Hội thảo Tổng kết Dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam”

Sáng ngày 25 tháng 6 năm 2015, tại Khách sạn Marriot, Hà Nội, Ban Quản lý Dự án PCB Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam”.

Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) được thông qua ngày 22 tháng 5 năm 2001 và có hiệu lực vào ngày 19 tháng 5 năm 2004. Hiện nay, Công ước có 179 Thành viên là các quốc gia, các tổ chức kinh tế trên thế giới, trong đó Việt Nam là thành thành viên thứ 14 của Công ước từ ngày 22 tháng 7 năm 2002. Ngày 10/08/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 184/2006/QĐ-TTG về việc phê chuẩn Kế hoạch Quốc gia thực hiện Công ước Stockholm.



Với mục tiêu thực hiện Quyết định 184/2006/QĐ-TTG và xây dựng năng lực quốc gia của Việt Nam nhằm quản lý PCB và lưu trữ an toàn một lượng lớn PCB tại các tỉnh trình diễn nhằm tiêu hủy trong tương lai, Dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam” được xây dựng và triển khai. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới đã được triển khai thực hiện từ tháng 3 năm 2010. Các bên tham gia chính bao gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các doanh nghiệp, các chuyên gia, và các nhà khoa học.

Sau 5 năm thực hiện, Dự án đã đạt được các kết quả:

- Hoàn thiện khung pháp lý, thể chế quản lý PCB thông qua việc xây dựng các chính sách, quy định giám sát quản lý PCB an toàn ở cấp Quốc gia, Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia quản lý PCB;

-   Kiểm kê PCB trên toàn quốc tạo cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng các kế hoạch quản lý PCB,  Nâng cấp cơ sở hạ tầng  để lưu giữ an toàn PCB;

-    Tăng cường năng lực của các bên liên quan trong việc quản lý PCB; nâng cao nhận thức của cộng đồng về PCB.

Các kết quả đạt được của Dự án đã giúp Việt Nam thực hiện tốt cam kết của mình khi hội nhập quốc tế (thông qua việc tham gia Công ước Stockholm); và quan trọng hơn, giúp Việt Nam phòng ngừa và hạn chế sự ô nhiễm môi trường liên quan đến các hợp chất POP, nâng cao chất lượng môi trường, góp phần bảo vệ môi trường Việt Nam, khu vực và toàn cầu.                                                                                                             

 

PV