Ngày 7/1/2015, đại diện Khối Nghiên cứu của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, động thái này diễn ra sớm
hơn so với dự báo, nhưng không gây ngạc nhiên trong bối cảnh USD đang mạnh hơn so với hầu hết các
loại tiền tệ ở những thị trường mới nổi vào đầu năm 2015 và tỷ giá USD/VND thường đóng cửa giao
dịch ở mức chạm trần trong vài tuần qua.
Do đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh từ mức 21.246 đồng/USD lên 21.458 đồng/USD
là phù hợp với tình hình thị trường hiện nay, thể hiện sự linh hoạt trong điều hành chính sách
ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.
"Tỷ giá USD/VND đã được giao dịch gần mức trần cho phép xuyên suốt tháng 12, phù hợp với việc USD
mạnh hơn rất nhiều trong vài tháng qua. Theo quan điểm của chúng tôi, việc thay đổi tỷ giá tham
chiếu được xem như bắt kịp với các loại tiền tệ khác ở những thị trường mới nổi. Việc tiền đồng
giảm thêm 1% so với USD thể hiện việc tiền đồng tiếp tục vận hành tốt hơn so với đa số các tiền tệ
khác của châu Á kể từ bắt đầu quý IV/2014" - các chuyên gia của HSBC nhận định.
Theo các chuyên gia của HSBC, trong những tuần gần đây không hề có sự suy giảm các yếu tố cơ bản
nào khiến Ngân hàng Nhà nước phải giảm giá tiền đồng. Mặc dù cán cân thương mại đã nghiêng sang mức
thâm hụt 900 triệu USD trong tháng 12 (nhưng cả năm vẫn thặng dư gần 2 tỷ USD), dòng vốn đầu tư
trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn mạnh, với vốn FDI đăng ký đạt mức 2,3 tỷ USD trong tháng 12/2014 (cả
năm 2014 đạt 15,6 tỷ USD).
Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục thấp hơn, đẩy lãi suất thực về mức dương chắc chắn hơn. Lãi suất
thực cao hơn có thể hỗ trợ giảm bớt một số áp lực đối với nhu cầu về USD trong thời điểm hiện tại
khi tỷ giá tham chiếu USD/VND vừa được điều chỉnh.
Tuy nhiên, lãi suất cao hơn cũng tạo ra một thách thức về mặt chính sách. Cụ thể, đại diện HSBC cho
rằng, mặc dù kỳ vọng lạm phát sẽ tăng nhẹ trong năm 2015, nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước tin rằng lãi
suất thực cao hơn đang siết chặt các điều kiện tiền tệ một cách quá mức thì có khả năng phải giảm
giá thêm tiền đồng và động thái này sẽ diễn ra nhanh hơn so với dự kiến để giảm bớt những áp lực
này.
Chính vì vậy, các chuyên gia của HSCB kỳ vọng, tiền đồng sẽ tiếp tục được giảm giá thêm 1%, đưa tỷ
giá bình quân liên ngân hàng vào khoảng 21.750 đồng/USD vào cuối năm nay.
Cùng chung nhận định này, đại diện Ngân hàng ANZ cho rằng, đây là động thái điều chỉnh tỷ giá bình
quân liên ngân hàng nằm trong dự báo thị trường, khi tỷ giá dao động tiện cận mức trần trong một
tháng qua.
Theo các chuyên gia của ANZ, đây là lần phá giá tiền đồng đầu tiên trong vòng gần 6 tháng qua. Mặc
dù khối lượng giao dịch tháng 12 ở mức khá mỏng, tỷ giá trung bình đạt 21.400 đồng.
Trước đó trong một báo cáo dự báo về các đồng tiền châu Á, ANZ dự đoán tỷ giá VND/USD có thể đạt
mức 22.050 đồng vào cuối năm 2015.
Các chuyên gia của ANZ cũng cho biết, cán cân thương mại nghiêng về hướng thặng dư trong 3 năm liên
tục, cộng hưởng với dòng vốn FDI gia tăng đã củng cố vị thế của VND so với các đồng tiền khác trong
khu vực.
Tuy nhiên, ANZ không kỳ vọng VND hoàn toàn miễn kháng trước đà tăng giá của đồng bạc xanh, nhất là
khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ trong 12 tháng tới./.