do đó, tác giả kiến nghị sửa đổi quy định của khoản 38 Điều 3 của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP để tương thích, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư 2020. Trong trường hợp Luật CK và văn bản hướng dẫn có bảo lưu riêng, khác biệt so với Luật Đầu tư 2020 thì cần minh thị cơ sở lập pháp và quy định rõ ràng để tạo thuận lợi cho thực tiễn áp dụng.

5. Điều kiện hạn chế chuyển nhượng chứng khoán

Về nguyên tắc, chứng khoán là tài sản và chủ sở hữu hoàn toàn có quyền định đoạt bằng cách thức chuyển nhượng lại cho các tổ chức, cá nhân khác. Đặc biệt, với tư cách là một công ty đối vốn, cổ phiếu của CTCP đại chúng được tự do chuyển nhượng[10]. Tuy nhiên, pháp luật chứng khoán quy định các hạn chế chuyển nhượng chứng khoán riêng lẻ như sau:

Đối với cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ: Điểm c khoản 1 Điều 31 Luật CK 2019 quy định việc chuyển nhượng chứng khoán bị hạn chế tối thiểu là 03 năm đối với NĐT chiến lược và tối thiểu là 01 năm đối với NĐT chứng khoán chuyên nghiệp.

Đối với trái phiếu riêng lẻ của CTĐC không thuộc trường các trường hợp trên: Điểm c khoản 2 Điều 31 Luật CK 2019 quy định việc chuyển nhượng trái phiếu chào bán riêng lẻ chỉ được thực hiện giữa các NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật

Ở góc độ NĐT, việc Luật CK 2019 hạn chế chuyển nhượng chứng khoán nhằm bảo vệ lợi ích của CTĐC, NĐT và hướng đến ổn định thị trường tài chính. Tuy nhiên, đối với CTĐC, quy định về hạn chế chuyển nhượng chứng khoán là một điều kiện CBCKRL không hợp lý, bởi lẽ:

Thứ nhất, quy định không trực tiếp ảnh hưởng đến điều kiện chào bán của CTĐC: Quy định này chủ yếu tập trung vào việc giới hạn quyền chuyển nhượng của NĐT sau khi mua cổ phiếu hoặc trái phiếu, mà không ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện chào bán hay quy trình phát hành từ phía CTĐC. Vì thế, có thể coi đây không phải là một điều kiện về chào bán mà là một điều khoản hạn chế quyền của NĐT.

Thứ hai, khó ràng buộc đối với CTĐC: CTĐC khi chào bán chứng khoán vẫn thực hiện các thủ tục phát hành như bình thường. Việc hạn chế này không thay đổi hay thêm điều kiện nào cho công ty về mặt phát hành, mà chỉ điều chỉnh đối với hành vi và quyền lợi của NĐT sau khi mua, khiến quy định này không thực sự liên quan trực tiếp đến điều kiện chào bán.

Thứ ba, trọng tâm quy định hạn chế chuyển nhượng chứng khoán hướng tới quyền sở hữu của NĐT: Quy định tập trung vào việc kiểm soát khả năng chuyển nhượng sau khi mua của NĐT, không tác động đến các yếu tố khác trong điều kiện chào bán như giá bán, đối tượng mua hay quy trình chào bán của CTĐC.

Từ các cơ sở trên, tác giả kiến nghị bãi bỏ điều kiện về hạn chế chuyển nhượng chứng khoán ra khỏi quy định về điều kiện CBCKRL quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 và điểm c khoản 2 Điều 31 Luật CK 2019.

6. Điều kiện mục đích phát hành trái phiếu riêng lẻ

Theo Điều 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành và công bố thông tin cho NĐT đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho NĐT. Nhìn chung, mục đích của phát hành trái phiếu khá rộng và không có quy định cấm, hạn chế. Điều này có thể dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng liên quan đến rủi ro tài chính, tính minh bạch và bảo vệ NĐT. Cụ thể:

Thứ nhất, tạo ra nguy cơ rủi ro dây chuyền: Khi một CTĐC phát hành trái phiếu và sử dụng số tiền này để góp vốn hoặc mua cổ phần, trái phiếu của các doanh nghiệp khác, công ty có thể chịu rủi ro từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà CTĐC đầu tư. Điều này có thể tạo ra sự lan tỏa rủi ro tài chính trong toàn hệ thống kinh tế, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của công ty phát hành trái phiếu.

Thứ hai, đe dọa xâm phạm đến quyền lợi của NĐT: Khi một CTĐC phát hành trái phiếu, NĐT kỳ vọng rằng công ty sẽ sử dụng nguồn vốn này để phát triển các hoạt động kinh doanh cốt lõi, tạo ra dòng tiền để hoàn trả trái phiếu. Việc công ty sử dụng tiền trái phiếu để đầu tư vào các doanh nghiệp khác hoặc cho vay có thể làm tăng rủi ro mất vốn và ảnh hưởng đến khả năng hoàn trả của công ty đối với NĐT trái phiếu.

Thứ ba, tránh hoạt động đầu cơ, thu lợi bất chính: Việc hạn chế sử dụng tiền trái phiếu để đầu tư vào các doanh nghiệp khác hoặc cho vay vốn cũng giúp ngăn chặn các hoạt động đầu cơ quá mức, giảm thiểu rủi ro liên quan đến đầu tư không hợp lý hoặc quản lý kém hiệu quả.

Tuy nhiên, việc cấm CTĐC phát hành trái phiếu để đầu tư có thể làm giảm sự linh hoạt tài chính, hạn chế khả năng tăng trưởng và đầu tư chiến lược. Điều này cũng làm mất cơ hội tối ưu hóa dòng tiền và lợi nhuận cho cổ đông, đồng thời ngăn cản các mối hợp tác và phát triển thị trường tiềm năng giữa các doanh nghiệp.

Do đó, tác giả đề xuất cần có giải pháp pháp lý để kiểm soát mục đích sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu riêng lẻ thông qua việc bổ sung quy định cho phép CTĐC phát hành trái phiếu để đầu tư vào doanh nghiệp khác, nhưng giới hạn ở một tỷ lệ nhất định, ví dụ như không quá 20-30% tổng nguồn vốn huy động từ trái phiếu. Đồng thời, cần quy định yêu cầu công ty phải công khai rõ ràng các khoản đầu tư này và tuân thủ các tiêu chuẩn báo cáo tài chính nghiêm ngặt để đảm bảo tính minh bạch. Cuối cùng, cần ràng buộc phạm vi đầu tư chỉ là các doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt và ổn định, giảm thiểu rủi ro từ việc đầu tư vào những doanh nghiệp yếu kém.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

1Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (2023). Quyết định số 564/QĐ-XPHC ngày 07/7/2023, về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Vinam.

2Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2018). Giáo trình Những quy định chung về luật dân sự. Chế Mỹ Phượng Đài - Nguyễn Xuân Quang, Nxb Hội Luật gia Việt Nam, tr. 194-198.

3Xem thêm: Điều 3, Điều 4 BLDS 2015.

4Khác với Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định việc chào bán trái phiếu riêng lẻ là việc chào bán cho dưới 100 NĐT, không kể NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, trong khi Nghị định và thực tế đang được hiểu là không được bán cho NĐT thông thường, mà chỉ được bán cho NĐT chuyên nghiệp.

5Khoản 17 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019.

6Điều 11 Luật Chứng khoán 2019.

7Xem: Thư viện pháp luật, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Luat-Chung-khoan-Luat-Ke-toan-Luat-Kiem-toan-doc-lap-Luat-Ngan-sach-Nha-nuoc-sua-doi-622318.aspx

8Khoản 5 Điều 139 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.

9Khoản 23 Điều 3 của Luật Đầu tư năm 2020.

10Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2022). Giáo trình pháp luật về chủ thể kinh doanh, tái bản lần 3, có sửa đổi và bổ sung). Bùi Xuân Hải, Nxb Hồng Đức, tr. 263-264.

Enhancing the regulatory framework for private placement conditions of securities by public companies

Master’s student Dao Thao Phuong

Ho Chi Minh City University of Law

Abstract:
This study examines the legal framework regulating the private placement of securities by public companies, highlighting its pivotal role in ensuring compliance, fostering corporate growth, safeguarding investor rights, and enhancing the stability and transparency of the securities market. By analyzing and evaluating key legal provisions, the study identifies existing challenges and offers recommendations to strengthen the legal framework, contributing to a more robust and equitable securities market.

Keywords: conditions for private placement of securities, public companies, securities offering, securities investors.         

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]

Tạp chí Công Thương