Hợp tác ASEAN - Một trong những ưu tiên chiến lược của Việt Nam

Với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động", trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu từ ngày 01/01/2010, Việt Nam sẽ tập trung vào những nhiệm vụ

ASEAN được thành lập ngày 8/8/1967 sau khi Bộ trưởng Ngoại giao các nước Inđônêxia, Malaysia, Philipin, Singapore và Thái Lan ký bản Tuyên bố ASEAN (còn gọi là Tuyên bố Băng Cốc). Hiện nay, Tổ chức ASEAN có 10 hội viên, là thị trường lớn với 600 triệu dân, tổng GDP trên 1.300 tỷ USD, là một trong bốn đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

 Hợp tác kinh tế ASEAN được bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước. Một số chương trình hợp tác về thương mại và công nghiệp quan trọng như: Thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA); Dự án công nghiệp ASEAN (AIP); Chương trình hỗ trợ công nghiệp ASEAN (AIC); Chương trình liên doanh công nghiệp ASEAN (AIJV) đã được ký kết và đưa vào thực hiện trong những năm 1970 - 1980. Năm 1992, các nước ASEAN ký Hiệp định thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (Common Effective Preferential Tariff Scheme - CEPT) quy định việc xây dựng Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Việt Nam bắt đầu thực hiện AFTA vào năm 1996. Theo quy định, từ năm 2006, Việt Nam phải đưa toàn bộ mức thuế suất đối với hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN về mức 0 - 5%, tiếp theo, Việt Nam phải tối đa hóa số dòng thuế về 0% và hoàn thành đưa toàn bộ các dòng thuế về 0% vào năm 2015. Bên cạnh mục tiêu tự do hóa thương mại hàng hóa, các nước ASEAN còn có các chương trình hợp tác kinh tế khác, điển hình là:

 - Hiệp định khung về đầu tư ASEAN (AIA) nhằm đưa ASEAN trở thành khu vực có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nội dung cơ bản của Hiệp định là, các nước ASEAN mở cửa các ngành nghề cho các nhà đầu tư ASEAN và dành chế độ đối xử quốc gia cho các nhà đầu tư ASEAN vào năm 2010; sau đó, các quy định này cũng sẽ được mở ra cho các nhà đầu tư ngoài ASEAN vào năm 2015.

 - Chương trình hợp tác công nghiệp ASEAN (AICO) nhằm thúc đẩy hợp tác của ASEAN trong lĩnh vực công nghiệp, được coi là biện pháp để thực hiện AFTA sớm trong công nghiệp.

 - Hợp tác dịch vụ trong ASEAN cũng được đẩy mạnh với việc các nước thành viên đã ký Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (AFAS) và 02 Nghị định thư cam kết giảm hàng rào thương mại trong 7 lĩnh vực dịch vụ, gồm: Tài chính, vận tải biển, du lịch, xây dựng, hàng không, kinh doanh và bưu chính viễn thông. 

 - Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông là lĩnh vực hợp tác quan trọng đối với ASEAN. Các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định khung tại Hội nghị cấp cao không chính thức năm 2000 tại Singapore, nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thông tin để thu hẹp khoảng cách về công nghệ số trong ASEAN và giữa ASEAN với các nước ngoài khu vực.

 Ngoài ra, các nước ASEAN cũng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng, hải quan, quyền sở hữu trí tuệ, nông - lâm nghiệp và nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác. Bên cạnh đó, việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN cũng được chú trọng.

 Hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN đang đi đúng hướng và đem lại hiệu quả thiết thực. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2007, khu vực ASEAN có khoảng 1.179 dự án đầu tư được cấp phép tại Việt Nam, với tổng vốn trên 16 tỷ USD. Quy mô vốn cho các dự án đầu tư của khu vực ASEAN vào Việt Nam nhìn chung cao hơn mức trung bình của cả nước và cao hơn nhiều so với một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác có dự án đầu tư tại Việt Nam. Phần lớn đầu tư trực tiếp của ASEAN vào Việt Nam tập trung trong các lĩnh vực: Dịch vụ, giao thông vận tải, bưu điện, khách sạn du lịch, tài chính ngân hàng, văn hoá - giáo dục...

 Trải qua hơn 40 năm thành lập và phát triển, ASEAN ngày nay đã trở thành một Tổ chức khu vực phát triển năng động của 10 quốc gia Đông Nam Á, với các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, ASEAN đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tự do hoá thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Hiện nay, thương mại hàng hóa nội khối đã đạt hơn 320 tỷ USD mỗi năm. Nỗ lực của ASEAN trong tự do hóa thương mại kể từ khi thành lập Khu vực mậu dịch tự do (AFTA) năm 1992. Từ đó đến nay, thuế quan trong Khu vực đã được cắt giảm đáng kể. ASEAN cũng từng bước giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại; đạt được những tiến triển tích cực trong tự do hóa thương mại, dịch vụ; mở cửa thu hút đầu tư, hợp lý hóa thủ tục hải quan, hài hòa các tiêu chuẩn và giảm khoảng cách phát triển.

 Có thể khẳng định, hợp tác ASEAN là một trong những ưu tiên chiến lược của Việt Nam và Việt Nam luôn xác định, tham gia hợp tác ASEAN là một bộ phận trong chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập quốc tế và khu vực. Việt Nam tham gia ASEAN theo phương châm tích cực, chủ động và có trách nhiệm, góp phần xây dựng một ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ, vững mạnh hơn. Vì vậy, trong năm 2010, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên khác trong Hiệp hội ASEAN, quyết tâm hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN 2010./.

  • Tags: