Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ vui mừng được đón Thứ trưởng Lee Inho cùng đoàn công tác Bộ MOTIE thăm và làm việc tại Bộ Công Thương và cám ơn sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của Bộ MOTIE đã giúp Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng các nền kinh tế APEC nói riêng và Tuần lễ cấp cao APEC nói chung vừa qua tại Đà Nẵng. Thứ trưởng đã đánh giá cao những thành tựu hai nước đã đạt được trong 25 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992 - 22/12/2017) và khẳng định những thành tựu hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại, đầu tư; văn hóa xã hội, giao lưu nhân dân được đặt trên nền tảng quan hệ ngoại giao và chính trị tốt đẹp đã và đang góp phần xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Thứ trưởng Lee Inho đánh giá cao sự đón tiếp nồng hậu và trọng thị của Việt Nam trong vai trò là chủ nhà APEC, chúc mừng Việt Nam đã tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC thành công và cảm ơn Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã giành thời gian tiếp đoàn.
Tại buổi tiếp,
hai Thứ trưởng nhất trí hai Bên cần tiếp tục chỉ đạo
các đơn vị liên quan tăng cường hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực công nghiệp,
thương mại và năng lượng; thực hiện các biện pháp, chính sách hữu hiệu thúc đẩy
hợp tác kinh tế - thương mại song phương trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa
mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100 tỷ USD vào năm 2020 được Nguyên
thủ hai nước đặt ra tại cuộc hội đàm bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC tổ chức tại Đà
Nẵng vừa qua. Hai
Thứ trưởng đã nêu bật các vấn đề quan tâm trong hoạt động hợp tác trong từng
lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa hai nước bao gồm: (i) hỗ trợ
tạo điều kiện cho
hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản tiếp cận dễ dàng
hơn vào thị trường Hàn Quốc, xử lý nhanh chóng các thủ tục hiện đang gây cản trở
thương mại hàng nông thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc; (ii) thúc đẩy
phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng và tham gia vào chuỗi sản xuất của các Tập
đoàn công nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung, LG, Hyundai,… (iii) phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý các vụ
việc phòng vệ thương mại; (iv) ủng hộ tiến trình hiện đại hóa của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng,
hợp tác trong phát triển ngành năng lượng tái tạo và ứng dụng công nghệ than sạch; (v) hỗ trợ Việt Nam bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại triển khai các Dự án về an toàn năng lượng và tham
gia đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng quốc gia./.
Trong nhiều năm qua Hàn Quốc luôn là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam. thương mại hai chiều đã tăng hơn 86 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên 43,4 tỷ USD vào năm 2016, đưa Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc (71,8 tỷ USD) và Hoa Kỳ (47,1 tỷ USD). Đồng thời, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, giày dép các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng, xơ, sợi dệt các loại…
Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc các mặt hàng thuộc Nhóm hàng điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị phụ tùng khác,hóa chất, phân bón, sắt thép và kim loại,...
Theo số liệu thông kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến 10 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 50,4 tỷ USD, tăng gần 42% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 12,1 tỷ USD, tăng 28%, kim ngạch nhập khẩu sang Hàn Quốc đạt 38,3 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ 2016.